.
2 năm thực hiện chính sách cho sinh viên vay vốn:

Những “nút thắt” cần được mở

Sau 2 năm học (2007-2008 và 2008-2009) thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh-sinh viên (HS-SV), các bộ, ngành liên quan đã có một cuộc hội thảo bàn tròn xoay quanh vấn đề này.

Diễn ra với hình thức trực tuyến, hội thảo có sự tham dự của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng chính được thừa hưởng chính sách này là HS-SV đã nêu ra những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện quyết định vay vốn này.

Thành quả

Có thể nói, sự ra đời của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HS-SV là một bước ngoặt lớn đặc biệt dành riêng cho lĩnh vực giáo dục. Với những khoản vay này, các bạn HS-SV sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để được tiếp tục đến trường. Những phụ huynh vùng nông thôn, những gia đình nghèo khó đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì những khoản lo học phí, chi phí học tập không còn là vấn đề quá nan giải.

Theo SV Lê Thị Hoài (lớp 42 I1, khoa Thương mại điện tử, ĐH Thương mại Hà Nội) bộc bạch, 2 năm học qua, em đã được tạo điều kiện vay vốn với số tiền gần 13 triệu đồng để đóng học phí, phần còn lại phục vụ cho việc sinh hoạt, mua tài liệu, giúp một gia đình nghèo như nhà em có thể đủ sức cho 2 đứa con học đại học cùng một lúc.

Còn với SV Nguyễn Thị Tuyết (lớp Cao đẳng Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Lương Thế Vinh, TP Nam Định) thì đã từng nghỉ học vì gia đình quá khó khăn, đến đầu năm 2007, khi nghe thông tin về chính sách vay vốn, gia đình đã quyết định cho em đi thi và đỗ vào hệ cao đẳng của ĐH Lương Thế Vinh. Nhờ số tiền vay được, cha mẹ em cũng đã không phải xót xa khi vì nhà nghèo mà con cái không được đến trường.

Nhìn từ Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), một trường ĐH nằm ở khu vực miền Trung nên trong số hơn 76.000 HS-SV, phần lớn là con em của những lao động nghèo, còn rất khó khăn, thu nhập thấp. Chính vì vậy, chính sách cho vay vốn của Chính phủ thực sự mang đến cho HS-SV của trường nhiều cơ hội tốt đẹp.

Tổng số tiền mà HS-SV ĐHĐN đã vay trong 2 năm qua là 205 tỷ đồng, với tổng số 46.700 lượt cấp giấy xác nhận cho HS-SV vay vốn. GS-TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc ĐHĐN khẳng định, qua 2 năm triển khai cho thấy, đây là một chính sách hợp lòng dân, xã hội đồng thuận, mang đến nhiều cơ hội học tập cho cộng đồng. Bộ LĐ-TB&XH cũng cung cấp những số liệu cụ thể, gồm:

114.000 SV hệ cao đẳng được vay với 1.102 tỷ đồng; học nghề khoảng hơn 73.000 HS được vay với hơn 660 tỷ đồng… là một điều kiện hết sức cụ thể trong giải pháp giúp người dân thoát nghèo, vì tạo cơ hội cho con em họ được tiếp cận, học tập, có một nghề nghiệp để mưu sinh. Chính từ chính sách này, nhiều người có cơ hội học nghề tìm được việc làm, đi xuất khẩu lao động, giúp phát triển kinh tế gia đình.

Còn quá nhiều “nút thắt”

Bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn tồn tại khá nhiều những bất cập cần phải có hướng để giải quyết thỏa đáng. Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, thì do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và nhà trường, nên chưa thể thiết lập mối quan hệ thông tin lẫn nhau, chưa quy định chế độ báo cáo nên gặp khó khăn rất lớn trong việc theo dõi HS-SV sử dụng vốn vay đúng mục đích hay không, và thu hồi vốn như thế nào cho hiệu quả.

Một đại biểu khác cũng đề cập đến vấn đề này và cho rằng, sự thiếu đồng bộ trong mối quan hệ giữa nhà trường và ngân hàng dễ dẫn đến tình trạng không thể quản lý được những HS-SV được vay vốn, nhưng trong quá trình học tập vi phạm pháp luật, bị buộc thôi học, chuyển trường… Một thực tế nữa là hiện nay việc vay vốn được thực hiện khá rầm rộ, nhưng kết quả thu hồi vốn vay vẫn chưa cao, một phần do chương trình mới được áp dụng 2 năm nay nên số HS-SV ra trường đi làm có tiền hoàn vốn là không nhiều; nhưng có một bộ phận dù đã ra trường đi làm nhưng vẫn còn chậm trễ trong việc hoàn vốn. Riêng ĐHĐN hiện chỉ mới thu được 3%.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thì nhận xét, hiện vẫn còn một số địa phương chưa thực sự tạo thuận lợi cho HS-SV vay vốn, vẫn còn nhiều cơ chế máy móc, là một rào cản bất lợi cho các em. Các cơ sở dạy nghề thì dù chính sách được thực hiện 2 năm nay, nhưng vẫn chưa nắm bắt được các văn bản, chưa quan tâm tuyên truyền chính sách vay vốn đến cho HS, nên các em phải chịu thiệt thòi.

Và trong khi công tác cho vay đối với gia cảnh HS-SV có chính xác hay không phụ thuộc rất lớn vào việc xác nhận đối tượng ở xã, phường; bước xác nhận này sai thì ngân hàng cho vay sai, gây thất thoát tiền Nhà nước, nhưng vẫn chưa thấy có chế tài gì cụ thể để xử lý. Trong quá trình thực hiện, đoàn kiểm tra đã phát hiện hơn 900 hộ đã vay hơn 5,3 tỷ đồng là không đúng đối tượng, do UBND xã nể nang, cảm tình, hoặc chưa nhận thức đúng chính sách đã xác nhận sai đối tượng thụ hưởng.

Một sinh viên thì có nhận định về số tiền cho vay - xuất phát từ nhu cầu của HS-SV, là so với nền kinh tế hiện tại, thì với số tiền vay 800.000 đồng/tháng là không thể đủ chi phí cho các sinh hoạt, bởi giá cả nhà trọ, thực phẩm… đều tăng vọt

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ của chương trình tính đến tháng 4-2009 đạt 13.517 tỷ đồng, với 1.247 nghìn hộ vay cho 1.335 nghìn HS-SV thụ hưởng. Trong thời gian đến, sẽ hoàn thành phần mềm quản lý vay vốn đi học và đưa vào sử dụng hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, thu hồi nợ của chương trình; và tích cực quảng bá website vay vốn đến những cơ quan liên quan và người dân, để có thể nắm bắt cụ thể hơn về chính sách này.


VIẾT THANH

 

;
.
.
.
.
.