.

Bốc vác chợ đêm

.

Cảng cá Thọ Quang và chợ Đầu mối Hòa Cường là hai tụ điểm nhập hàng với số lượng lớn, xuất hàng với thời gian nhanh. Ở đó có những mảnh đời vai mòn, gối mỏi với hai tròng mắt gật gà vì đói ngủ, nhưng vẫn lấy đêm làm ngày, bám trụ mưu sinh.

Thợ đụng, không vác thì thồ

 

Hai giờ sáng, cảng cá Thọ Quang người nêm chật kín, lách mình va đụng chẳng ai thèm bắt lỗi. Ông đứng bà ngồi, anh qua chị lại cùng rổ rá, chậu thùng đựng đầy cá, mực. Mặt đường lép nhép những bước chân đi ủng, giữa chập chờn tối sáng. Ở đây hải sản mới là mối quan tâm hàng đầu.

- Tìm ai?

- Tìm người bốc vác - Tôi ngần ngừ trả lời.

- Đây! Bốc vác đây! Cần mấy người?

- Giỡn à? Đi xe ôm sao bốc vác? Tui tìm là tìm người xuống thuyền vác đá, bê cá thì lên bờ ấy.

Người đàn ông mặc áo lính bạc sờn, vẫn ngồi yên trên xe máy “lên giọng” giải thích:

- Cá lên bờ hết rồi, thợ bốc vác hết việc thì lên bờ chạy xe ôm, hết ôm lại xuống thuyền vác cá, đến xi-măng xây cầu Thuận Phước bọn này cũng vác, ai thuê vác thì vác, ai cần thồ thì thồ, thợ đụng, đụng đâu làm đó. Kiếm ăn bây giờ mà chỉ ngồi đợi cá để vác thì chỉ có đói.

Biết ý định tìm đối tượng để viết bài của tôi, anh Võ Kỷ (*) thuộc tổ tự quản của phường Thọ Quang cùng mấy người bạn kéo tôi vào quán cà-phê cóc. Họ nói: Viết chuyện bốc vác làm chi, ai chẳng biết chui xuống hầm cá thì mùi cá thành mùi người, nhất là chui phải hầm “cá heo” mà không ướp đá. Còn vác cá lên bờ với những bi lớn hàng tạ thì phải ba bốn người mới giật lên nổi. Vác nặng chạy bập bênh trên cầu ván, té lộn xuống nước là chuyện thường tình. Vác cá cả đêm được trả trăm ngàn, té gãy chân lại mua hết năm trăm ngàn tiền thuốc, khác chi “ăn cám trả vàng”, đó là chưa kể nếu bốc hàng chậm hay trao nhầm hàng còn bị chửi cho vuốt mặt không kịp, bởi thế, vừa vác cá vừa thồ người mới tạm đủ sống.

Anh Kỷ từng là lính của Trung đoàn 83 đóng ở Đắk Lắk, ra quân từ năm 1986, anh theo thuyền đi biển hơn chục năm, nay sức khỏe yếu nên vừa đi thồ vừa tham gia bốc vác ở cảng. Bạn cùng tổ với anh Kỷ là anh Lê Cừ, 42 tuổi, nhà ở Mân Quang, vợ giữ xe, chồng thồ hàng kiêm nghề bốc vác nuôi đến bốn đứa con ăn học. Cũng may, đứa con trai đầu đã đến tuổi tham gia lực lượng dân quân của phường nên cũng giúp đỡ vợ chồng anh được một phần nào.

Mờ sáng, những chiếc xe máy chất đầy những thùng hàng lần lượt lao ra cổng, lối xuống cầu tàu vẫn nườm nượp dòng người mua bán, những tiếng ê... a phát ra từ miệng các chủ hàng để xin đường cho xe vận chuyển cá có lối đi. Tiếng máy xay đá bên vệ đường rít lên từng hồi. Ở một điểm đang cân cá, vừa nâng máy ảnh lên để chụp thì có tiếng nói đùa, chất giọng xứ Nghệ đậm đặc:

Thợ bốc vác thức đêm chờ hàng về ở chợ Đầu mối Hòa Cường.

 

- Này! “Chụp cá” là nỏ được mô.

- Tui chụp người chứ không “chụp cá”, mà bộ ở đây có nhiều đối tượng “chụp giựt” lắm à?

- Không “giựt” nhưng sểnh con nào họ “chụp giùm” con nấy liền.

Anh chàng vừa cân cá, vừa nói đùa đó là Trần Văn Đạm, 31 tuổi, quê ở Can Lộc - Hà Tĩnh, vào Đà Nẵng đã lâu. Vợ anh đang nuôi con nhỏ, một mình bốc vác ở cảng và đang dành dụm để tìm mua một căn hộ chung cư ở Đà Nẵng. Theo anh, công việc có cực khổ nhưng rồi làm thường xuyên cũng quen, kiếm sống ở cảng dẫu sao vẫn dễ hơn tìm việc làm ở nơi khác.

Anh Nguyễn Đình Hương, 28 tuổi, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam thì cho biết: Tổ của bọn em toàn người xa xứ, bà chủ gom lại, thuê nhà trọ cho ở, nấu cơm hằng ngày cho ăn rồi ký hợp đồng bốc vác và phân công việc làm cho từng người, đến cuối tháng cứ tùy ngày công mà trả tiền, mỗi tháng gặp nhiều hàng cũng kiếm được từ 3-4 triệu đồng. Có những người lang thang cơ nhỡ, bà chủ đều gom lại đón về tìm việc cho làm, nếu không đủ sức hoặc không quen công việc thì cho ít tiền để đi xe về quê tìm việc khác. Hiện nay cả tổ có 18 người, thuê nhà trọ ở gần khách sạn Vũng Thùng, bà chủ có thương hiệu hẳn hoi, hợp đồng làm ăn khá bài bản. Cánh thợ bọn em sau khi bốc vác trở về thì lăn ra ngủ cho lại sức.

Gần trưa, cảng cá tương đối vắng, từ trên bờ cao, nơi sản xuất nước đá có một đường máng chạy dài xuống mạn thuyền. Những cây đá được đẩy lao xuống thuyền. Những người thợ vác đá cho vào máy xay, chuyển xuống hầm tàu để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi kế tiếp. Lúc này, thợ bốc vác có người đã về nhà trọ nghỉ, có người vào quán cơm bình dân với đôi mắt đỏ hoe vì thức đêm, có người gục đầu trên chiếc xe máy chợp mắt, khi chưa có người khách nào lên tiếng gọi “ôm”.

Vác ở chợ, ngủ ở đình

Giấc ngủ ngon giữa chợ sau ca làm đêm.

Ngáp vặt bên ly cà-phê để chờ xe hàng vào bãi là chuyện thường ngày của thợ bốc vác ở chợ Đầu mối Hòa Cường. Cao điểm của chợ vẫn là hai, ba giờ sáng, còn trước đó, khu chợ như hoàn toàn thinh lặng. Có lẽ thức đêm nhiều nên hết chuyện để nói, hay đúng hơn là vì buồn ngủ nên thợ bốc vác cũng không buồn nói chuyện.

Lúc xe hàng nối đuôi vào bãi đậu, chợ Đầu mối như được đánh thức. Người ở chợ dồn về đông đúc. Những chiếc xe đẩy của thợ bốc vác bám quanh thùng đựng hàng ở cuối đuôi xe như bầy chim cánh cụt.

Cụt một tay nhưng người đàn ông thấp đậm, có nét phong sương vẫn đẩy hàng vào chợ một cách lão luyện.

- Chụp cho ông này một pô, lên báo ăn ảnh phải biết, đá đè không chết, chỉ mới mất một cánh tay.

Đám thợ trẻ lao nhao chỉ vào người đàn ông cụt tay, châm chọc:

- Đổng Né đó!

- Sao lại gọi là Đổng Né?

- Thì ổng tên là Đổng, đẩy hàng một chặp rồi tìm chỗ né nên gọi là Đổng Né.

Không biết nhà Đổng Né ở đằng nào nhưng nghe nói trước đây từng làm công nhân ở mỏ đá, sau khi bị tai nạn cụt mất một tay mới quay về làm nghề bốc vác ở chợ. Bốc hàng không được, vác hàng cũng không, nhưng đẩy xe thì không thua kém một ai, đông người như thế mà lượn qua lượn lại, tới lui cũng không hề va quệt.

Vòng ra phía sau chợ bắt chuyện với một người thợ đang còng lưng đẩy một lô hàng nặng:

- Đẩy hàng quần quật cả đêm, về nhà có làm thêm việc gì nữa không?

Nghe tôi hỏi, người đàn ông lầm lì ít nói, có thân hình lực điền, vận quần cộc, cánh tay tròn vâm như bắp chuối, trên đó vằn vện những hình xăm, vừa đẩy hàng, anh vừa đùa:

- Ai ngủ dùm cho mà làm, to xác thế này mà vợ nó còn chê...

Anh rất dễ gần, nhưng không thể nói chuyện trong khi anh đang làm việc nên phải mất hai đêm lầm lũi ở chợ mới làm quen và được biết đôi nét về anh. Đó là Trần Dưỡng, 48 tuổi, nhà ở đường Hoàng Diệu, một mình làm nghề bốc vác ở chợ để nuôi hai đứa con. Anh tâm sự: Nghề này cũng bấp bênh lắm, khi có hàng kiếm ngày dăm chục, khi ít hàng lại không đủ tiền để đổ xăng. Thợ bốc vác làm ngày nào xào ngày đó. Nhưng dù sao ở đây vẫn còn có tổ chức chặt chẽ của nghiệp đoàn bốc vác mà trực tiếp là Ban quản lý chợ điều hành, chứ không như ở đội la-ghim (đội bốc vác rau quả) ở trước chợ thì phức tạp lắm.

Cảng cá Thọ Quang lúc cao điểm.

 

Người ta thường nói “thức lâu mới biết đêm dài”, còn thức đêm ở chợ Đầu mối Hòa Cường một loáng đã thấy sáng bạch. Hàng trăm tấn rau quả, mới chất đầy trên các thùng xe, loáng cái đã vào hết trong chợ, phân chia một lúc, loáng cái đã lên hết xe máy, xe xích lô tỏa đi khắp nẻo. Khi không gian đã tỏ mặt người, những tấm lưng đã đẫm mồ hôi, thợ bốc vác cũng tỏa vào các hàng quán điểm tâm buổi sáng. Có người chui vào cái lều nát của đội dân phòng cơ động để ngả lưng, có người nằm luôn trên xe đẩy hàng đánh giấc ngủ say. Chiếc mũ trùm lên mặt che tia nắng sớm và hình như che luôn cả cảnh ồn ào, náo nhiệt đang diễn ra ở trong chợ.

* Thợ bốc vác ở cảng cá Thọ Quang và chợ Đầu mối Hòa Cường khá đông, nhưng rất khó gặp gỡ. Sau khi bốc dỡ hàng xong, họ tản mát đi về nhà ở, nhà trọ, thậm chí còn tiếp tục đi tìm nơi khác có việc để làm. Cơ động ở khắp nơi lại có hoàn cảnh khác nhau, độ tuổi khác nhau, ít bộc lộ cảnh ngộ nên có khi làm việc với nhau nhưng ít ai hiểu rõ về nhau. Có những người đã làm nhiều năm ở cảng cá Thuận Phước, ở các chợ trong thành phố như chợ Tam Giác, chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ Mới, nay về cảng mới, chợ mới họ đi theo bạn hàng nên quen người, quen việc.

Nhưng cũng không thiếu thợ mới, khách hàng mới nên nền nếp công việc cũng có nhiều xáo trộn. Chợ Đầu mối Hòa Cường và cảng cá Thọ Quang cũng như nhiều khu chợ khác trong thành phố luôn rất cần những người thợ lao động thủ công. Tạo điều kiện, giúp đỡ họ trong cuộc sống và chấp hành nghiêm pháp luật, cũng chính là xây dựng chợ và cảng của thành phố hòa nhập vào dòng chảy văn minh, hiện đại.

Phóng sự của LÊ GIA THỤY

--------------

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.

 

;
.
.
.
.
.