Cả đời ân hận vì phút sa chân

.

Áp lực cuộc sống, nông cạn trong suy nghĩ khiến L.P.C (SN 1991, quê tỉnh Thừa Thiên Huế, tạm trú quận Liên Chiểu) đánh mất chính mình và phải trả một cái giá quá đắt…

Từ sớm, L.P.C được dẫn giải vào khu vực dành riêng cho bị cáo. Khuôn viên được chọn mở phiên tòa lưu động rộng thênh thang, khiến tầm nhìn của C. thêm phần trống trải. Nước mắt rơi xuống, bao nhiêu tâm tư, cảm xúc dồn nén vỡ òa khi ánh mắt C. dừng lại ở hình ảnh con gái bé bỏng được bế phía xa. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, đông anh chị em, C. được đánh giá là đứa sáng dạ, hiếu học nhất nhà. Chính vì vậy, dù chật vật, gia đình vẫn cố gắng để C. được học hành đến nơi đến chốn.

Đáp lại, C. chịu khó học hành, đỗ đạt vào một trường đại học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời điểm đó, C. chính là niềm tự hào của gia đình. Ra trường, cầm tấm bằng cử nhân nhưng con đường lập nghiệp của C. lại không thuận buồm xuôi gió. C. đành “xếp” bằng cấp vào tủ, xin vào làm công nhân trong cơ sở sản xuất bún. Đến tuổi “thành gia lập thất”, C. lấy vợ sinh con, áp lực cuộc sống một lần nữa nhấn chìm những hoài bão. Kinh tế khó khăn, cuộc sống bế tắc, “giật trước, vá sau” cũng không tài nào xoay xở nổi. Trong lúc túng quẫn, áp lực từ cha mẹ, C. đã hành động vô cùng dại dột...

Nhằm chứng minh năng lực tài chính để được đi xuất khẩu lao động, khoảng 11 giờ 15 ngày 20-4, C. xông vào phòng giao dịch của một ngân hàng nằm trên đường Đống Đa (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) dùng súng ngựa và roi điện uy hiếp nhân viên và bảo vệ để cướp 660 triệu đồng cùng 1 điện thoại di động...

Đến 21 giờ ngày 21-4, C. bị Công an thành phố bắt giữ. Việc phạm tội, trả giá là điều đương nhiên. C. hiểu, không có cái “giá như” nào trở thành hiện thực để có thể quay lại thời điểm chưa phạm tội… “Cực khổ, làm không có tiền, nhưng mỗi lần về nhà, bị cáo lại bị ba mẹ đem ra so sánh với con nhà người ta. Việc ba mẹ thường nói con nhà người ta bằng tuổi đã có tiền, có nhà, có xe… khiến bị cáo rất buồn, tuyệt vọng, thấy bản thân mình thực sự kém cỏi”, C. giãi bày.

Đối với C., dù khi bản thân là hình mẫu “con nhà người ta” hay khi là “nạn nhân” của hình mẫu ấy cũng không có gì khác ngoài hai chữ áp lực. C. nghĩ rằng, chỉ có con đường xuất khẩu lao động mới có thể kiếm được ít tiền làm vốn. Người khác, “cái khó ló cái khôn” nhưng C. ngược lại, cái khó đã nhấn chìm tương lai và đẩy đến chỗ đánh mất chính mình. “Bị cáo gửi lời xin lỗi người thân, mong mọi người tha thứ. Mong ba mẹ già giữ gìn sức khỏe đợi ngày con quay về, mong vợ cứng rắn, mạnh mẽ thay anh nuôi dạy con thành người, cho anh có một nơi để quay về sau khi chấp hành xong bản án”, dứt lời, C. bật khóc.

Dù muốn tỏ ra cứng rắn để vợ con, người thân có mặt tại phiên xét xử yên lòng nhưng sự tủi thân, sự xấu hổ khiến C. không tài nào ngừng khóc. Hành vi của bị cáo là hoàn toàn sai nhưng giá như người thân đừng tạo thêm áp lực, có lẽ mọi chuyện đã khác. 20 năm về tội “Cướp tài sản” mà Tòa án nhân dân thành phố tuyên phạt chính là bài học đắt giá cho C. và cho những người có suy nghĩ lệch lạc như C. Vụ án cũng là lời nhắc nhở với những người thân xung quanh, cuộc sống vốn chẳng dễ dàng gì đối với một người có xuất phát điểm thấp, cho nên cần lắm những lời động viên thay vì biến sự kỳ vọng trở thành áp lực.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.