Diễn ra âm thầm, không để lại những chấn động thật rõ rệt khiến ít người để ý nhưng chỉ mới vài chục năm, nền tảng gia đình của người Việt đã thay đổi ghê gớm. Ảnh hưởng của quan niệm phương Tây, cá nhân mới là tế bào của xã hội, gia đình không được che khuất cá nhân; nếp sống công nghiệp và lối sống xã hội hóa khiến con người sống chủ yếu ở ngoài gia đình; hoạt động kinh tế và thu nhập làm thay đổi vị thế của các thành viên; ý thức về tự do, dân chủ phong kiến đang phai nhạt dần… đã khiến hàng vạn gia đình tan vỡ hoặc bị chia nhỏ ra, bị mất dần cấu trúc và quan niệm truyền thống.
Hầu như không còn nữa những gia đình bốn thế hệ trở lên cùng tự nguyện chung sống. Không còn nữa những tôn ti, trật tự từng tồn tại từ xa xưa trong cư xử, sinh hoạt hằng ngày cũng như những quyết định lớn của đời người như làm nhà, chọn nghề nghiệp, hôn nhân, sinh lão, bệnh, tử. Không còn thường xuyên nữa những bữa cơm sum họp ấm cúng mỗi ngày, ngày rằm mùng một mỗi tháng, nồi bánh chưng ngày Tết đoàn tụ mỗi năm. Gia đình ở thành thị ngày nay hầu như chỉ còn giữ được lớp vỏ hình thức truyền thống, phần tinh chất từ lâu đã biến dạng. Gia đình ở nông thôn ít biến động hơn nhưng cũng không còn nguyên vẹn.
Không thể nói tất cả những biến đổi đó đều đáng tiếc, đều đáng báo động. Xã hội nào, đời sống kinh tế nào có gia đình ấy. Không ít những thay đổi trong gia đình Việt Nam hôm nay là một thành quả lớn, chẳng hạn quyền tự do cá nhân được tôn trọng hơn; con người không khép kín trong gia đình mà đã “mở ra” với xã hội, gần gũi với cộng đồng; sự phát triển đa dạng, phong phú của tính cách được đề cao. Chỉ lấy đôi thí dụ, những thành ngữ tưởng chừng bất biến “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, v.v… không còn đúng nữa. Đó là tiến bộ xã hội, là thắng lợi của nhân quyền. Biết bao bi kịch như trong tiểu thuyết thời “Tự lực văn đoàn” đã không còn xảy ra nhờ những thay đổi đó.
Nhưng cũng đã đến lúc cần đặt ra câu hỏi gia đình Việt Nam sẽ đi về đâu, sẽ còn gìn giữ được những tinh hoa truyền thống không nếu nó kéo dài sự biến đổi dữ dội không định hướng như hiện nay? Gia đình Việt Nam sẽ chống đỡ như thế nào trước sự công phá của nhiều luồng ý thức, nhất là cá nhân luận, của ti-vi, của Internet, của đồng tiền? Liệu có còn chăng một mô hình gia đình Việt Nam không lẫn lộn được với các mô hình gia đình của Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp? Theo những thống kê xã hội học, tội phạm trong gia đình, tình trạng bạo hành trong gia đình, những bi kịch trong gia đình đang tăng lên tỷ lệ thuận với sự tan vỡ của mô hình gia đình truyền thống. Trong vô số những điều đau lòng đó, hầu như đều có sự dính dấp của đồng tiền, của bạo lực, của phụ bạc.
Không thể bảo thủ một mẫu gia đình bất biến trong khi điều kiện xã hội đã thay đổi. Bối cảnh hòa bình, no đủ, phát triển đòi hỏi những gia đình kiểu mới tương ứng. Nhưng để có những gia đình không đánh mất những tinh hoa truyền thống nhưng đáp ứng được những yêu cầu đương đại, không thể để mặc nó tự vận động. Văn hóa luôn cần cả sự tự vận động lẫn cả sự định hướng, chèo lái, không há miệng chờ sung.
Phạm Vũ