Cựu Đại tá Phùng Anh Lê chiếm dụng 110 triệu đồng tiền bồi thường, hòa giải

.

Sáng 12-8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) Phùng Anh Lê cùng 3 đồng phạm đều là cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ.

Bị cáo Phùng Anh Lê khai báo trước tòa. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Bị cáo Phùng Anh Lê khai báo trước tòa. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ba đồng phạm này gồm: Nguyễn Đức Châu (sinh năm 1973, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Vũ Công Ngọc (sinh năm 1980, cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) và Lê Đình Trung (sinh năm 1977, cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp).

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố bị cáo Phùng Anh Lê về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự; ba bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” theo quy định tại Điều 378, khoản 1 – Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử gồm 3 người: Một thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Trần Nam Hà (Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa. Ba kiểm sát viên gồm: bà Nguyễn Thị Vân Hồng, bà Phạm Thị Thu Hương và ông Nguyễn Ánh Dương (của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Có 11 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó 7 luật sư bào chữa cho bị cáo Phùng Anh Lê, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Châu.

Hội đồng xét xử đã triệu tập 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 12 người làm chứng. Tuy nhiên, tại phiên tòa vẫn vắng mặt một số người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử quyết định sẽ phối hợp với lực lượng Công an tiếp tục triệu tập những người này, nếu thấy cần thiết sẽ thực hiện biện pháp áp giải.

Tại phiên tòa, bị cáo Phùng Anh Lê đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi kiểm sát viên Nguyễn Ánh Dương. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho biết, quá trình điều tra vụ án, bị cáo Lê đã nhiều lần xin thay đổi kiểm sát viên Nguyễn Ánh Dương. Vụ 6, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã trả lời bị cáo Lê về việc xin thay đổi này là không chính đáng. Hội đồng xét xử đánh giá những lý do nêu ra là không xác đáng, không thuộc trường hợp thay đổi kiểm sát viên theo quy định tại Điều 52 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, ngày 22-9-2016, Nguyễn Hữu Tài (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội – là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi) đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ và đánh anh Nguyễn Công Thành (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xảy ra ngày 19-9-2016 tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Khoảng 21 giờ 10 phút cùng ngày, Tài bị đưa vào Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để thi hành Quyết định tạm giữ số 247 trong thời hạn 3 ngày. Do lo sợ Tài bị xử lý, người nhà Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ Phùng Anh Lê) tìm người giúp cho Tài được hòa giải với bị hại, không bị xử lý. Do có quan hệ họ hàng với Phùng Anh Lê, ông Phùng Văn Bảy đã đặt vấn đề và được Phùng Anh Lê đồng ý giúp với yêu cầu phải đưa cho Lê 110 triệu đồng để hòa giải bồi thường.

Sau khi nhận tiền từ ông Phùng Văn Bảy, Phùng Anh Lê đã chỉ đạo Nguyễn Đức Châu gọi Vũ Công Ngọc mang hồ sơ đến báo cáo Lê việc tạm giữ Tài, sau đó Lê chỉ đạo Lê Đình Trung bàn giao Tài cho Vũ Công Ngọc để tha cho về không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự. Hậu quả, Nguyễn Hữu Tài được tha trái pháp luật, đơn trình báo của anh Nguyễn Công Thành không được xác minh làm rõ, hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Tài không bị điều tra xác minh xử lý cho đến khi Công an thành phố Hà Nội phát hiện vụ việc.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định, Phùng Anh Lê biết rõ Nguyễn Hữu Tài đang bị tạm giữ hình sự tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để phục vụ cho việc kiểm tra xác minh thông tin tội phạm. Nhưng khi được ông Phùng Văn Bảy đặt vấn đề nhờ giúp cho Tài được hoà giải với bị hại để không bị xử lý, Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, yêu cầu ông Bảy phải đưa số tiền 110 triệu đồng để hòa giải, bồi thường cho người bị hại nhưng thực chất là Phùng Anh Lê đã chiếm hưởng số tiền này. Ngay sau khi nhận được tiền từ ông Bảy, Phùng Anh Lê đã trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung thả Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ không có căn cứ, không tuân theo quy định về thủ tục tố tụng hình sự. Đồng thời, Lê trực tiếp chỉ đạo bị cáo Nguyễn Đức Châu cho anh Nguyễn Công Thành và Nguyễn Hữu Tài tự hòa giải và bồi thường với nhau để dừng việc giải quyết đơn tố cáo của anh Nguyễn Công Thành.

Viện Kiểm sát cũng xác định, tại thời điểm người nhà Tài và ông Bảy đặt vấn đề và đưa tiền cho Phùng Anh Lê, những người này mới chỉ biết Tài liên quan đến vụ việc đánh nhau để đòi nợ, bị Công an quận Tây Hồ tạm giữ, không biết rõ tính chất, mức độ vi phạm của Tài như thế nào. Do lo sợ bị ảnh hưởng đến việc tổ chức đám cưới nên đã nhờ người tìm cách giúp đỡ để Tài được về và không bị xử lý. Khi được thông báo chuẩn bị số tiền 110 triệu đồng để hòa giải, thì những người đó nhận thức số tiền này được dùng để hòa giải với người bị hại nên đã vay mượn để thực hiện. Họ không biết và không đề nghị người có thẩm quyền phải thực hiện việc làm trái pháp luật. Mặt khác, khi Công an thành phố Hà Nội phát hiện vụ việc Tài được tha trái pháp luật, những người này đã thành khẩn, chủ động tự khai ra nội dung đưa tiền cho Lê để giúp cho Tài, tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ bản chất vụ án. Do vậy, việc không xem xét xử lý hình sự hành vi đưa tiền của người nhà Tài và hành vi làm trung gian nhận và đưa tiền của ông Phùng Văn Bảy cho Phùng Anh Lê là có căn cứ.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong hai ngày.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.