Thời gian gần đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) liên tiếp ghi nhận trường hợp một số đối tượng đã lợi dụng thông tin, hình ảnh của DATC để lừa đảo với nhiều chiêu trò tinh vi.
Một số đối tượng đã lợi dụng thông tin, hình ảnh của DATC để lừa đảo. |
Theo đó, đối tượng lừa đảo đã giả mạo, lấy danh nghĩa là nhân viên của DATC liên hệ những người tham gia đầu tư tài chính cá nhân như: Trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, sàn thương mại điện tử… đang có nhu cầu thu hồi vốn.
Các đối tượng này đã sử dụng tên viết tắt DATC, địa chỉ trụ sở, địa chỉ website, mẫu dấu, chữ ký người đại diện theo pháp luật của DATC để cắt ghép, tạo hình ảnh giả mạo gửi cho người có nhu cầu thu hồi vốn.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin của DATC tạo tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau như: Công ty TNHH Mua Bán Nợ Việt Nam DATC, Công ty TNHH Tư Vấn Luật Quản Lí Tài Sản - DATC… đăng video dưới hình thức cảnh báo, hướng dẫn người có nhu cầu thu hồi vốn, cam kết thực hiện thu hồi vốn thành công và đồng thời yêu cầu những người này chuyển khoản một số tiền gọi là phí thu hồi vốn để lừa đảo, chiếm đoạt.
DATC được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTG ngày 5-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động theo Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27-10-2020 của Chính phủ, là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, đóng vai trò là công cụ của Chính phủ để xử lý các khoản nợ xấu trong nền kinh tế, hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và phục hồi, phát triển các doanh nghiệp để tiếp tục đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và ổn định an sinh xã hội.
DATC không thực hiện việc thu hồi vốn đầu tư tài chính của đối tượng cá nhân thông qua hình thức mạng xã hội. Đại diện DATC khẳng định: Những thông tin về DATC mà các đối tượng nêu trên sử dụng là giả mạo nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản.
Việc giả danh trên là những hành vi trái pháp luật, lợi dụng danh nghĩa cán bộ và thông tin của DATC để lừa đảo người dân nhằm trục lợi cá nhân. Hành vi này gây thiệt hại về tài sản của cá nhân/tổ chức, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của DATC cũng như Bộ Tài chính.
"Người dân không thực hiện giao dịch liên quan tới công tác nghiệp vụ thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, tin nhắn... DATC chỉ cử cán bộ làm việc trực tiếp với đối tác và mọi hồ sơ giao dịch được DATC thực hiện trực tiếp tại trụ sở chính hoặc tại các chi nhánh của Công ty", đại diện DATC nhấn mạnh.
Để tránh các rủi ro và tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra, DATC khuyến cáo các đơn vị/tổ chức và cá nhân nâng cao tinh thần cảnh giác, tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin, thận trọng trước các tình huống. Trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo thông tin của DATC, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo hướng dẫn giao dịch, cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn, hình ảnh hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới cơ quan công an hoặc DATC.
Theo Báo Tin tức