Xét xử vụ AIC: Luật sư đề nghị thay đổi tội danh cho bị cáo

.

Ngày 26-12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu, Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ tiếp tục với phần tranh luận.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra nhiều quan điểm, luận cứ nhằm giảm nhẹ mức độ, hành vi cho thân chủ của mình. Trong đó, luật sư đã đề nghị thay đổi tội danh, phân hóa hành vi, đánh giá vai trò… giúp các bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Bị cáo Trần Đình Thành (sinh năm 1955, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) khai báo tại phiên Xét xử sơ thẩm Công ty AIC và các đơn vị có liên quan trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, sáng 21-12-2022,. Ảnh:  TTXVN
Bị cáo Trần Đình Thành (sinh năm 1955, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) khai báo tại phiên Xét xử sơ thẩm Công ty AIC và các đơn vị có liên quan trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, sáng 21-12-2022,. Ảnh: TTXVN

Phân hóa hành vi khi định tội, lượng hình

Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Thị Thu bào chữa bị cáo Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) cho rằng hồ sơ vụ án cho thấy bị cáo Thu đã bỏ qua các bước thẩm định khi ký Tờ trình bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế không vì động cơ vụ lợi mà chỉ với mục đích để kịp thời gian nộp hồ sơ đăng ký kế hoạch xin vốn ngân sách từ Trung ương. Mặt khác, luật sư cho rằng bị cáo Thu không tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu nên không đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Luật sư Thu nêu quan điểm, do đã đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký vốn kế hoạch xin vốn ngân sách từ Trung ương nên bị cáo Bồ Ngọc Thu đã sai phạm trong việc ký tờ trình 1472 khi chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định và do bản thân bị cáo cũng không lường hết được bản chất sự việc nên đã vô ý, gián tiếp để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Hành vi này của bị cáo Thu có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử chuyển tội danh cho bị cáo Thu từ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), luật sư Nguyễn Văn Tú đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp thuận theo nội dung trong Kết luận điều tra của Cơ quan công an về việc kiến nghị phân hóa hành vi của bị cáo, cho hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Ngay trước thềm phiên xử, từ trong Trại tạm giam, bị cáo Thành đã gửi đơn đến Hội đồng xét xử và có lời kêu gọi bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú. Trong đơn, bị cáo Thành cho rằng việc Tòa án xét xử vắng mặt bị cáo Nhàn không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, việc xét xử sẽ tốt hơn nếu bị cáo Nhàn có mặt trình bày tại Tòa án. Do vậy, bị cáo Thành kêu gọi Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú, có giải trình với Tòa án để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Chấp nhận làm “quân xanh” để bán được hàng

Trình bày tại Tòa, các luật sư: Đỗ Mạnh Trường, Phí Hồng Quân và Phan Mậu Thìn bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy (giám đốc Công ty TNT) đã nhất trí với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhận định về hành vi của bị cáo Thủy là “đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể”, đồng thời phân tính thêm vai trò và các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thủy.

Theo luật sư Đỗ Mạnh Trường, thời điểm năm 2012-2013, Công ty AIC là một doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (Dự án). Công ty TNT và các doanh nghiệp khác để bán thiết bị y tế vào Dự án phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của Công ty AIC. Theo cơ chế này, bị cáo Thủy phải chấp nhận làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho Công ty AIC để bán được hàng vào Dự án, đảm bảo việc làm cho nhân viên, duy trì sự ổn định và phát triển của công ty. Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do Công ty AIC sắp xếp, Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu, được cung cấp thiết bị vào 2 Gói thầu số 7 và số 65.

Trong đó, gói thầu 7 “cung cấp, lắp đặt Hệ thống khí y tế” là gói thầu có yêu cầu kỹ thuật phức tạp đòi hỏi nhà thầu phải đáp ứng cả năng lực về thiết bị và thi công. Thời điểm năm 2013, Công ty TNT là một trong số ít các doanh nghiệp đáp ứng cả về việc cung cấp thiết bị (hãng Drager của Đức theo tiêu chuẩn của các nước G7) và có đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các hãng thiết bị hàng đầu thế giới đủ năng lực thi công các gói thầu phức tạp trong thời gian dài như Gói thầu 7.

Đến ngày 2-1-2014, Công ty TNT đã hoàn thành việc thi công được hai bên nghiệm thu bàn giao đầy đủ, cho đến nay “Hệ thống khí y tế” tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là hạng mục hoạt động tốt với hệ thống thiết bị thuộc loại tiên tiến, hiện đại bậc nhất trong cả nước. 

Do đó, Công ty TNT thực hiện việc thi công gắn liền với việc cung cấp thiết bị của Gói thầu số 7 là “thực hiện công việc trong hợp đồng” đảm bảo việc lắp đặt thiết bị được đồng bộ, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không phải là “Công ty AIC giao cho Công ty TNT thi công”.

Luật sư Trường nhấn mạnh: Như vậy, Công ty TNT của Thủy không nằm trong “hệ sinh thái” với Công ty AIC, với mong muốn bán được hàng trong cơ chế thị trường vận hành thiếu kiểm soát nên đã đồng phạm giúp sức có vai trò không đáng kể với hành vi giản đơn đứng tên đấu thầu hộ Công ty AIC.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.
Đơn vị cung cấp Luật Bắc Dương: Kiến Tạo Niềm Tin uy tínĐịa chỉ Dichthuattot Hà Nội luật sư tranh chấp đất đai uy tíntư vấn luật thương mại