Có câu danh ngôn đại ý: Tình yêu là một giấc mơ dài ngọt ngào và hôn nhân là chiếc đồng hồ báo thức. Nếu hai người cứ giữ mãi giấc mơ và sợ chiếc đồng hồ báo thức thì sẽ khó có một kết cục đẹp, mà nên dung hòa cả hai, để chuyện tình yêu hay hôn nhân vẫn có đủ yếu tố lãng mạn và hiện thực nhằm tạo một gia đình bền vững. Và sau thời kỳ trăng mật, mỗi người phải hòa nhập và thích ứng với người bạn đời, đây được xem là “ngưỡng” của mỗi gia đình trẻ.
Qua “ngưỡng”
Nuôi dưỡng tình yêu trong 5 năm đầu sau khi kết hôn để duy trì nó trong suốt cuộc hôn nhân là mục đích của các gia đình. (Ảnh minh họa) |
Có thể giai đoạn hai người yêu nhau, chưa đi đến kết hôn, thì tình yêu toàn màu hồng với những buổi hẹn hò lãng mạn, nói những lời “có cánh” làm đẹp lòng nhau, nhiều tính xấu không bị người yêu phát hiện ra hoặc được bỏ qua. Nhưng sau đám cưới, về ở chung với nhau, những thói quen trong cách sống, những lời nói ít còn được hai người giữ ý tứ... có thể là vấn đề phát sinh mâu thuẫn.
Nhiều chuyên gia tâm lý, luật sư cho rằng giai đoạn 5 năm đầu sau khi kết hôn được xem là thời kỳ thử thách của các cặp vợ chồng trẻ, để họ có thể hòa hợp và sống với nhau trọn đời; hay có thể nảy sinh mâu thuẫn mà nếu không giải quyết dứt điểm sẽ là “cái nhọt” âm ỉ khiến người vợ hoặc chồng không thỏa mãn trong suốt nhiều năm chung sống.
Nhiều người chúng tôi đã tiếp xúc khi thực hiện bài viết này cho rằng: sau khi đã về chung sống với nhau, hai người nên nói rõ quan điểm sống; tuân thủ những nguyên tắc trong hành xử như không được nói “mày, tao”, không đưa chuyện của nhau hoặc của hai bên gia đình ra bêu rếu...; công việc trong gia đình phải do cả hai cùng thực hiện; vấn đề tài chính cần rành mạch; cần quan tâm đến nhau nhiều hơn... Khi cả hai người có những thỏa thuận như thế, mọi vấn đề có thể gây mâu thuẫn do “cái Tôi” của mỗi người quá lớn sẽ được kiềm chế. Và theo chị H.P, một cán bộ Hội Phụ nữ thì ngay từ đầu, mỗi người nên nói mình thích hay không thích điều gì để chồng (vợ) điều chỉnh hành vi cũng như lời nói.
Một chuyên viên tư vấn tâm lý ở Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn - Hội LHPN Đà Nẵng cho rằng, một vài chị em phụ nữ đến trung tâm hỏi về thủ tục kết hôn..., nhưng chưa có ai hỏi các chị xem cuộc sống sau khi kết hôn như thế nào và có những vấn đề tâm lý, pháp lý nào có liên quan đến cuộc sống gia đình. Thường là sau khi hết hôn người ta mới tìm hiểu, thích ứng để hòa nhập.
Nếu ngỡ ngàng vì hành vi của bạn đời, có người thích ứng, có người không thể thích ứng và khi “cơm không lành, canh không ngọt”, các chị đến xin tư vấn (nhiều vấn đề như để được chia sẻ, bạo hành gia đình, hoặc thủ tục ly hôn như nuôi con, trách nhiệm...) mới vỡ lẽ ra là mọi vấn đề đều có nguyên tắc hành xử của nó, mà do không hiểu biết các gia đình đã bỏ qua.
5 năm sau khi kết hôn được xem là cái “ngưỡng” của mỗi gia đình trẻ. Vui vẻ đó rồi giận hờn đó, nếu đặt tình yêu và trách nhiệm đối với nhau lên trước hết, mỗi người sẽ tự điều chỉnh được hành động và lời nói của mình, để hai người thực sự hòa hợp xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Yếu tố văn hóa trong gia đình
Theo Luật gia Nguyễn Thuận, các nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á đều quy định (không ràng buộc) trước khi kết hôn vợ/chồng phải trình giấy chứng nhận đã qua các lớp học Tiền hôn nhân. Các lớp học này nên triển khai ở Việt Nam và cần được xã hội đồng tình vì nó ảnh hưởng đến tương lai mỗi gia đình. |
|
Từ đó các gia đình trẻ gặp phải hai vấn đề nổi cộm: hai người chia sẻ, thông cảm với nhau nhiều hơn; nhưng do kinh nghiệm ít và chưa nghĩ sâu về truyền thống gia đình Việt là sự nhường nhịn lẫn nhau nên dễ phát sinh mâu thuẫn. Các gia đình trẻ cũng dễ ảnh hưởng bởi tính hiện đại, tự do hôn nhân của phương Tây. Khi gặp chuyện gì, họ dễ so sánh, dễ “vỡ òa” bởi những chuyện nhỏ nhặt vì một lý do đơn giản nào đó. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng phụ nữ đứng đơn xin ly hôn cũng tăng lên, mà theo Luật gia Nguyễn Thuận là con số này vào khoảng 60%.
Và con số gia đình nộp đơn xin ly hôn cũng tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2001 có 296 vụ án hôn nhân gia đình (HNGĐ), trong vòng 5 năm sau có 1.980 vụ (án phúc thẩm). Từ đầu tháng 10-2007 đến hết tháng 12-2008 có đến 2.250 vụ án HNGĐ (án sơ thẩm) của tất cả các quận, huyện trong thành phố. Tính trong 3 tháng đầu năm 2009 cũng đã có đến 538 vụ (án sơ thẩm, cấp quận, huyện).
Trong những con số lạnh lùng đó, các vụ án có vợ (chồng) từ 18-30 tuổi chiếm số lượng khá cao. Với án HNGĐ sơ thẩm cấp quận, huyện trong 3 tháng cuối năm 2007 có 369 vụ thì có đến 200 vụ có vợ (chồng) trong lứa tuổi trên; 3 tháng cuối năm 2008 có 460 vụ thì 99 vụ có vợ (chồng) từ 18-30 tuổi...
Như vậy những vụ án HNGĐ trong những gia đình trẻ chiếm tỷ lệ khá cao. Phải chăng khi người ta trẻ, lập gia đình khi tìm hiểu không kỹ thì nảy sinh mâu thuẫn rất khó giải quyết? Theo Luật gia Nguyễn Thuận, ngoài thời gian gặp nhau ở nhà, mỗi cá nhân vợ (chồng) còn phải học hành, ở cơ quan, bạn bè... thời gian bị chi phối nhiều trong khi nó là một chất keo dính kết, nên mỗi người tự ý thức để lấp khoảng trống, chia sẻ với nhau nhiều hơn; nếu không đây là lý do làm hai người không hiểu nhau. Và các lớp học tiền hôn nhân với tờ giấy chứng nhận nếu muốn kết hôn có lẽ là điều mà cả xã hội cần nghĩ đến, để tạo bản lề hành vi cho những ai muốn bước vào đời sống gia đình.
Hiền Lương