CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG THANH-THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT

Bài cuối: Vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ

.

Thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật, đặc biệt các hành vi có nguy cơ trở thành trào lưu, xu hướng tiêu cực, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người vi phạm mà còn tác động xấu đến gia đình và xã hội, nhất là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, đòi hỏi các cấp, ngành, đặc biệt lực lượng công an triển khai nhiều giải pháp để xử lý. Tuy nhiên, rất cần những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng trên.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh liên quan đến các hành vi vi phạm về ma túy. Ảnh: L.H
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh liên quan đến các hành vi vi phạm về ma túy. Ảnh: L.H

Mỗi gia đình phải là một “pháo đài”

Luật sư Trần Tuấn Lợi, Đoàn Luật sự thành phố cho rằng, muốn hạn chế thanh - thiếu niên phạm tội, trước hết cần đề cao vai trò của gia đình. Vai trò của gia đình có tính chất quyết định, sau đó mới đến nhà trường và xã hội. “Xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa mà trong đó cha mẹ luôn quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cho con em mình phát triển về mặt tinh thần, thể chất sẽ tạo môi trường thuận lợi để thanh - thiếu niên trở thành những công dân tốt”, luật sư Lợi nói. Đồng thời cho biết, giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường giáo dục toàn diện để thanh - thiếu niên hiểu biết pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội. Từ đó hướng nhận thức, tình cảm vào những hoạt động có ích cho gia đình, xã hội và bản thân. “Mỗi một gia đình cần chăm sóc hơn nữa con em mình, phải thực sự là chỗ dựa đầu tiên, đặc biệt là trong lứa tuổi vị thành niên”, luật sư Lợi nói.

Theo luật sư Lợi, nhiều người mặc định công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh - thiếu niên là nhiệm vụ riêng của ngành công an. Tuy nhiên, các tổ chức, đoàn thể cần nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trong lứa tuổi có nguy cơ phạm tội; quan tâm xây dựng các sân chơi bổ ích, nhằm tạo điều kiện, môi trường tích cực, giúp thanh - thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội. Có như vậy, công tác phòng ngừa tội phạm thanh - thiếu niên mới đạt kết quả tốt.

Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo nhìn nhận, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành thì mỗi gia đình cần quan tâm, giáo dục, định hướng đối với con, em mình trong các giao tiếp, ứng xử, nói không với bạo lực, hiểu rõ các quy định pháp luật để không vi phạm. Đặc biệt, giám sát giờ sinh hoạt, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các con để kịp thời uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc… Theo bà Thảo, với vai trò chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho thanh - thiếu niên, đoàn thanh niên các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp, chú ý sàng lọc, khoanh vùng học sinh có nguy cơ bỏ học để theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo, quán triệt các cơ sở Đoàn ở trường học, khu dân cư, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; lan tỏa, nêu gương những câu chuyện đẹp, những tấm gương sáng. Cùng với đó, tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện học tập, học nghề, tạo việc làm, thu nhập chính đáng cho các em. Qua đó phòng ngừa, ngăn chặn thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật cũng như việc các đối tượng hình sự lợi dụng dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, hướng tới mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự gia tăng xu hướng trẻ hóa của tội phạm…

“Để hạn chế tình trạng thanh - thiếu niên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể và sự cộng hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, vai trò của gia đình rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định. Cũng như cần nâng cao trách nhiệm của gia đình trong giáo dục, quản lý trẻ em, thanh - thiếu niên, đặc biệt là trong các mối quan hệ xã hội và khi các em tham gia các hoạt động và tương tác trên mạng xã hội nhằm chủ động bảo vệ trước những tác động của đối tượng xấu bên ngoài; những hình ảnh xấu, độc mà mạng xã hội đem tới cho các em…”, bà Thảo nói.

Lực lượng công an làm nòng cốt

Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, lực lượng công an toàn thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn các nhóm thanh - thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng… Tuy nhiên, nhiều vụ việc vẫn xảy ra với tính chất, mức độ nguy hiểm, gây bất an trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của thành phố. Thực hiện kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Công an và Công an thành phố, Phòng Cảnh sát hình sự và công an các quận, huyện mở hồ sơ chuyên đề nghiệp vụ “Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi”; tổ chức thực hiện các kế hoạch chuyên đề liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em, thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật. Qua đó, rà soát, phát hiện và đưa vào quản lý, giáo dục 25 nhóm/122 trường hợp thường xuyên tụ tập, tạo group kín trên facebook để thông tin, liên lạc sẵn sàng chuẩn bị hung khí giải quyết mâu thuẫn… Ngoài ra, tiếp tục triển khai 15 mô hình cơ sở về quản lý, giáo dục, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh - thiếu niên ở các địa bàn. Cùng với việc quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm, Công an thành phố yêu cầu công an các đơn vị, địa phương truy tận gốc các cơ sở sản xuất, tàng trữ, mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm để có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Về giải pháp tổng thể, Đại tá Trần Phòng cho hay, Công an thành phố sẽ kiến nghị, đề xuất UBND thành phố một số giải pháp trong kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị mới của Thành ủy về công tác giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em, thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật. Theo đó hoạch định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện, nhất là việc cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng mô hình cấp thành phố trong công tác quản lý, giáo dục trẻ em hư, vi phạm pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn công tác giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em và thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật trong tình hình mới. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp gia đình và nhà trường xây dựng môi trường sống lành mạnh cho các em nằm trong độ tuổi vị thành niên, giúp đỡ tạo điều kiện học tập, học nghề, tạo việc làm, thu nhập chính đáng. Nhân rộng, mở rộng hoạt động các mô hình hiệu quả trong công tác giáo dục, giúp đỡ trẻ em, thanh - thiếu niên hư tại cộng đồng dân cư, nhất là các mô hình liên kết giữa công an phường, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, trường học và cụm dân cư; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật tại các trường học, khu dân cư… Đặc biệt, Cảnh sát hình sự phụ trách địa bàn, cảnh sát khu vực, công an phường, xã thường xuyên đến gia đình các em để thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục nhằm chung tay xây dựng môi trường yên bình tại cơ sở.

LÊ HÙNG - NGỌC KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.