Giúp đỡ thanh, thiếu niên chậm tiến

.

Nhiều năm nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ thanh, thiếu niên chậm tiến tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng một thế hệ công dân sống có lý tưởng và có ích cho cộng đồng.

UBND huyện Hòa Vang tổ chức gặp mặt, đối thoại và tặng quà cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật. Ảnh: T.D
UBND huyện Hòa Vang tổ chức gặp mặt, đối thoại và tặng quà cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật. Ảnh: T.D

Cảm hóa thanh, thiếu niên hư

Nhằm cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép ma túy hòa nhập cộng đồng, năm 2016, Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Hải Châu triển khai mô hình “4 trong 1 + 4)”. Qua đó, giúp hàng trăm thanh, thiếu niên tiến bộ, tránh xa các tệ nạn xã hội và có việc làm ổn định. Đơn cử trường hợp của em T.N. (phường Bình Thuận, quận Hải Châu) hiện là chủ một tiệm tóc và bán mỹ phẩm.

Ít ai biết, N. từng “dính” vào ma túy. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp hội CCB quận Hải Châu, N. nhận ra hành vi sai trái và quyết tâm làm lại cuộc đời. Tương tự, N.V.H (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) thiếu sự quan tâm khi bố mẹ ly dị. N. sống với ông bà nội và bỏ học giữa chừng. Trong một lần thiếu suy nghĩ, N. sử dụng ma túy và bị nghiện. Tuy nhiên, N. được các cấp Hội CCB cảm hóa, giúp đỡ nên cai nghiện thành công. Ngoài ra, N. được hỗ trợ đào tạo nghề, hiện làm nghề sửa chữa điện nước.

Theo Phó Chủ tịch Hội CCB quận Hải Châu Huỳnh Ngọc Tri, xuất phát từ hiệu quả thực hiện mô hình “4 trong 1+4” tại phường Bình Thuận, Hội CCB quận Hải Châu phổ biến, triển khai thực hiện trên toàn quận. Mô hình “4 trong 1+4” thể hiện các thành phần lực lượng cùng phối hợp tham gia thực hiện cảm hóa, giáo dục cho 1 trường hợp. Trong đó, 1 là người được cảm hóa, giáo dục; 4 là đại diện các tổ chức, cá nhân được phân công cảm hóa, giáo dục gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội CCB phường, Chi hội trưởng chi hội CCB khu dân cư, hội viên CCB gần nhất có khả năng cảm hóa, giáo dục và cảnh sát khu vực. 4 thành phần này thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, theo dõi đối tượng để cảm hóa, giáo dục giúp đỡ bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Trong quá trình cảm hóa, khó nhất là khâu tiếp xúc ban đầu, bởi các em vốn nhạy cảm, nếu người hỗ trợ không khéo léo, các em không những không hợp tác mà còn chống đối. Vì thế, để cảm hóa thành công một trường hợp, các hội viên phải kiên trì, tận tâm, xem các em như những người thân trong gia đình. Những trường hợp sau khi được cảm hóa có nhu cầu cần giúp đỡ về vật chất, Hội CCB thành phố, UBND quận Hải Châu cùng UBND các phường trên địa bàn quận hỗ trợ phương tiện sinh kế, học phí đào tạo nghề, vốn buôn bán, từng bước giúp các em hòa nhập cộng đồng. Hiện các trường hợp sau khi được cảm hóa, giáo dục tiến bộ đều có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân, tham gia đóng góp một phần kinh tế cùng gia đình cải thiện cuộc sống, đồng thời tiếp tục rèn luyện tu dưỡng để không ngừng tiến bộ. Với những hiệu quả mang lại, năm 2018, mô hình “4 trong 1+4” được Ban Chấp hành Hội CCB thành phố công nhận là mô hình tiêu biểu của Hội CCB thành phố. Mô hình được phổ biến đến Hội CCB các quận, huyện trong toàn thành phố để cùng nghiên cứu áp dụng.

Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại

Bên cạnh cảm hóa, các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, đẩy mạnh tuyên tuyền, định hướng nghề nghiệp giúp thanh, thiếu niên tránh xa tệ nạn xã hội. Mới đây, UBND huyện Hòa Vang tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật với chủ đề “Trách nhiệm bản thân, gia đình và xã hội”.

Hơn 150 em đến từ 11 xã trên địa bàn huyện và đại diện gia đình nghe kể chuyện về những tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không đầu hàng trước khó khăn, thử thách; truyền đạt kiến thức pháp luật; phân tích vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong giáo dục các em tránh xa các tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật… Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật cho người chưa thành niên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Em T.T.L (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Các buổi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo huyện giúp em nâng cao nhận thức về pháp luật. Trước đây, em từng sa ngã và phải trả giá vì hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, khi nhận ra hành vi sái trái, em quyết tâm làm lại cuộc đời. Thông qua các buổi đối thoại, em đề xuất nguyện vọng và được các cấp quan tâm hỗ trợ học nghề. Em sẽ cố gắng phấn đấu để trở thành công dân tốt”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, việc tổ chức gặp mặt, đối thoại nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em được UBND huyện Hòa Vang cùng các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện triển khai thường xuyên.

Qua đó, nhiều em có biểu hiện, suy nghĩ lệch lạc, sai trái kịp thời được uốn nắn, chấn chỉnh. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em; chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương cùng đồng hành, hỗ trợ các em trong học tập, định hướng nghề nghiệp để giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện nói riêng và thành phố nói chung.

THÀNH DANH

;
;
.
.
.
.
.