Cựu sếp Sở Ngoại vụ nói về thủ đoạn trục lợi từ chuyến bay giải cứu

.

Ông Trần Tùng - cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên - thừa nhận khi chủ tọa thẩm vấn về việc thu lãi khi tổ chức các chuyến bay giải cứu.

Bị cáo Trần Tùng khai về việc có lãi từ tổ chức các chuyến bay giải cứu. Ảnh: Q.Việt
Bị cáo Trần Tùng khai về việc có lãi từ tổ chức các chuyến bay giải cứu. Ảnh: Q.Việt

Hơn 10 giờ hôm nay (24-12), sau phần công bố cáo trạng của Viện KSND Hà Nội, các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu bị thẩm vấn về sai phạm do cơ quan công tố cáo buộc.

Trần Tùng (46 tuổi) - cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên - bị cáo đầu tiên bị thẩm vấn về tội “Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong vụ án, ông Trần Tùng bị cáo buộc có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỉ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay.

Bị cáo Trần Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỉ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với nhiều chuyến bay khác.

Trước tòa, ông Tùng khai quen ông Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (bị can giai đoạn 1) - do người khác giới thiệu. Bị cáo cũng quen Lê Văn Nghĩa (bị can giai đoạn 1) - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh (Công ty Nhật Minh) - do ông Nam giới thiệu.

Sau đó, bị cáo có gặp ông Nghĩa tại một nhà hàng ở TP Thái Nguyên. Tại cuộc gặp này, Tùng yêu cầu Nghĩa trao đổi để Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có văn bản gửi tỉnh Thái Nguyên xin chủ trương cách ly, do tỉnh này không giải quyết đề nghị xin cách ly của doanh nghiệp.

Còn lại, Tùng sẽ lo mọi thủ tục để UBND tỉnh chấp thuận. Đồng thời, Tùng yêu cầu Nghĩa cho Công ty Sen Vàng Đất Việt, do Trần Thị Quyên làm Giám đốc, thực hiện việc cách ly với chi phí trọn gói là 18 triệu đồng/khách nhưng khi ký hợp đồng với Công ty Sen Vàng Đất Việt chỉ thể hiện 10-12 triệu đồng/khách.

Công ty Nhật Minh đã tổ chức được 3 chuyến bay, đưa tổng 668 người về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Quá trình tổ chức thực hiện 3 chuyến bay, theo thỏa thuận, Nghĩa đã chuyển tổng cộng hơn 11 tỉ đồng cho Quyên. Trong đó, tiền theo 3 hợp đồng đã ký với Quyên là hơn 6,6 tỉ đồng, tiền ngoài hợp đồng là hơn 4,4 tỉ đồng.

Quyên chuyển cho Tùng hơn 2,4 tỉ đồng qua tài khoản ngân hàng của em trai và bạn của cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ này; còn hơn 1,98 tỉ đồng, Quyên đưa cho một số cá nhân và sử dụng phục vụ cách ly.

Tiếp đó, khi bị xét hỏi về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi phối hợp với doanh nghiệp - Công ty Fujitravel Nhật Bản do bà Bùi Thị Kim Phụng làm đại diện để tổ chức các chuyến bay đưa người từ Nhật Bản về Việt Nam, bị cáo Trần Tùng thừa nhận đã sai.

Theo đó, công ty do bà Phụng làm đại diện chỉ có trụ sở ở Nhật Bản, song trong các hợp đồng đưa người về nước là Công ty Én Việt tổ chức.

Việc thỏa thuận giá trọn gói mỗi công dân về nước cũng giống với công ty của ông Nghĩa (17-18 triệu đồng/người, song giá ghi trên hợp đồng chỉ là 11-12 triệu đồng/người).

Cơ quan công tố cáo buộc Trần Tùng lợi dụng chức vụ quyền hạn khi phối hợp với chủ doanh nghiệp thực hiện 7 chuyến bay, để hưởng lợi 3,27 tỉ đồng.

"Bị cáo thấy tổ chức thế có lãi nên làm?" - chủ tọa chất vấn.

"Bị cáo thấy có thêm thu nhập", ông Tùng trả lời chưa hết thì chủ tọa cho rằng, bản thân bị cáo có đi khảo sát giá từng đơn vị, nắm được tình hình chi phí một người về nước như thế nào để từ đó, đưa ra mức giá như trên với các doanh nghiệp.

Bị cáo Trần Tùng thừa nhận những điều chủ tọa lý giải và cho hay đến nay khắc phục được 5,7 tỉ đồng.

Phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo khác.

Theo laodong.vn

;
;
.
.
.
.
.