Quyết liệt chặt đứt "vòi bạch tuộc" tín dụng đen

.

Sau thời gian tạm lắng, gần đây hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng có chiều hướng tái diễn và diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng mạng viễn thông, núp bóng doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ… tạo vỏ bọc nhằm đối phó cơ quan chức năng.

Những tờ rơi quảng cáo cho vay được dán nhan nhản trên các tuyến đường. Ảnh: L.H
Những tờ rơi quảng cáo cho vay được dán nhan nhản trên các tuyến đường. Ảnh: L.H

Bài 1: “Bẫy tín dụng đen” hoành hành…

Hoạt động “tín dụng đen” không chỉ hoành hành ở khu vực thành thị mà cả nông thôn, miền núi với nhiều hình thức đa dạng từ truyền thống đến môi trường mạng xã hội, làm điên đảo không ít cá nhân, gia đình. Nhiều hoàn cảnh chỉ vì cần gấp tiền và vay qua “tín dụng đen” dẫn đến tan nhà, nát cửa… Những câu chuyện bi hài của người dân liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội.

Bị “khủng bố” cả ngày lẫn đêm

“Tín dụng đen” thực chất là việc tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất “cắt cổ” để thu lời bất chính, nó được ví như “vòi bạch tuộc” vươn đến khắp các hang cùng ngõ hẻm, gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội.

Những năm trước, trên khắp các trục đường, ngõ xóm, khu vực tập trung đông dân cư từ thành thị đến nông thôn xuất hiện nhiều tờ rơi, mẩu quảng cáo với thông tin “cho vay tiền, cho vay nóng, vay nhanh không cần thế chấp” kèm theo số điện thoại liên hệ. Khi người vay có nhu cầu, chỉ sau cuộc điện thoại là có người mang tiền đến tận nơi, không cần bất cứ tài sản giá trị nào để thế chấp.

Tiền trao nhanh, giấy tờ làm tin chủ yếu là những mảnh giấy biên nhận viết tay ghi số tiền và số lãi thỏa thuận với mức từ 3.000 - 5.000 đồng, thậm chí 7.000 đồng/ngày/1 triệu tiền vay. Thế nhưng, đằng sau tờ giấy viết tay thỏa thuận lại là những hệ lụy gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán. Bởi thực tế, việc phải trả nợ các khoản vay với mức lãi suất cao cực kỳ khó khăn.

Đến bây giờ, gia đình ông N.D. (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vẫn chưa hết hoang mang, bất an mỗi lần nhớ lại thời điểm bị “khủng bố” liên tục cả ngày lẫn đêm. Giữa năm 2022, ông D., vợ và con gái liên tục bị “khủng bố” qua điện thoại, tin nhắn, với nội dung đòi nợ của các đối tượng cho vay lãi nặng.

Nguyên do trước đó, con trai ông là N.T vay nợ thông qua hợp đồng tín dụng với số tiền phải trả hơn 17 triệu đồng. Điều lạ là bản thân ông D. không rõ con trai mình vay mượn ra sao, từ bao giờ. Bởi theo ông, những năm gần đây gia đình không liên lạc được với T. “Chúng tôi cũng không bảo lãnh khoản vay nào của T. cả. Còn các số điện thoại nhắn tin tới, khi chúng tôi gọi lại để xác minh đều không liên lạc được. Thế nhưng, cứ vài bữa thì lại có số điện thoại lạ gửi các tin nhắn đòi tiền. Lúc thì họ gửi đến số điện thoại của tôi, khi thì của vợ, con”, ông D. nói.

Không riêng ông D., nhiều người dân cũng phản ánh về việc bị những số điện thoại lạ nhắn tin, gọi điện “khủng bố”, yêu cầu phải trả tiền mặc dù họ không hề vay mượn từ các app cho vay. Anh M.Đ. (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu) bức xúc cho biết, thời gian dài, anh và những người trong gia đình liên tục bị đe dọa bằng các cuộc gọi, tin nhắn, bất kể giờ giấc.

Các đối tượng nói do em trai anh vay tiền của các app nhưng chưa trả xong và trong quá trình làm thủ tục vay phải cung cấp số điện thoại người thân theo yêu cầu của các đối tượng, nên anh tự dưng “mang họa”. Do lãi mẹ đẻ lãi con, không trả nổi nên người thân như anh liên tục bị khủng bố, đòi nợ.

Chị N.T.H (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ. Thời gian gần đây, gia đình chị liên tục gặp bất trắc dẫn đến khó khăn về tài chính. Không còn tài sản thế chấp, các ngân hàng không cho vay mới, vì vậy, “vay nóng” trở thành cứu cánh cuối cùng của chị. Sau đó, chị H. vay 50 triệu đồng, lãi suất 4.000 đồng/ngày/1 triệu, tổng số lãi phải trả hằng tháng là 6 triệu đồng. Biết bị “móc túi” nhưng đó là nguồn tiền mặt duy nhất để giải quyết khi cần.

“Trả đúng hạn thì gọi điện nhắc khéo, thậm chí rủ rê vay thêm. Nhưng chỉ cần đến ngày đóng tiền mà chưa thấy chuyển tiền gốc và lãi, ngay lập tức cả ngày hôm sau tôi phải nghe điện thoại, đọc tin nhắn hù dọa như chậm ngày nữa là hứng sơn, chất bẩn vào nhà”, chị H. kể.

Tin nhắn được các đối tượng gửi cho ông D.  Ảnh: L.H
Tin nhắn được các đối tượng gửi cho ông D. Ảnh: L.H

Tái diễn nạn “tín dụng đen”

Trước sự “nở rộ” các dịch vụ cho “vay nóng” dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quyết liệt tấn công, trấn áp... Việc công an các đơn vị, địa phương liên tục đánh trúng, đánh mạnh vào các đường dây, đối tượng cho vay lãi nặng làm cho tình hình “tín dụng đen” tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên gần đây, tình trạng này lại bắt đầu tái diễn phức tạp.

Dọc các tuyến đường trung tâm thành phố như: Lê Duẩn, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Phan Châu Trinh… hay về các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, không khó bắt gặp hình ảnh tờ rơi quảng cáo cho “vay không thế chấp, thủ tục đơn giản” được dán nhiều trên đường. Nhìn những hình ảnh này, nhiều người thường vì von đây là những “ngân hàng cột điện”. Những tờ rơi, biển quảng cáo trên thực chất là hoạt động “tín dụng đen” trá hình với thủ tục đơn giản, nên nhiều người sẵn sàng vay với lãi suất cao hơn so với quy định Nhà nước.

Chỉ cần bấm vào số điện thoại được dán trên tờ rơi cho vay trả góp, đều nhận được câu trả lời: cần bao nhiêu cho vay bấy nhiêu, thủ tục đơn giản chỉ cần căn cước công dân hay bất cứ giấy tờ gì chứng minh nhân thân, lai lịch là xong. Thủ tục đơn giản, vay dễ thì lãi suất phải trả cũng “tương xứng”, trung bình 3.000 - 5.000 đồng/1 ngày/1 triệu đồng tiền vay, tương đương với lãi suất từ 109,5- 182,5%/năm, thậm chí cao hơn nhiều lần.

Trung tá Trần Ngọc Thành, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố cho rằng, không ít người nhận thức được việc “vay nóng” với lãi suất cao là không hợp pháp. Còn người cho vay là những cá nhân, nhóm người, hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính trái pháp luật, thế nhưng có cầu ắt có cung.

“Vấn đề ở chỗ, khi phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ giao dịch, nhất là khi người vay chậm hoặc không có khả năng trả nợ thì chủ nợ thường thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm đi đòi nợ. Có không ít trường hợp người vay bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, có khi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự… Điều này gây bất an, lo lắng, bức xúc trong nhân dân”, Trung tá Thành cho hay.

LÊ HÙNG - NGỌC KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.
Blog creditcard.com.vn chia sẻ kiến thức về thẻ tín dụng tài khoản thấu chi là gì