Quyết liệt chặt đứt 'vòi bạch tuộc' tín dụng đen - Bài cuối: Để 'tín dụng đen' không còn 'đất sống'

.

Trước thực trạng “tín dụng đen” hoành hoành với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp để “bẫy” người vay, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triệt phá, hạn chế vấn nạn nguy hiểm này.

Các đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng bị bắt giữ ngày 16-9.  Ảnh: LÊ HÙNG
Các đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng bị bắt giữ ngày 16-9. Ảnh: LÊ HÙNG

Tăng cường đấu tranh, triệt xóa

Trước tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, ngày 25-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg. Qua 4 năm thực hiện, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trên cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng cơ bản được kiểm soát, kiềm chế, không để phát sinh các vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Ngày 24-8-2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” gửi các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, Bộ Công an cũng có kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên cả nước.

Tại Đà Nẵng, thời gian qua, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận, huyện rà soát, lập danh sách, lý lịch các đối tượng, quản lý cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn. Bên cạnh đó, gọi hỏi, răn đe, giáo dục, yêu cầu viết cam kết, phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường quản lý đối tượng và các cơ sở có biểu hiện đòi nợ, siết nợ, không để các đối tượng hoạt động phức tạp gây bức xúc cho nhân dân.

Từ giữa tháng 12-2022 đến giữa tháng 6-2023, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn thành phố đưa vào diện quản lý mới đối với 7 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng, nâng số trong diện quản lý thành 11 đối tượng. Quá trình giám sát, quản lý, lực lượng Cảnh sát hình sự thường xuyên thu thập thông tin, tài liệu và báo cáo định kỳ với lãnh đạo Công an thành phố. Đồng thời có hình thức gọi hỏi, răn đe, cảm hóa giáo dục để các đối tượng tiến bộ, từng bước từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật.

Cũng trong thời gian này, Phòng Cảnh sát hình sự xác lập và đấu tranh thành công 1 chuyên án, qua đó triệt xóa 2 nhóm/9 đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động cho vay lãi nặng. Theo đó, bắt giữ Nguyễn Thành Thái (SN 1989, trú Thành phố Hồ Chí Minh) cùng 8 đối tượng liên quan.

Từ tháng 7-2022 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng cho 345 người trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vay với số tiền hơn 10 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng. Lãi suất cho vay của các đối tượng này dao động từ 280 đến 400%/năm. Đối với trường hợp chậm trả tiền, các đối tượng gọi điện hăm dọa, tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà để uy hiếp, gây sức ép hoặc sử dụng các ổ khóa đã chuẩn bị để khóa cổng nhà và bơm keo 502 vào các ổ khóa cổng nhà của người vay, buộc họ phải trả tiền…

Mới đây nhất, ngày 15 và 16-9, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố triệt xóa 2 chuyên án, triệu tập 9 đối tượng liên quan đến 2 đường dây hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng (1 đường dây do Phạm Văn Thông cầm đầu và 1 đường dây do Trần Xuân Thành cầm đầu), ra quyết định tạm giữ hình sự 4 đối tượng để tiếp tục mở rộng điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 9-2023, đường dây do Phạm Văn Thông (SN 1990, trú quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng) cầm đầu đã cho 298 người trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vay với hơn 1.000 lượt, tổng số tiền cho vay hơn 10,2 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 2,3 tỷ đồng. Từ tháng 6-2023 đến khi bị bắt, đường dây do Trần Xuân Thành (SN 1990, trú huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cầm đầu cho hơn 145 người trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam vay với 635 lượt, tổng số tiền cho vay hơn 2,8 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 816 triệu đồng. Đáng chú ý, lãi suất cho vay của 2 đường dây này dao động từ 280 đến 400%/năm.    

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Cùng với việc tăng cường đấu tranh, phát hiện, triệt xóa các đường dây cho vay lãi nặng hoạt động trên địa bàn, một trong những giải pháp căn cơ để tội phạm “tín dụng đen” không còn đất sống đó là hệ thống ngân hàng cần có những biện pháp vào cuộc tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, vay tiêu dùng… của người dân.

Theo cơ quan công an, thực tế cho thấy, việc giải quyết nạn “tín dụng đen” luôn là bài toán khó, không riêng một cấp, một ngành nào làm được, mà cần có các giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đổi mới về thủ tục giải ngân cho vay; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh nói chung, cho vay tiêu dùng nói riêng. Cũng như, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không để cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự; các phương thức, thủ đoạn của hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường để giúp người dân hiểu được hậu quả khi tham gia “tín dụng đen”. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm với cơ quan công an. Ngoài ra, cần làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở kinh doanh cầm đồ, doanh nghiệp hoạt động tài chính trái luật, không đủ điều kiện về an ninh trật tự…

Cùng với đó, các vụ việc vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời trước pháp luật. Có như vậy mới bảo đảm hoạt động tín dụng lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định. Người dân khi có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các ngân hàng, cương quyết không ký giấy vay nợ để rồi mắc bẫy của các đối tượng chuyên hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”, gây ra hậu quả khôn lường cho chính bản thân mình, người thân và gia đình, xã hội.

LÊ HÙNG - NGỌC KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.