Nỗi đau sau tiếng hát

.

Là đồng nghiệp, hàng xóm của nhau nhưng chỉ vì bất đồng trong “lời ca tiếng hát”, người phải nằm dưới lòng đất mãi mãi, người đứng trước bàn khai báo nơi pháp đình, để lại nỗi đau khôn xiết cho thân nhân cả bị hại và bị cáo.

Cuối tháng 8-2023, Tòa án nhân dân thành phố đưa ra xét xử hai vụ án giết người mà nguyên nhân đều xuất phát từ việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Điều đáng buồn, cả bị cáo và bị hại trong hai vụ án đều còn rất trẻ, tương lai rộng mở phía trước, nhưng chỉ vì đam mê ca hát không đúng lúc và sự tức giận, nóng nảy của những người trong cuộc đã khiến tất cả vụt tắt... Chuyện bắt đầu và kết thúc chóng vánh đến nỗi những người chứng kiện sự việc đến giờ vẫn chưa thôi ngơ ngác. Tối 13-3, kết thúc ngày làm việc vất vả, L.C.B (SN 1992, quê tỉnh Quảng Nam) trở về phòng trọ tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nghỉ ngơi thì thấy anh T.V.T (SN 1991, quê Quảng Bình) cùng bạn đang ngồi uống bia và hát karaoke bằng loa kẹo kéo.

Đến khoảng 22 giờ 35, vẫn còn nghe lời ca của hàng xóm “vang vọng”, B. đi ra nói chuyện và đề nghị anh T. ngừng hát, tắt nhạc để người khác ngủ. Đang cao trào của sự đam mê, bỗng dưng có người cắt ngang, anh T. khó chịu. Vậy là, giữa anh T. và B. xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Anh T. nào biết, B. đã thủ sẵn hung khí trong người. Việc gì đến rồi cũng đến, một nhát dao chí mạng từ B. đã khiến anh T. ra đi mãi mãi. Tới khi anh T. gục xuống, B. mới bừng tỉnh tri hô mọi người gọi cấp cứu và vội vàng đến cơ quan công an đầu thú...

13 ngày sau, một vụ án mạng khác lại xảy ra sau khi tiếng hát được phát ra từ loa kẹo kéo. V.N.D (SN 1996, quê tỉnh Quảng Ngãi) và anh T.H.Th (SN 1998, trú quận Ngũ Hành Sơn) cùng làm nhân viên phục vụ một quán nhậu trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà). Ngày 26-3, trong lúc làm việc, anh Th. mở loa kẹo kéo hát karaoke. Thấy “lời vàng” của anh Th. gây ồn ào, D. có lời miệt thị, mỉa mai. Đang hưng phấn, có người chen vào “phá đám”, anh Th. bực tức ra mặt. Ngay sau đó, giữa anh Th. và D. xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến đánh nhau... Trong lúc không kiềm chế được bản thân, D. dùng dao đâm vào mạn sườn trái anh Th. Anh Th. được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó...

Suốt thời gian đứng ở bục bị cáo, L.C.B và V.N.D chỉ cúi đầu trả lời và nhận tội, tuyệt nhiên không một lời biện hộ cho mình trước hội đồng xét xử và gia đình nạn nhân. L.C.B và V.N.D đều cho biết, nếu quay lại thời điểm đó, các bị cáo nhất định cố kiềm chế sự khó chịu, bực bội, tức giận. Tiếc rằng, ở đời vốn không tồn tại cái giá như, nếu như... Bởi nếu có, tất nhiên L.C.B và V.N.D cũng như nhiều bị cáo khác không phải đứng trước pháp đình, càng không thốt lên những lời đầy nuối tiếc... Được nói lời sau cùng,  L.C.B và V.N.D tỏ ra ăn năn hối cải, xin lỗi gia đình bị hại và mong được giảm nhẹ hình phạt, để sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời. Tiếng nhạc loa kẹo kéo vang lên đã “quấn chặt” 20 năm tự do của L.C.B và 19 năm tự do của V.N.D. Pháp luật đã được thực thi nhưng có những mất mát chẳng bao giờ tìm lại được, một khi bản án đã có 2 từ “giết người”.

Không riêng gì ở Đà Nẵng, những năm gần đây, việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo tại gia trở nên phổ biến và gây nhiều phiền toái. Nhiều vụ việc nghiêm trọng và đáng tiếc đã xảy ra từ “đam mê” ca hát này. Nhẹ thì bầm mặt bầm mũi, nặng phải nhập viện, tử vong, khiến người thì thương tích, kẻ phải đi tù.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.