.

Đóng cửa bãi rác Khánh Sơn: Ai khổ?

.

Mặt trời gần đứng bóng, cái nắng rực lửa mùa hè tấp xuống cùng với mùi hôi thối nồng nặc đặc quánh bốc lên ở bãi rác Khánh Sơn giữa trưa tháng Sáu. Quệt vội những dòng mồ hôi chảy ròng trên mặt, bà Trần Thị L. (tổ 4, thôn Đại La, xã Hòa Sơn, Hòa Vang) vẫn tỉnh bơ trước câu hỏi “đóng cửa không cho dân vô nhặt rác thì bà làm chi”. Trong khi đó, chính quyền từ phường đến quận của Liên Chiểu thì đang rối ruột lên vì mốc thời gian cuối tháng 6 phải hoàn thiện phương án chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ cho người thu nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn để trình lãnh đạo thành phố thông qua trong tháng 7 này...

Nhọc nhằn “bám” rác Khánh Sơn

Giữa “núi” rác, nhiều phụ nữ làm nghề nhặt rác có thâm niên 20-25 năm với đồ bảo hộ đơn sơ như nón, bịt mặt, ủng và đôi bao tay sờn rách.

Bốn giờ sáng, lúc cả nhà đang còn ngon giấc thì bà L. trở dậy, xuống nhà dưới lui cui chuẩn bị đồ nghề, lần mở cửa qua xóm kêu mấy chị em lên đường. Băng qua núi Phước Tường, họ đến bãi rác Khánh Sơn lúc trời vừa hửng sáng, chuẩn bị vào “ca”, bắt đầu cho một ngày nhọc nhằn “bám” rác. Nhưng theo bà, những ngày mùa nắng như thế này thì đỡ khổ, chứ mùa mưa hoặc lúc còn làm “ca” đêm như trước đây thì chuyện đi lại cực nhọc gấp chục lần.

Nghỉ vài phút, phân công ca kíp xong, họ xốc tay vào trang bị “đồng phục”; nói cho oai, chứ những thứ đồ gọi là “bảo hộ lao động” của họ chỉ là nón, chiếc khẩu trang, ủng và đôi găng tay thủng lỗ chỗ. Ở đây, trừ những người làm việc theo ca, dùng dụng cụ tự chế như móc, cào... để đào, móc rác giữa đống rác lớn mỗi lần xe đổ xuống, còn rất nhiều người như bà L. phải dùng tay bới rác. Tất nhiên, “năng suất” không cao nhưng đủ để bà kiếm mỗi ngày khoảng 100 nghìn đồng.

Giữa những đống rác mỗi ngày một cao như núi, đôi bàn tay của những người phụ nữ nhặt nhạnh tất cả các thứ rác và phân loại thành từng thứ khác nhau như túi ny-lông, kim loại và giấy vào từng bao riêng. Nắng càng lúc càng oi bức, mùi hôi thối càng nồng nặc hơn. Đến trưa, khi cảm thấy hơi thở nặng hơn, đặc quánh lại và đôi chân ngâm lâu trong rác chừng như mủn ra vì sức nóng hoai, họ kéo những bao tải đã đầy ứ rác xuống chân “núi” và vào trú nắng trong những túp lều được căng bằng những mảnh bao tải rách mọc lên giữa bãi rác để nghỉ...

“Cô H. ơi, cho tui ly đậu nành!”. “Em ơi, cho chị tô bún 5 ngàn!”... Những tiếng gọi hàng khê đặc trong cổ họng vì sống lâu trong oi nồng của rác và khí độc cất lên. Những đám ruồi bị đánh động theo từng cái khua tay, cái vung nón quạt... đậu đen kín trên những ly nước, ly sữa, tô bún... vừa được bưng ra từ bàn tay tất tả của cô H. chuyên bán hàng ăn uống, trong “căng-tin” được dựng tạm dưới tấm ny-lông thấp tè chưa đầy 3 mét vuông ngay giữa bãi rác.
 
Trong những túp lều tương tự bên cạnh, bà L. cùng đồng nghiệp cũng bắt đầu bữa trưa bằng cơm hộp, mỗi suất 6 nghìn đồng của mình trong tiếng à à của bầy ruồi. Dường như có đến hơn 70% quân số ruồi của toàn thành phố được “biên chế” tập trung ở đây! Nhưng, “quen rồi!”. Họ trả lời tỉnh bơ khi cảm nhận được ánh mắt ái ngại của chúng tôi.

Để đạt đến mức “quen rồi” như thế, hơn 400 con người, cả “chuyên” lẫn “không chuyên” nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn này cũng đều bước qua những ngày đầu trong cảm giác ghê sợ và tâm lý “thôi thì làm vài bữa rồi nghỉ, có sao đâu”. Cái vài bữa ấy rồi kéo dài vài năm, có người đến hơn 20 năm sống với “nghiệp” rác, kể từ ngày khai thiên lập địa của bãi rác ở khu vực Thanh Khê 6, quận Thanh Khê bây giờ.
 
Cùng với biến chuyển lịch sử của thành phố, bãi rác cũng được di dời từ Thanh Khê lên Hòa Khánh, được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhưng cái nghề của họ thì chẳng được “nâng cấp” chút nào. Cũng đi sớm về khuya, đội mưa đội nắng, vẫn những cái móc, cái cào bằng sắt, vài đôi bao tay thủng cùng với những ngón tay ngày càng bợt bạt, lỗ chỗ thâm đen vì “nước ăn”. Cũng ngày ngày cúi mặt, ráng mở to con mắt dưới cái nắng lấp lóa, mồ hôi nhỏ đắng con ngươi hoặc mưa đổ xòa xuống đầu, rét đến run cả xương sống... để nhận ra đâu là đồ có thể tái chế lẫn giữa những thức ăn thừa, hôi thiu.
 
Rồi có khi móc lên gặp chân, tay, một phần thân thể, da thịt nào đó của con người đã bị hoại tử... sau phẫu thuật của các trung tâm y tế dồn về khi thành phố còn chưa xây dựng lò đốt chất thải y tế! “Chớ nghề ni thì trang bị cái chi ngoài đôi bàn tay với con mắt? Tui theo nghề nhặt rác từ hồi 18 tuổi, tròn 25 năm bám nghề rồi, chẳng thấy hơn chi, chỉ được có đồng ra đồng vô cho cả nhà ăn uống, mấy đứa nhỏ học hành, rứa là bám theo mà làm thôi.
 
Biết là cực khổ, bệnh tật, nhưng cũng cắn răng mà làm, vì buông ra thì không biết làm chi. Mấy người hàng xóm tò mò hỏi làm nghề gì, mình nói buôn ve chai cho sang. Quen rồi!”- Chị Nguyễn Thị D., sinh năm 1965, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê than. Khi chúng tôi hỏi, sắp tới thành phố sẽ đóng cửa không cho người vô nhặt rác nữa thì chị nghĩ sao, chị nói: “Thì tìm việc chi đó mà làm, kiếm miếng ăn”. Trong ánh mắt của chị không một chút mảy may tiếc nuối khi phải buông tay với nghề mà mình bám suốt hơn 25 năm trời.

Đóng cửa, khổ ai?

Quán của chị H. ruồi bu kín, xập xệ, phục vụ bữa ăn cho người nhặt rác.

 

Không có được cái cảm giác thư thái như bà L., chị D. khi đón nhận thông tin phải đóng cửa bãi rác Khánh Sơn đối với người nhặt rác, những người có phận sự liên quan, từ Công ty Môi trường đô thị cho đến cán bộ chính quyền của phường Hòa Khánh Nam cũng như quận Liên Chiểu như “đạp phải lửa” lúc chúng tôi đề cập đến câu chuyện này.
 
Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam Phan Châu Tuấn bày ra một tập danh sách dày cộp về 412 người hoạt động trên bãi rác Khánh Sơn, cả những người không chuyên và chuyên nghiệp, được phân loại cụ thể theo độ tuổi, giới tính, nơi cư trú, hoàn cảnh gia đình cũng như “thâm niên” nghề nhặt rác... nhằm hoàn thiện Đề án chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ cho người thu nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn mà UBND quận Liên Chiểu làm chủ đề tài.
 
Đây là công trình có sự phối hợp giữa các ngành của quận và chính quyền phường trong một thời gian dài khảo sát, đánh giá và mới được xem là tạm hoàn thiện. Anh giải thích mấy từ “tạm hoàn thiện”: Khi nghe lãnh đạo nói đến việc khảo sát, thì nhiều người muốn “xông” vào trong danh sách để được hưởng chính sách. Họ rỉ tai nhanh lắm, nên còn phải khảo sát, phân tích, rà soát lại nhiều lần để có thể hoàn chỉnh được, bảo đảm khi có chính sách hỗ trợ thì phải đúng đối tượng, tránh nhầm lẫn và sai sót chừng nào tốt chừng đó.

Vắt chân lên cổ chạy theo cho kịp tiến độ mà UBND thành phố giao là đến cuối năm 2008 phải hoàn thiện các phương án đóng cửa đối với người nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn, nhưng quận không làm nổi. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu khi đó là Nguyễn Xuân Anh phải đích thân thảo công văn gửi lãnh đạo thành phố xin khất đến cuối tháng 6 năm nay mới có thể hoàn thiện đề án.

Khất lại, nhưng không vì thế mà làm cầm chừng. Chính vì vậy, trong những ngày này, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng - người được giao trực tiếp phụ trách đề án này lo ngay ngáy. Lo kịp tiến độ, nhưng cũng phải bảo đảm các yếu tố cần thiết để khi đề án được phê duyệt, thông qua và triển khai thực hiện thì không phải đối phó với vấn đề phát sinh lớn nào khác mà không dự lường được.
 
Như trước đây, khi một số tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước, bằng trách nhiệm xã hội và lòng hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ như tặng quà, cấp gạo, mở lớp học tình thương... cho những người nhặt rác, thì vì ngộ nhận, số lượng người đến thu nhặt rác bỗng nhiên tăng đột biến, nhất là từ năm 2000 đến nay, đã vô tình gây ra khó khăn cho việc đóng cửa dứt điểm bãi rác.

Thế nên, theo vị Phó Chủ tịch này, quan điểm của quận và thành phố luôn xem đây là thực hiện một chủ trương lớn, “là nhiệm vụ lớn mà các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm, lo lắng về cuộc sống của những người thu nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn” như cái cách mà đề án thể hiện. Vì vậy, để lo cho hơn 400 con người ở đây, các cán bộ tham gia khảo sát rất thận trọng trong việc lập đề án, xây dựng các phương án cụ thể và chi tiết, phù hợp với từng loại đối tượng.
 
Từ cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người trong độ tuổi lao động, hướng dẫn làm ăn và chuyển giao kỹ thuật, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 16 tuổi; phân công trách nhiệm chi tiết cho các cấp, các ngành, đoàn thể. “Tuy nhiên, để làm được việc này thì không thể độc lập một ngành hoặc một địa phương có thể thực hiện, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ.

Bên cạnh đó, để giải quyết dứt điểm, chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan, đơn vị chấm dứt việc trợ giúp trẻ em Khánh Sơn mà không thông qua các dự án đưa trẻ em hòa nhập cộng đồng; cho phép quận Liên Chiểu thành lập ban dự án để tiếp nhận, quản lý và điều hành tiếp tục các dự án đã nhận tài trợ theo mục tiêu dự án này.”- Ông Đàm Quang Hưng bày tỏ.

Mặc dù đã rất thận trọng đến từng chi tiết như thế, nhưng khi chúng tôi hỏi “Ông sợ nhất điều gì khi triển khai đề án này”, vị Phó Chủ tịch này vẫn trăn trở: Điều sợ nhất vẫn là có những kẻ lợi dụng chủ trương lớn này! Lợi dụng trong việc chen bừa vào danh sách thì có thể sàng lọc được. Nhưng lợi dụng chính sách này để “làm khó” chính quyền trong khi việc thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị ở khu vực Hòa Khánh Nam vẫn còn trong giai đoạn nhạy cảm, là rất phức tạp.

Giống như trước đây, vào tháng 12-2008, một số đối tượng huy động nhiều người dân đồng loạt chặn xe chở rác đi qua đường Hoàng Văn Thái vì cho rằng, có nhiều xe chở rác thải y tế, rác thải nguy hại vào đổ trong bãi rác Khánh Sơn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, trong số đó có nhiều đối tượng lợi dụng hành động này để “ra điều kiện” với chính quyền trong việc áp giá đền bù, giải tỏa, tái định cư trên tuyến đường này.
 
Rồi trong câu chuyện của mình, ông Võ Sanh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và xây lắp công trình (Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng) đơn vị trực tiếp quản lý bãi rác Khánh Sơn cho biết, khi ông lên nhận chức và đưa ra đề nghị đóng cửa không cho người dân vào thu nhặt rác, nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho bãi rác cũng như sức khỏe của người dân, một số “đầu nậu” chuyên thu mua phế liệu đã không ngừng tung ra các chiêu bài độc nhằm tạo sức ép cho lãnh đạo cơ quan “cách chức và tống cổ” ông về! May mắn là lãnh đạo đã tỉnh táo xem xét tường tận sự việc và hiểu được, nếu không thì ông đã “ra đi”! “Mình lo cho dân, nhưng một bộ phận không hiểu, lại bị đối tượng xấu lợi dụng kích động, làm cho chính sách bị nhìn nhận sai lệch và không được thực hiện đến tận cùng. Đó là điều chúng tôi khổ nhất!”- Ông Đàm Quang Hưng tâm sự. Vì thế, theo ông cần phải chọn một thời điểm thích hợp để triển khai thực hiện đề án này.

“Theo tôi, trước mùa mưa năm nay là tốt nhất!” - Ông Hưng nhấn mạnh.

Phóng sự của NGUYỄN THÀNH-HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.