Sự hối hận ăn năn

.

Chỉ vì háo thắng, muốn thể hiện, N.T.D (SN 1994, trú quận Sơn Trà) đẩy bản thân vào cảnh tù tội, đánh mất thời gian quý báu để cận kề chăm sóc đứa con mới lọt lòng. Ngày ra tòa, D. xin hội đồng xét xử (HĐXX) được gửi gia đình món quà lưu niệm mang theo từ trại tạm giam, do chính tay mình đan kết thủ công để thể hiện sự hối hận.

Tại phiên xét xử do Tòa án nhân dân (TAND) thành phố tổ chức hôm ấy, chỗ đứng dành cho bị cáo chật cứng. Bởi có đến 21 bị cáo, trong đó 17 bị cáo phạm tội “Giết người” và 4 bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. Trong số 21 bị cáo, N.T.D là người gây chú ý đặc biệt cho những người dự khán. Từ đầu đến cuối, đôi mắt D. luôn ướt. Nếu không phải trả lời các câu hỏi của HĐXH, D. đều cúi đầu, dí chặt mũi dép xuống nền gạch như cố tình dồn nén hết cảm xúc xuống đó...

Nguyên nhân vụ hỗn chiến xảy ra đêm khuya tại khu vực vòng xuyến đường Lê Đức Thọ - Ngô Thì Hiệu (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) gây xôn xao dư luận là do mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu khai trương quán trên đường Phạm Vấn (quận Sơn Trà). Theo đó, nhóm P.T.P (SN 1994, trú quận Sơn Trà) đòi giảm giá nhưng nhóm N.T.L (SN 1988, trú quận Sơn Trà) bênh vực chủ quán đang khó khăn, thiếu tiền mua sữa cho con…

Cuộc nhậu trước, D. vắng mặt và không rõ cụ thể mâu thuẫn giữa hai bên nhưng tối 25-4-2021, nghe P. gọi điện rủ rê, bị cáo liền mang theo súng bắn cá tham gia hỗn chiến và kết cục là phải vào tù. Mặc dù có lời bàn tán, lục đục trong khi trả lời các câu hỏi của HĐXX, nhưng cơ bản tất cả các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Lời nói sau cùng vì thế cũng đều trên tinh thần nhanh, gọn. Duy chỉ có D., lời nói sau cùng dài hơn, trong đó mỗi câu, mỗi từ, mỗi cử chỉ đều là thái độ tràn đầy sự ân hận. Sau những lời xin lỗi gia đình, người thân, D. thiết tha xin HĐXX xem xét, tạo điều kiện cho phép được gửi gia đình món quà lưu niệm mang theo từ nơi tạm giam. Đây là những món quà do chính tay D. đan kết thủ công bằng dây dù trong suốt những ngày bị tạm giam.

Món quà D. tặng mẹ là móc khóa hình trái tim kết chữ “Mẹ yêu” và “Bình an”; còn quà cho người yêu là giỏ hoa hồng kết tên D. và tên người yêu “K.Đ - My memory - For my love” cùng vô số trái tim lãng mạn. Trước nguyện vọng của D., HĐXX hỏi khi cầm cây ba chĩa hỗn chiến, chĩa súng bắn cá vào đối thủ, bị cáo có nghĩ đến mẹ, người yêu và con không? D. cúi đầu im lặng, đến khi ngẩng đầu, cặp mắt đã đỏ hoe.

Cái sai của D. quá rõ ràng, cần phải lên án và có một bản án thích đáng nhưng những người dự khán đều thấy được sự hối hận ăn năn của bị cáo. Đặc biệt, khi nói đến bản thân đã được làm cha, thì sự hối tiếc trong D. lại càng lớn. Nếu như không có ngày hôm ấy thì không có ngày hôm nay, như vậy chắc chắn con của D. sẽ có một người cha “đàng hoàng”. D. bị bắt khi người yêu có thai. Khi D. ra tòa, con tròn 1 tuổi nhưng cả hai chưa cưới và đương nhiên đến thời điểm này, D. chưa biết mặt con. Đây cũng chính là điều khiến sự day dứt, ân hận dày vò D. trong suốt quá trình bị tạm giam. Món quà của D. được làm, được gói ghém tỉ mẩn tất thảy sự yêu thương trong đó, cũng thể hiện một lời xin lỗi thật tâm tự đáy lòng.

Có lẽ rồi đây, D. sẽ nhớ rất lâu cái thời khắc ngoái đầu để nhìn về người yêu bồng đứa con đứng ở bậc cầu thang. Chưa bao giờ thời gian lại trở nên nghiệt ngã đối với D. như thế. D. càng muốn kéo dài thêm chút để khắc ghi hình ảnh đứa con nhỏ vào trí nhớ lại càng không được phép. D. phải mất 8 năm để hối tiếc vì không có cơ hội cùng người yêu, gia đình chăm sóc, nuôi dạy và chứng kiến con khôn lớn. Bài học của D. cũng chính là lời răn đe, cảnh tỉnh đối với các thanh, thiếu niên háo thắng, hiếu chiến - tình trạng này đang diễn biến phức tạp thời gian gần đây.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.