Theo kế hoạch, sáng 15-8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại tỉnh Bình Dương.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam. Ảnh TTXVN |
Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát Tối cao truy tố về hai tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”.
Có 28 bị cáo phải ra hầu tòa gồm: Trần Văn Nam (tên gọi khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương); Trần Thanh Liêm (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương); Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1955, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty cổ phần); Trần Nguyên Vũ (sinh năm 1977, cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty cổ phần); Huỳnh Thanh Hải (sinh năm 1964, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu Thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn Một thành viên); Võ Hồng Cường (sinh năm 1965, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Vượng); Ngô Dũng Phương (sinh năm 1964, Trưởng phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương); Huỳnh Công Phát (sinh năm 1958, cựu thành viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn Một thành viên); Lý Thanh Châu (sinh năm 1982, cựu Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn Một thành viên); Nguyễn Thế Sự (sinh năm 1978, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu Kiểm soát viên Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn Một thành viên); Đỗ Thị Thanh Thúy (sinh năm 1985, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương – trách nhiệm hữu hạn Một thành viên); Hồ Đắc Hiếu (sinh năm 1974, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam); Phạm Hữu Hiền (sinh năm 1987, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam); Hồ Hoàng Nam (sinh năm 1989, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam), Vũ Thị Lợi (sinh năm 1975, Phó Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương); Nguyễn Kim Liên (sinh năm 1964, cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương), Hà Văn Thuận (sinh năm 1970, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương); Lê Văn Trang (sinh năm 1959, cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương); Võ Thanh Bình (sinh năm 1954, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thái Thanh (sinh năm 1968, Phó Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất (nay là phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác) Cục Thuế tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1965, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương); Võ Văn Lượng (sinh năm 1962, cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương); Trần Xuân Lâm (sinh năm 1968, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, cựu nguyên Trưởng phòng Kinh tế ngành thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương); Phạm Văn Cành (sinh năm 1958, cựu Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương); Nguyễn Đại Dương (sinh năm 1965, trú tại phường Thảo Điền, quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức), Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Quốc Hùng (sinh năm 1959, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc); Nguyễn Thục Anh (sinh năm 1982, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển) và Trần Đình Như Ý (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển).
Trong đó, 3 bị cáo: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ba bị cáo: Võ Hồng Cường, Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý đều bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Có 22 bị cáo còn lại gồm: Trần Văn Nam, Trần Thanh Liêm, Huỳnh Công Phát, Lý Thanh Châu, Ngô Dũng Phương, Nguyễn Thế Sự, Đỗ Thị Thanh Thúy, Hồ Đắc Hiếu, Phạm Hữu Hiền, Hồ Hoàng Nam, Vũ Thị Lợi, Nguyễn Kim Liên, Hà Văn Thuận, Nguyễn Thái Thanh, Võ Thanh Bình, Lê Văn Trang, Trần Xuân Lâm, Võ Văn Lượng, Nguyễn Thanh Trúc, Phạm Văn Cành, Nguyễn Đại Dương và Nguyễn Quốc Hùng cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh uỷ Bình Dương là chủ sở hữu. Tất cả tài sản của Tổng Công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước, do vậy toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Với vai trò là chủ sở hữu, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Doanh nghiệp, Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ban hành các quy định để quản lý và cùng UBND tỉnh Bình Dương thực hiện trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo toàn vốn, tài sản đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương.
Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (giai đoạn từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2015), Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương (nhiệm kỳ 2015 - 2020); Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (giai đoạn từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2020); Phạm Văn Cành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương (giai đoạn từ tháng 12-2013 đến tháng 11-2018) và Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương (giai đoạn từ tháng 08-2010 đến tháng 06-2017) là những người chịu trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước. Đó là các sai phạm trong việc áp dụng đơn giá đất để thu tiền sử dụng đất; thực hiện quản lý vốn, tài sản; không xác định giá trị quyền sử dụng đất khu đất 145 ha khi cổ phần hoá doanh nghiệp; tham ô tài sản.
Áp dụng đơn giá đất từ 6 năm trước
Ngày 28-9-2012 và ngày 7-1-2013, bị cáo Trần Văn Nam, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 2631/QĐ-UBND và Quyết định số 48/QĐ-UBND về việc giao khu 43 ha và 145 ha cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đất đai, giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương được áp dụng tại thời điểm giao đất nêu trên.
Tuy nhiên, các bị cáo Lê Văn Trang, Võ Thanh Bình và Nguyễn Thái Thanh thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương và các bị cáo Trần Xuân Lâm, Võ Văn Lượng và Nguyễn Thanh Trúc thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đã tham mưu, đề xuất cho áp dụng đơn giá là 51.914 đ/m2 theo Quyết định số 5853/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ ngày 27-12-2006 để tính thu tiền sử dụng đất đối với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.
Bị cáo Trần Văn Nam, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, với chức trách, nhiệm vụ được phân công biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quyết định giao đất năm 2012 và 2013 là trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn ký ban hành Công văn số 3444/UBND-KTN ngày 23-11-2012 để thu tiền sử dụng đất cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương cùng các bị cáo nêu trên đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.
“Nhắm mắt làm ngơ” chuyển nhượng đất trái quy định
Trong vụ án này, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước nhưng đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hoá thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang Công ty của con rể mình thành lập và bán cho Công ty tư nhân. Hành vi của các bị cáo đã làm trái quy định của pháp luật về quản lý tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Nguyễn Văn Minh và các bị cáo khác tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 985 tỷ đồng.
Không xác định giá trị quyền sử dụng đất, gây thất thoát hơn 4.000 tỷ đồng
Với động cơ vụ lợi, Nguyễn Văn Minh đã sắp xếp đưa Công ty Hưng Vượng do Nguyễn Văn Minh là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Công ty Phát Triển do Nguyễn Thục Anh (con gái Minh) để tham gia liên doanh thực hiện dự án tại khu đất 145 ha (đây là những Công ty “sân sau” của Minh). Sau đó Minh chỉ đạo Trần Nguyên Vũ, Đỗ Thị Thanh Thúy cùng nhóm bị cáo thuộc Công ty Đông Nam phân loại, sắp xếp chuyển khu đất 145 ha từ mục A “Tài sản đang dùng” (sẽ được xác định giá trị để cổ phần hoá) sang mục C “Tài sản chờ thanh lý” (loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp), đồng thời lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, Nguyễn Văn Minh đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật về cổ phần hoá, nội dung phê duyệt phương án sử dụng đất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương trong việc cố ý chuyển nhượng khu đất 145 ha thông qua hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty Tân Thành nhưng chỉ xác định giá trị là hơn 139 tỷ đồng và hạch toán phản ánh giá trị trên sổ sách kế toán của Công ty Tân Thành với mục đích tạo điều kiện cho 2 công ty “sân sau” hưởng lợi trên giá trị tăng thêm của khu đất 145 ha.
Trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, là Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp, với tính chất là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, khu đất 145 ha phải được tối ưu hoá giá trị về tài sản để xác định sở hữu Nhà nước tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương sau cổ phần hóa, bị cáo Trần Thanh Liêm cùng các bị cáo thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã làm trái các quy định của pháp luật khi không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 145 ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp dẫn đến cùng bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm đã gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn 4.030 tỷ đồng.
Chi mua cổ phần, tham ô trên 815 tỷ đồng
Với mục đích tạo nguồn tiền để hoàn ứng khoản tiền lớn do đã sử dụng trước đó trái nguyên tắc tài chính và tạo điều kiện để Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển có quyền lợi của cá nhân và người thân trong gia đình, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương - Công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hưng Vượng, thành viên thường trực Hội đồng quản trị Công ty Tân Thành (đại diện trước pháp luật), Nguyễn Văn Minh đã ban hành chủ trương, quyết định và chỉ đạo cùng các bị cáo: Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải, Võ Hồng Cường cùng Nguyễn Thục Anh (là con gái Minh) đã thực hiện hành vi chiếm đoạt hơn 815 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương - Công ty cổ phần. Trong đó cá nhân bị cáo Minh trực tiếp chiếm hưởng 163 tỷ đồng.
Theo Baotintuc.vn