Nỗi lòng của người cha

.

Đêm trước khi con trai  bị đưa ra xét xử về tội “Giết người”, bản thân mình chính là bị hại trong vụ án, ông T.H (SN 1970, trú huyện Hòa Vang) không tài nào ngủ được, cứ trằn trọc chờ trời sáng. Ông đến tòa sớm để được bày tỏ nỗi lòng của mình và xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để con trai sớm trở về làm lại cuộc đời.

Từ ngày T.T.H (SN 1995) bị bắt, ông T.H mới gặp lại con tại tòa án. Dù nói kiểu gì, ông cũng không thể diễn tả được tâm trạng của mình ngay lúc này, cho nên tay chân trở nên luống cuống. Đây là lần đầu tiên ông T.H đến tòa, mọi thứ đều lạ lẫm. Sự trang nghiêm chốn pháp đình càng khiến ông luống cuống không biết phải làm gì mới đúng.

Sau khi nhìn trước ngó sau, ông T.H quyết định để lại đôi giày cũ bên ngoài, đẩy cửa bước vào nơi dành cho bị hại. Trong phút giây ngắn ngủi, ông T.H tranh thủ hỏi thăm, trò chuyện cốt là để con trai hiểu được tâm tư của mình và có tinh thần cải tạo thật tốt để sớm quay về với gia đình…

Nhìn người cha còn bình an ngồi đó, H. như bỏ bớt được tảng đá vốn đè nặng trên lồng ngực của mình. Bởi chỉ cần thiếu một chút may mắn, H. đã vĩnh viễn mất cha và biến bản thân thành nghịch tử giết cha chỉ vì rượu…

Khoảng 19 giờ ngày 6-4-2022, sau một ngày lao động vất vả, H. cùng nhóm thợ được chủ nhà mời “giải mỏi”. Trong cơn say, H. điều khiển xe máy trở về. Khi vào nhà, H. đá thau, ghế, đồ đạc. Thấy vậy, ông T.H hỏi: “Có chuyện gì không con?”. Trong hơi men, H. nghe tiếng cha mình hỏi mà ngỡ là chửi. Sau khi lớn tiếng xúc phạm cha, H. vào bếp lấy con dao. H. chạy đến đâm ông T.H nhưng không trúng.

Khi ông T.H cầm con dao ở quầy hàng rồi chạy ra đường, H. đuổi theo và chém liên tiếp nhiều nhát mặc cho nạn nhân chống đỡ. Thấy chồng bị chém, bà N.T.T.N (SN 1975, vợ ông H.) gọi điện thoại báo công an thì bị H. túm tóc kéo ra đường, đạp vào đầu. Sau khi gây án, H. lên xe máy bỏ trốn và sau đó bị bắt theo lệnh truy nã. Kết luận giám định pháp y về thương tích cơ thể của ông T.H là 16%...

Khi nghe con trai khai toàn bộ quá trình thực hiện hành vi phạm tội của mình, ông T.H đưa tay ra hiệu muốn phát biểu. Ông chỉ sợ, sự im lặng, sự không kịp thời của mình lúc này sẽ khiến con trai nặng tội. Khi được nói, ông phân trần, H. là đứa chăm chỉ làm ăn, chỉ vì say mới trở nên hung hăng, thiếu kiềm chế như vậy. “Hôm đó, tôi cũng có sử dụng rượu bia.

Có lẽ vì vậy lời nói của tôi không dễ nghe như ngày thường. Ngay cả việc tôi cầm dao trên tay cũng khiến một người say như H. bị kích động mạnh. Tôi thấy mình sai, bây giờ con vào tù quả là xót xa và đau khổ. Tôi không mong gì cho bản thân, chỉ xin hội đồng xét xử xem xét tuyên cho nó một bản án nhẹ để cháu làm lại cuộc đời”, ông T.H nói thêm.

Khi được hỏi, T.T.H cho rằng, thời điểm đó quá say nên đầu óc mụ mị, không kiểm soát được bản thân. “Con cúi đầu xin lỗi ba mẹ, con đã sai, rất sai. Mong cha mẹ tha thứ cho con vì bất hiếu. Con hứa sẽ cải tạo thật tốt để được sớm quay về chuộc lỗi với mẹ cha”, H. trình bày.

Tranh thủ giờ nghị án, vợ chồng ông T.H tìm cách lân la đến gần chỗ H. đang ngồi. Ông T.H mắt đỏ hoe, cố giữ bình tĩnh để dặn dò con, còn bà N.T.TN (mẹ H.) chẳng nói được lời nào ngoài việc thút thít khóc. Ánh mắt ân hận, áy náy của H. càng khiến người làm cha mẹ như bà N.T.T.N và ông T.H đau đớn, xót xa.

Lời xin lỗi của T.T.H được coi là muộn trước đấng sinh thành so với những gì bị cáo gây ra, nhưng lại là việc làm đúng đắn của một đứa con phạm phải sai lầm biết sai để sửa. T.T.H sẽ dùng thời gian 8 năm “tuổi trẻ” của mình để sửa sai cho sự bất hiếu của mình, đó cũng được xem là cái giá mà H. phải trả.

Với nỗi lòng của một người cha, khi chiếc xe chở phạm nhân rời sân tòa, ông T.H chạy theo sau với nhìn con trai trong nỗi đau tột cùng.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.