Lời hứa gió bay

.

5 lần đứng trước vành móng ngựa, nhận tổng cộng gần 14 năm tù và 3 lần bị đưa đi cai nghiện tập trung với thời gian hơn 3,5 năm nhưng D.Q.T (SN 1984, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) vẫn không chịu “quay đầu”. Cha mẹ và người thân không dám tin vào lời hứa sửa chữa sai lầm mà T. nói ra sau mỗi lần phạm tội…

Ở tuổi gần 40, phần lớn bạn bè đã yên bề gia thất nhưng với T., cái gì cũng không. Không nghề nghiệp, không vợ con, không tài sản nhưng riêng sự “nổi tiếng” thì lại có thừa. Không chỉ ở nơi T. sinh sống mà những người nơi khác đều biết đến “tiếng tăm” của anh. Ngặt nỗi, T., càng “nổi tiếng” bao nhiêu thì cha mẹ, người thân lại càng xấu hổ và đau lòng bấy nhiêu. Chưa đến 14 tuổi, T., phải vào trường giáo dưỡng vì sự chơi ngông, muốn thể hiện bản thân. Không biết T. nghĩ gì, chỉ biết sau lần đó lý lịch xấu của anh ta ngày một đen và dày lên. Vậy nên nhiều người mới nói, T., có “tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt”.

Tại phiên xét xử lưu động mới đây, khi hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân (TAND) quận Thanh Khê hỏi về trình độ học vấn, T., trả lời “cụt ngủn”: 0 trên 12. Theo T., gia đình khó khăn nên bị cáo không đi học, vì vậy khi lớn lên cũng chẳng có nghề nghiệp gì. Thực tế, T. lười học, cha mẹ quá bất lực nên mới có một T., như hiện tại, không trường, không lớp chứ không phải vì quá nghèo mà anh ta mất đi cơ hội đến trường...

Sau lần trở về từ trường giáo dưỡng, T., càng sống buông thả. Những lời cha mẹ, anh chị, người thân khuyên đối với T., chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”. T., trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác. Lần ra tòa thứ 6 này là minh chứng cho điều đó. Vụ án “Gây rối trật tự công cộng” có 3 bị cáo, cáo trạng dài chưa đầy 6 trang nhưng hơn 1 trang thể hiện số tiền án, tiền sự của T. Nhiều người nói T., là người không có lương tâm và đối xử quá tệ với cha mẹ. Bởi hết lần này đến lần khác, T., xin lỗi và hứa hẹn là lần cuối nhưng rồi lại tái phạm.

“Bị cáo không rút được bài học kinh nghiệm gì cho bản thân sau những lần sai phạm trước đó hay sao? Bị cáo nghĩ xem mình đã có trách nhiệm của một người con đối với đấng sinh thành hay chưa?”. Sau mỗi câu hỏi của vị chủ tọa, T., chỉ cúi mặt im lặng không trả lời. Chỉ khi HĐXX đề nghị trình bày quá trình phạm tội của mình trong vụ án này, T. mới mở lời.

Khoảng 20 giờ 30 ngày 19-2, sau khi nhậu xong, T., và L.H.M.Tr (SN 1991, trú quận Thanh Khê), H.Q.H (2001, trú quận Liên Chiểu) cùng hai người bạn đi về đến khu vực giao nhau giữa đường bộ và đường sắt trên đường Hà Huy Tập (phường Chính Gián), lúc này, gác chắn đang đóng chờ tàu qua. T., vào gần gác chắn để đi vệ sinh, thì bị chị V.T.T.T (SN 1996, nhân viên gác chắn đường sắt) nhắc nhở. T., chửi bới, yêu cầu mở chắn cho đi qua đường sắt. Sau đó, T. đi vào trong gác chắn, đánh nhiều cái vào đầu chị V.T.T.T. Khi chị T., kéo gác chắn cho phương tiện lưu thông, T. lên xe máy để người bạn chở đi.

Tuy nhiên, khi qua gần hết đường sắt, T. nhảy xuống, đến chửi bới và đánh chị Đ.T.M.N (SN 1984, nhân viên gác chắn đường sắt). Thấy thế, anh N.V.C (SN 1986, chồng chị Đ.T.M.N) vào can ngăn. Sau đó, L.H.M.Tr và H.Q.H hỗ trợ T., dùng tay chân, gạch đá liên tục đánh vào anh N.V.C.

Lý giải cho hành vi của mình, T. trước sau đều cho rằng: “Bị cáo quá say nên không nhớ gì. Khi công an đến nhà yêu cầu làm việc, bị cáo vẫn không biết”. Tại phiên tòa lần này, một lần nữa T., lại nói lời xin lỗi và hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm. Không nói ra nhưng có lẽ đối với người thân lời xin lỗi của T., họ đã nghe đến nhàm tai. Đến mức, họ phải hoài nghi rằng không biết đến bao giờ, T. mới có một “lần cuối” đúng nghĩa…

Vì những phút thiếu tỉnh táo và manh động, L.H.M.Tr mất 2 năm và H.Q.H mất 2 năm 3 tháng để sửa sai trong nhà tù. Riêng D.Q.T phải mất thêm 4 năm để biết được đây có đúng là lời xin lỗi cho lần phạm tội cuối cùng như bản thân bị cáo hứa hẹn với người thân lúc vãn tòa hay không.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.