Nỗi lòng của người mẹ, người vợ

.

Ở giữa chồng và con, chị Đ.T.Y (SN 1975, trú quận Sơn Trà) chẳng khác nào sợi dây kéo co, bị kéo căng về hai phía. Để rồi cũng chính chị là người chứng kiến kết cục tù tội của chồng, mà nguyên nhân chỉ vì đứa con riêng ngỗ ngược của mình.

N.V.P (SN 1974, trú quận Sơn Trà) tự nhận, bản thân có quá khứ “không ra gì”. Chưa đầy 18 tuổi, P. “mở sổ đen” với bản án 3 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Năm 1996, P. lại vào tù 5 năm về tội “Trộm cắp tài sản”. Đến năm 2007, P. nhận 6 năm 6 tháng tù về các tội “Cố ý gây thương tích”, “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Trộm cắp tài sản”. Sau 3 lần vào tù, P. quyết tâm làm lại cuộc đời. P. càng quyết tâm hơn khi gặp chị Đ.T.Y, người đàn bà có một con riêng. Nhiều người từng hỏi chị Y., có biết về quá khứ của P., có lo ngại anh ta “ngựa quen đường cũ”…

Chị không do dự, quả quyết, con người ai cũng có quá khứ, miễn biết hướng thiện và làm lại cuộc đời. Hơn cả, chị không quá suy nghĩ trong quá khứ P. tồi tệ thế nào, quan trọng khi gặp mẹ con chị, người đàn ông ấy đã thay đổi. Thứ tình cảm P. dành cho chị ngoài tình yêu còn có sự trân trọng. Và thứ tình thương P. dành cho Đ.G.H (SN 1998, con trai chị) là tình cảm thực sự của một người cha ruột. Như vậy là quá đủ để chị chọn P. đi trên con đường hạnh phúc…

Dù có 3 con chung với chị Y. nhưng tình cảm P. dành cho H. vẫn không thay đổi. Tình cảm P. dành cho con trai riêng của vợ có phần nhiều hơn những đứa con chung, bởi nghĩ H. thiệt thòi từ nhỏ. Tuy nhiên, “sự khác biệt” của H. khiến P. và chị Y. vô cùng khổ sở. H. từng ngã lầu, khiến anh ta trở thành đứa trẻ “không bình thường”. Lời cha mẹ nói, H. chẳng để tâm, thậm chí luôn làm điều ngược lại. H. không còn là đứa con như mong đợi với thành tích bất hảo: nghiện game và hút “cỏ”. Những cuộc tranh cãi giữa hai cha con cũng vì thế ngày càng nhiều và người đau khổ, dằn vặt nhất vẫn là chị Y.

Biết con không đúng nhưng mở lời khuyên là H. gạt phăng đi. Cũng không ít lần vì H., vợ chồng chị lục đục. Sự việc xảy ra ngày 5-9-2022, đẩy P. thành người phạm tội giết người và bị hại không ai khác chính là H. Trước đó, phát hiện H. hút “cỏ”, P. la mắng. Sáng 5-9, H. vào phòng vợ chồng P. chửi bới thì được chị Y. khuyên can… Sau đó, P. và H. tiếp tục xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, giằng co. Nghe con nói lời hỗn xược, P. bực tức, nhặt cây gỗ đánh vào chân H. và H. giật lấy, đánh trả lại. Dù được căn ngăn nhưng H. tiếp tục thách đố, hỗn láo với P. Bực tức, P. lấy dao và kéo đâm hai nhát vào người H., gây thương tích 38%.

Có mặt tại tòa từ sớm, chị Y. hết đứng lại ngồi. Ngay cả lúc xét xử cũng vậy, chị cứ luôn nhấp nhổm. Nói đúng hơn, chị đang giữ vai trò “trông trẻ” - một đứa trẻ ở tuổi 25. Bởi ngoài cách ăn mặc chỉn chu, những thứ còn lại của H. đều bất ổn. Phiên tòa hôm ấy, 3 người trong gia đình họ đứng ở 3 vị trí khác nhau: bị cáo, bị hại và người giám hộ cho bị hại. Nhìn chồng vướng vòng lao lý mà nguyên nhân sâu xa cũng vì con, chị Y. chỉ biết đau khổ, dằn vặt. Đời vốn cho chị hy vọng rồi tàn nhẫn lấy đi, để lại những điều tệ hại: con dại, chồng vướng lao lý.

Cáo trạng truy tố P. về tội “Giết người” theo khoản 2, Điều 123 Bộ luật Hình sự, xác định hành vi dẫn đến vi phạm là do tinh thần bị kích động mạnh. Tuy nhiên, từ lời khai của bị cáo, người làm chứng và tài liệu có trong hồ sơ, hành vi của P. thể hiện sự manh động, có tính chất côn đồ, có dấu hiệu phạm tội theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự nên hội đồng xét xử trả hồ sơ cho viện kiểm sát điều tra, làm rõ. Dù khoản 1 hay khoản 2, chắc chắn một điều rằng, P. sẽ phải trả một cái giá đắt và nỗi đau, sự day dứt trong lòng chị Y. sẽ khó có thể nguôi ngoai.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.