Mắc sai lầm, rơi vào cảnh nợ nần, N.T.V.K (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ) dùng thủ đoạn qua mặt cấp trên và đồng nghiệp để “ăn chặn” tiền của nhà trường. Cái kết của lòng tham khiến K. phải sống trong chốn lao tù trong thời gian dài và nhận bản án lương tâm của một người mẹ…
Sinh ra trong gia đình đông con và không mấy khá giả nhưng N.T.V.K vẫn được ba mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Ra trường, K. được nhận vào làm kế toán tại một trường mầm non trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Thấy con có công việc ổn định và hạnh phúc cùng chồng con trong mái nhà nhỏ, cha mẹ K. vô cùng vui mừng… Vậy nhưng, chỉ vì muốn làm giàu nhanh chóng và tính toán sai lầm, K. bắt đầu bước vào con đường phạm pháp.
Từ tháng 8-2017 đến tháng 6-2019, với chức vụ được giao là kế toán của trường mầm non, N.T.V.K lập khống, giả chữ ký của chủ tài khoản; lập khống rồi đưa chủ tài khoản ký trên giấy ủy nhiệm chi, giấy rút dự toán ngân sách Nhà nước với nội dung mua văn phòng phẩm, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ dạy học và bán trú. Đồng thời lập, nâng khống tiền lương bán trú, thứ Bảy của mình trên ủy nhiệm chi gấp 20 - 30 lần lương thực tế để hiệu trưởng ký hoặc giả chữ ký hiệu trưởng để chuyển tiền từ kho bạc, ngân hàng vào tài khoản cá nhân rồi chiếm đoạt tổng số tiền hơn 939 triệu đồng. Ngoài ra, để đối phó với đoàn kiểm tra, K. giả chữ ký của chủ tài khoản trên 5 bảng xác nhận số dư tài khoản, làm giả một phiếu chi, một giấy nộp tiền vào tài khoản; làm giả con dấu của kho bạc Nhà nước trên giấy nộp tiền bỏ vào hồ sơ kế toán. Tất cả số tiền có được từ việc tham ô, K. tiêu xài, đầu tư kinh doanh và thua lỗ. Sự việc bại lộ, K. bị điều tra, khởi tố và bắt tạm giam.
Tại phiên xét xử sơ thẩm do Tòa án nhân dân thành phố tổ chức mới đây, K. ngậm ngùi nói những tính toán sai lầm đã nối tiếp sai lầm, khiến người thân, đồng nghiệp và cấp trên oán trách, con cái đối mặt với tương lai bất định. “Suốt thời gian dài bị cáo luôn sống trong cảm giác lo sợ. Bị cáo đã biết lỗi và rất ăn năn hối hận. Mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời và chăm lo cho các con còn thơ dại”.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo N.T.V.K thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Do vậy cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để giáo dục, răn đe cho những trường hợp khác. Sau khi xem xét quy định pháp luật và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo N.T.V.K mức án 16 năm về tội “Tham ô tài sản” và 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”. Nhận mức án, gương mặt K. tái xám, giàn giụa nước mắt. Rồi đây, hai đứa con thơ, nhất là đứa trẻ mới 5 tuổi sẽ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ. Bản án nghiêm khắc mà tòa tuyên cộng với giọt nước mắt hối hận muộn màng của K. là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định vi phạm pháp luật. Hy vọng sau bước ngã này, K. sẽ quay đầu về hướng thiện, trở thành công dân có ích cho xã hội; người con, người mẹ, người vợ mẫu mực trong gia đình.
Trong vụ án này, TAND thành phố cũng tuyên phạt các bị báo T.T.T.V (SN 1971) 24 tháng cải tạo không giam giữ; T.T.T.T (SN 1966) 12 tháng cải tạo không giam giữ; T.T.T.H (SN 1963) và N.T.D.H (SN 1987) đều 9 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Phiên tòa kết thúc nhưng còn đó bài học sâu sắc cho những người được giao trọng trách chủ tài khoản, quản lý và nắm tài chính của các cơ quan, đơn vị. Đừng vì quá tin tưởng cấp dưới và lơ là trong kiểm tra, giám sát để rồi có ngày chuốc họa vào thân, tự đưa bản thân đến chốn pháp đình với vai trò là bị cáo.
TRÍ DŨNG