Quan tâm đào tạo nghề cho học viên cai nghiện

.

Trong thời gian cai nghiện và điều trị tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), các học viên được đào tạo, thực hành nhiều nghề. Qua đó, giúp học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng vượt qua mặc cảm, sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Các học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng được đào tạo sơ cấp nghề buồng phòng. Ảnh: N.Q
Các học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng được đào tạo sơ cấp nghề buồng phòng. Ảnh: N.Q

Theo Cơ sở xã hội Bầu Bàng, học viên vào cơ sở được lập hồ sơ, phân loại mức độ nghiện, loại ma túy sử dụng, số tiền án, tiền sự… để tổ chức cắt cơn và có kế hoạch cai nghiện, giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề cho học viên được chú trọng.

Trong công tác dạy nghề, đơn vị phối hợp Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng mở 3 lớp nghề điện lạnh, 2 lớp nghề điện ô-tô, 1 lớp nghề buồng phòng với 150 học viên đang theo học, nguồn kinh phí do thành phố hỗ trợ. Các học viên được đào tạo trình độ sơ cấp qua 3 tháng học nghề và được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học.

Sau 7 tháng cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, N.Đ.P (SN 1991, trú huyện Hòa Vang) được cán bộ quản lý đánh giá là học viên có nhiều tiến bộ, quyết tâm cai nghiện. Trước đây, P. có công việc ổn định với nghề pha chế và có gia đình hạnh phúc với con gái 3 tuổi. Tuy nhiên, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, P. sử dụng, rồi nghiện ma túy đá.

Đầu năm 2023, công an địa phương phát hiện P. có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành test nhanh, phát hiện dương tính với chất ma túy. Lực lượng chức năng lập hồ sơ đưa P. đi cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng 12 tháng. Sau 3 tháng cai nghiện, được cán bộ tư vấn nhu cầu học nghề và P. chọn học nghề điện ô-tô.

N.Đ.P chia sẻ: “Tôi rất vui khi được cán bộ, thầy cô tại cơ sở tạo điều kiện học nghề. Gia đình có 1 chiếc xe tải, nên tôi muốn học nghề điện ô-tô để có kiến thức, kỹ năng vận dụng cho công việc sau này. Tôi sẽ nỗ lực để cai nghiện, học nghề thật tốt và mong muốn được cán bộ quan tâm, xem xét để sớm về với gia đình, cố gắng làm ăn, quên đi những lầm lỗi trước đây”.

Là một trong 13 học viên nữ cai nghiện tại Cơ xã hội Bầu Bàng, Đ.T.K.T (SN 1997, trú quận Sơn Trà) được tạo điều kiện học nghề buồng phòng. Trước đây, T. từng làm chủ của một quán karaoke trên địa bàn quận Sơn Trà. Tuy nhiên, do bạn bè rủ rê nên sử dụng trái phép chất ma túy. Tháng 3-2023, Công an quận Ngũ Hành Sơn tiến hành kiểm tra 1 villa trên địa bàn, phát hiện T. cùng bạn bè sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tại Cơ xã hội Bầu Bàng trong 12 tháng.

 “Hơn 6 tháng học tập, sinh hoạt tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, em đã nhận thức được lỗi lầm của bản thân. Được tạo điều kiện học nghề, em rất vui và sẽ chăm chỉ học tập để vận dụng tìm việc làm sau này. Em mong muốn sau khi hòa nhập cộng đồng sẽ được chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, kết nối, tạo điều kiện có việc làm ổn định”, Đ.T.K.T bộc bạch.

Ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho biết, để học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng tìm được việc làm ổn định, cơ sở rất quan tâm, tạo điều kiện để các em học nghề. Cơ sở chú trọng khảo sát nhu cầu của học viên có nguyện vọng và mở các lớp nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động nhằm dễ tìm kiếm việc làm sau này. Với phương châm vừa học nghề gắn với thực hành tại chỗ, các học viên được trang bị lý thuyết và thực hành trong mỗi buổi học.

Mặc dù vậy, các học viên thuộc nhiều độ tuổi khác nhau nên quá trình tiếp thu chưa được đồng đều. Sau khi hoàn thành khóa học nghề sơ cấp 3 tháng, học viên được cấp chứng chỉ của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Từ đầu năm đến nay, hơn 70 học viên đã qua đào tạo nghề sơ cấp, cùng nhiều nỗ lực cai nghiện, học tập được cơ sở đánh giá tốt và được bàn giao về lại địa phương.

“Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, khá nhiều học viên còn mang nặng tâm lý tự ti, mặc cảm và rất dễ bị đối tượng xấu lôi kéo tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện vươn lên từ gia đình và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần tạo cầu nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm, giúp các học viên có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống, tránh tình trạng tái nghiện”, ông Hải chia sẻ.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.