Căn nhà rộng chưa tới 25m2 nằm ngay mặt tiền đường Tôn Đức Thắng ở ngã ba Hòa Minh là một quán sửa xe. Mấy chục năm rồi, ở đó có một người đàn bà tên là Châu ngày ngày phụ với cậu con trai vá xe đạp. Yêu con với cả tấm lòng từ mẫu, thế nhưng, đã một thời, bà tưởng đời mình thế là hết…
Trái tim người mẹ
Cháu nội lên lớp 4, bà Châu mong rằng không như ba nó, nó sẽ được học hành tới nơi tới chốn. |
Trong gần chục năm trời, nó lêu lổng cùng đám bạn, ngày càng hung hăng, bướng bỉnh, quanh đó nghe tiếng “cu Dung” là ai cũng lắc đầu. Mấy lần bị đưa ra phường kiểm điểm, xử lý hành chính, nó hứa hẹn thế này, thế kia, nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, bà đành phải nghe lời mấy anh công an phường, mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng bấm bụng để nó đi cải tạo một thời gian.
Gọi là “cu Dung”, nhưng năm đó nó đã 21 tuổi, lên xe cùng với 37 đối tượng “cứng đầu” khác ở Quảng Nam-Đà Nẵng đi Cam Lộ. Bà cùng vợ nó với đứa cháu nội chưa tới tuổi thôi nôi ra tiễn nó, nước mắt cứ chực trào nhưng bà phải gắng làm vui. Quay về trong tâm trạng hụt hẫng, căn bệnh động kinh bỗng nặng thêm, cái đầu bà giật giật, lắc lắc liên hồi. Vợ nó đi Cam Lộ thăm nó một hai lần rồi bỏ đi biền biệt, để lại đứa con cho bà. Mắt bà nhòe đi, tay bà yếu hẳn, cái quán nhỏ ngày càng vắng khách. Bà ngày trước hát ru nó ngủ, giờ ru con nó, nước mắt ướt đẫm lời ru, tấm lòng người mẹ và người bà đâu có khác chi.
Hai mươi tháng sau, nó về. Bà nửa mừng nửa lo. Nghe nói ở tù ra lắm kẻ ngựa quen đường cũ. Lạy trời, con bà không thế...
Học thức yếu, cái đầu mạnh
Tương lai con cái, hạnh phúc gia đình là động lực giúp anh Võ Tấn Dũng vượt qua chính mình. |
|
Nằm trong bốn bức tường của trại cải tạo, Dũng nghĩ đến mẹ, đến con, đến cái gia đình nhỏ bé của mình và cảm thấy hối hận. Mỗi lần thấy mẹ lặn lội ra thăm mình với cái đầu giật giật, lắc lắc, anh thương mẹ vô cùng. Mẹ gầy xọm, già đi quá nhanh so với tuổi. Anh thấy mình đi thế mà hay, biết nhận ra cái sai để sửa. Anh chú tâm vào lao động, học tập, được cho về đoàn tụ với gia đình trước thời hạn 4 tháng. Anh gặp lại mẹ, câu nói đầu tiên là “Mẹ yên tâm, con không làm cho mẹ buồn nữa đâu”.
Đi 38 người, về chỉ mỗi anh là nên nhất. “Đi tù về, không giữ là hư – Dũng bộc bạch. Có mấy đứa bạn tù rủ rê bỏ cái nghề ế òm này, đi buôn thuốc lắc, đi giật. Nhưng em từ chối khéo hết. Cuối cùng, mấy đứa đó “dính” hết, thằng ở Hòa Khánh Nam bị 8 năm, thằng ở Sơn Trà bị 5 năm. Em thì học thức yếu, nhưng có cái đầu mạnh, có nghị lực, nghĩ đến mẹ, đến con”. Kinh nghiệm của Dũng là từ chối khéo các khoản tiền “trên trời rơi xuống” từ bạn bè: Nó đưa năm ba trăm biểu mình cầm tiêu, mình mà nhận thì bữa sau có chuyện chi, nó gọi mình thì phải làm, dần dần sẽ lún sâu vô vũng bùn.
Tiếng gọi từ gia đình
Tận tụy với công việc ở bến xe là một trong những cách mà anh Võ Văn Cung (trái) “làm mới” mình trong ánh mắt mọi người. |
“Đất lành chim đậu”, câu nói này đúng trong trường hợp của Cung. Ngày đi làm bảo vệ dưới Bến xe Trung tâm, đêm cùng anh em dân phòng đi quanh khu vực. Tham gia sinh hoạt địa phương, xem Hội làng Hòa Mỹ như làng quê của mình, anh được mọi người tin tưởng, giúp đỡ, sẻ chia mọi buồn vui trong cuộc sống. “Một thời hành vi lệch lạc, chừ phải điều chỉnh. Có tuổi rồi (năm nay Cung 40 tuổi), phải lo cho mái ấm gia đình. Cũng mừng là con cái học giỏi có giấy khen của trường, về tổ dân phố khen tiếp” – anh tâm sự.
Người ta bảo cha mẹ nào thì con cái đó. Cha mẹ làm phúc để đức cho con. Trong suy nghĩ của những người một thời lầm lỡ như Dũng, như Cung, phấn đấu vô lực lượng dân phòng là tìm cơ hội để “viết” lại cuộc đời mình. Mình làm sao cho phai cái tiếng “thằng tù” với con cái, chứ lớ quớ đi tù lại thì mang tiếng xấu suốt đời – anh Dũng chắc bắp. Anh vừa có với người vợ sau một đứa con trai gần hai tuổi. Lúc mới quen, làm sao tránh được sự dị nghị, nhất là bên vợ: “Mi hết chỗ quen rồi hay răng mà quen cái thằng tù tội, có con riêng?!”. Nhưng rồi, mọi người đã có cái nhìn khác đi khi thấy con rể được lên ti-vi trong phóng sự “Mái ấm gia đình”, hiểu được sự đỡ nâng, giáo dục của chính quyền địa phương, nhất là Công an phường, của lễ hội đình làng đối với đứa con một thời lầm lạc.
Nước mắt của mẹ “cu Dung”, “cu Nậy” đã từng đổ xuống vì con. Đến lượt mình, một khi đã nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “Gia đình”, các anh nguyện sẽ không để cho nước mắt mình đổ xuống vì những cảm xúc mà các anh đã gây ra cho mẹ ngày trước. Đứa lớn con “cu Dung” năm nay lên lớp 4, con “cu Nậy” lên lớp 12. Người làm cha luôn mong tương lai con trẻ đừng bao giờ bị vẩn đục bởi quá khứ của đời mình.
VĂN THÀNH LÊ