Hậu quả từ một câu nói

.

Chỉ vì câu nói không “thuận tai” của hàng xóm và phút nóng giận, thiếu kiềm chế của bản thân, T.Q.A (SN 1992, huyện Hòa Vang) đã đẩy chuyện nhỏ lên thành chuyện to và trở thành bi kịch của gia đình.

Tại pháp đình hôm ấy, xuất hiện những người phụ nữ với gương mặt thất thần, buồn bã. Họ là mẹ, vợ và người thân của T.Q.A. Phiên tòa diễn ra, A. trình bày toàn bộ diễn biến vụ việc, đồng thời gửi đến bị hại và gia đình lời xin lỗi chân thành và mong được tha thứ. Đứng trước bàn khai báo, bị cáo mới thấy hết tội lỗi mình gây ra. Tối 22-10-2023, sau khi nhậu xong, anh N.Đ.N (SN 1982) cùng anh N.V.P  (SN 1972) và ông H.Q.D (SN 1967, huyện Hòa Vang) lên ô-tô trở về nhà. Trên đường đi, anh P. trao đổi qua điện thoại với T.Q.A thì ông D. nói chen vào: “Thằng nớ nói lật lọng hai lời”.

Nghe thế, A. cúp máy rồi đến nhà anh N. tìm gặp ông D. để hỏi chuyện. A. bắt gặp ông D. đang ngồi trên ghế nhựa trước sân nhà anh N., nên đến gần lớn tiếng: “Ăn bậy được chứ đừng nói bậy, răng ông biết tôi sống như thế nào mà nói kiểu đó”. Ngay lập tức, cả hai xảy ra cãi vả. Sau đó, A. lấy đoạn cây gỗ gần đó đánh vào vùng đầu ông D. Nạn nhân bị té ngã đập đầu, dẫn đến thương tích nặng.

Tại tòa, T.Q.A khai nhận toàn bộ hành vi phạm phạm tội của mình. Bị cáo trình bày, do bản thân đã có hơi men, lại nghe ông D. nói xấu mình nên không kiềm chế được bản thân. Bị cáo và bị hại đều là hàng xóm láng giềng thân thiết, trước giờ không có mâu thuẫn gì. Theo A., sau khi đánh ông D., nhận thấy hành động của mình là sai trái nên bị cáo cùng những người xung quanh đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện. Những ngày ông D. nằm viện, bị cáo cùng gia đình thường xuyên thăm hỏi, động viên cũng như chịu toàn bộ chi phí điều trị, thuốc men và bồi thường một số tiền để bị hại bồi bổ sức khỏe. Bị hại H.Q.D xác nhận đã nhận được tiền bồi thường của gia đình bị cáo, đồng thời không yêu cầu gì thêm và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho A.
Theo hội đồng xét xử, hành vi củ

 A. là nghiêm trọng. Dù thoát chết nhưng ông D. phải đối mặt với những vết thương về thể xác và tinh thần. Hội đồng xét xử phân tích, chỉ vì một câu nói khó nghe, bị cáo A. đã dùng đoạn gỗ đánh vào vùng đầu ông D. Đây là vùng trọng yếu của cơ thể con người, gây nguy hiểm đến tính mạng của ông D. Việc ông D. không chết, chỉ bị tổn thương cơ thể 48% là do được cấp cứu kịp thời. Nghe phân tích của hội đồng xét xử, ánh mắt bị cáo A. buồn bã và tỏ ra ăn năn hối cải về tội lỗi của mình.

Qua xem xét các tình tiết giảm nhẹ, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố tuyên phạt bị cáo T.Q.A 7 năm tù về tội “Giết người”. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án, chỉ cần đối tượng, nạn nhân bớt đi một vài lời thì hậu quả đã không xảy ra. Nhiều đối tượng khi bị bắt vẫn không hiểu vì sao mình lại hành động hung hãn đến vậy, nhưng khi hối hận thì đã muộn.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.