Người cha lạc lối

.

N.L.X (SN 1984, trú quận Sơn Trà) vào tù lần thứ hai khiến những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều tổn thương phải tiếp tục đối mặt với nỗi đau. Giá mà trước khi thực hiện hành vi phạm tội, X. nghĩ đến việc các con của mình phải sống thiếu tình thương của cha mẹ, nghĩ đến cái giá phải trả khi đứng trước bàn khai báo thì có lẽ mọi chuyên đã khác.

Là con trai duy nhất trong gia đình có 6 anh chị em nên X. được ba mẹ lo ăn học đến nơi đến chốn. Xuất thân từ nghèo khó nên quyết tâm làm giàu của X. càng mãnh liệt. Hơn 10 năm trước, X. là nhân viên một công ty kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng, được coi là “có của ăn của để”.

Tuy nhiên, chỉ vì nóng vội, làm ăn thua lỗ, X. nhiều lần lừa khách hàng làm hợp đồng bán đất của công ty để lấy tiền gỡ gạc nhưng càng ngày càng lún sâu. Cuối cùng, X. phải trả giá bằng 7 năm trong trại giam. X. vào tù khi con lớn nhất vừa mới 3 tuổi, đứa sau còn bồng ngửa...

Mãn hạn tù, X. hứa với gia đình sẽ “rèn thân” để không phải ân hận thêm lần nào nữa. X. tiếp tục chọn bất động sản để sửa sai. Người tính không bằng trời tính, mọi kế hoạch của X. đều “phá sản” khi vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Những đồng tiền cuối cùng cũng không giữ lại được, X. bắt đầu vùng vẫy trong khốn khó. Bài học và giá trị sâu sắc của sai lầm năm nào, X. một lần nữa mắc phải.

Tháng 3-2019, X. môi giới cho ông L.T.A.D (SN 1981) mua thửa đất diện tích 100,8m2 tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà). Sau đó, ông D. giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho X. liên hệ làm các thủ tục sang tên, xin phép xây dựng khách sạn. Để có tiền tiêu xài và trả nợ, X. tìm gặp vợ chồng ông H.D.V (trú quận Thanh Khê) vay tiền. X. nói dối lô đất diện tích 100,8m2 tại phường Phước Mỹ là của mình mua và xin thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông V. Tin tưởng, vợ chồng ông V. cho X. vay 8 tỷ đồng.

Khác với phiên tòa cách đây 8 năm, đến với X. có mẹ già, vợ và cả những đứa con thơ, lần này cả hội trường rộng lớn không một bóng người thân. X. cho rằng đó cũng là một sự trả giá mà bản thân phải chịu. So với việc vợ qua đời trong đau đớn, cha mẹ già yếu, các con bơ vơ thì sự cô đơn mà X. phải chịu lúc này có đáng gì.

Khi hội đồng xét xử nhắc về mức án trong quá khứ, nói về những đứa con và cha mẹ già, X. chỉ bật khóc, không lời biện giải. X. có thể không bận tâm về số phận, tương lai của mình nhưng 3 đứa con thơ của anh ta rồi sẽ về đâu? “Bị cáo đã sai và rất hối hận. Vợ mất, bị cáo phải một mình nuôi 3 con nhỏ. Xin hội đồng xét xử xem xét và tuyên mức án nhẹ để bị cáo sớm trở về chăm lo cho các con thơ đang bơ vơ”, X. nói lời sau cùng.

Pháp đình yên ắng, cái ngoái đầu của X. nhìn về cuối phòng rơi vào thinh không. Dẫu biết sẽ không ai đến nhưng X. vẫn cứ hy vọng, cho nên cái quay đầu lần tìm bóng dáng người thân không chỉ dừng lại một lần. Nếu như trước kia mọi suy nghĩ của X. là cố gắng làm kiếm nhiều tiền lo cuộc sống tốt cho con thì giờ đây anh ta đã “ngộ” ra, cái các con cần là có người cha bên cạnh và có được tuổi thơ đúng nghĩa.

Nhận mức án 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, X. rời khỏi phòng xử án, chệnh choạng bước đi, rút hết tâm can, lặp đi lặp lại lời “Xin lỗi các con nhiều!”. Hoàn cảnh các con của X. bây giờ chính là nỗi buồn vì cha thêm một lần tù tội - chồng xếp lên nỗi đau mất mẹ.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.