.

Cần cơ quan kiểm định “ra tay”

.

Tháng 5-2009, lần đầu tiên ngành y tế Đà Nẵng công bố 5 mẫu nước uống đóng chai không đạt chất lượng và tiếp tục kiểm định tất cả những mẫu nước uống đang lưu hành trên thị trường. Nhờ đó, người tiêu dùng mới có thể phân biệt được loại nước uống đạt chuẩn hay không đạt chuẩn. Và nhiều loại hàng hóa khác vẫn đang chờ cơ quan kiểm định “ra tay”, để phân biệt được hàng giả hay thật, có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng hay không.

Nguồn gốc là... không rõ nguồn gốc

Mặt hàng cà chua trên thị trường hiện xuất xứ ở hai nơi: Đà Lạt và Trung Quốc và rất khó phân biệt xuất xứ nếu người tiêu dùng không được người bán tiết lộ nguồn gốc.

Ước chừng, trên thị trường Đà Nẵng hiện có đến 50% loại trái cây, rau củ có xuất xứ từ Trung Quốc như lê, táo, lựu, xoài dài, nho đỏ, đào tiên, khoai tây, cà rốt, hành, tỏi...; một số trái cây như măng cụt, nhãn, sầu riêng nhập từ Thái Lan; nho đen, táo... nhập từ Mỹ, New Zealand, còn lại là hàng hóa từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trong khi các bà nội trợ sẵn sàng mua hàng xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ thì cũng sẵn sàng từ chối mua hai thứ trái cây là lê, táo của Trung Quốc vì cho rằng chúng “nguy hiểm”. Thông tin một số sản phẩm của Trung Quốc nhiễm hóa chất là có thật, và cơ quan kiểm tra ở nước này cũng như nhiều nước nhập hàng Trung Quốc đã phát hiện có hóa chất trong rau quả, đồ chơi trẻ em hay sữa...

Thị trường có hàng chục loại trái cây, rau củ xuất xứ từ Trung Quốc mà nếu không sử dụng, sẽ không có điều kiện lựa chọn do nhiều mặt hàng trong nước chỉ sản xuất theo mùa (như cà rốt Đà Lạt), trong khi hàng nhập lại có quanh năm, mẫu mã đẹp, thời gian sử dụng kéo dài, ít hỏng với nhiệt độ thường.

Người tiêu dùng nhiều năm trở lại đây luôn có sẵn tâm lý “nghi ngờ” có hóa chất bảo quản trong số hàng trái cây, rau củ từ Trung Quốc nhưng vẫn không hề có động thái “tẩy chay”, để các đầu mối nhập khẩu tiếp tục đưa hàng vào thị trường. Và nảy sinh một vấn đề mâu thuẫn là nhiều phòng xét nghiệm tính hóa lý đối với thực phẩm và hóa chất trên thực phẩm ở Việt Nam chưa có đủ thiết bị cần thiết để phân tích mẫu thử chính xác, mà nếu có động tác “tẩy chay” đối với hàng nhập chính ngạch thì ngành thương mại trong nước sẽ vi phạm các cam kết của WTO.

Nhưng xem ra rất nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc đều qua con đường tiểu ngạch, rất khó kiểm soát chất lượng trước khi được bày bán rộng rãi. Trong báo cáo của Bộ Y tế gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tháng 4-2009 ghi rõ: Điều đáng báo động nhất chính là tình trạng phần lớn các loại thực phẩm đem ra tiêu thụ không được kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc.
 
“Hiện mới chỉ kiểm soát được thực phẩm xuất, nhập khẩu theo đường chính ngạch, nhưng việc kiểm tra thực tế cũng chỉ đạt được đối với thực phẩm tập kết về địa bàn tỉnh. Nhiều nơi không kiểm tra được khi kho tập kết hàng quá xa. Vấn đề thực phẩm qua biên giới, thực phẩm nhập lậu chưa kiểm soát được còn khá phổ biến như rau quả, gia cầm, trứng, thủy sản, thịt và phủ tạng gia súc... Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày có trên 100 tấn hoa quả vào Việt Nam nhưng kiểm tra an toàn thực phẩm các loại hoa quả này hầu như không có”.

Chị Võ Thị Nguyệt, một tiểu thương chuyên hàng củ, quả ở chợ Đầu mối Hòa Cường còn chỉ cho chúng tôi xem những hộp giấy đựng cà rốt Trung Quốc nhưng trên bao bì đều ghi bằng tiếng Việt với dòng chữ “kiểm định chất lượng”. Chị nhấn mạnh rằng: “Hàng Việt Nam đều ghi rõ nơi xuất xứ, có địa chỉ, số điện thoại, địa điểm đóng gói rõ ràng cũng như thời hạn sử dụng. Nếu có thắc mắc về chất lượng sẽ có nơi để hỏi; chứ những mặt hàng mình biết nơi nhập về nhưng không có địa chỉ liên lạc thì không thể biết chất lượng. Thành ra người tiêu dùng có mua ăn hay không là quyền của họ”.

Người đi chợ nếu đến các chợ đầu mối hoặc mua hàng ở người quen, mới được người bán hàng tiết lộ nguồn gốc mặt hàng, còn nếu không khi bạn đặt câu hỏi “đây là rau (củ) ở đâu?” thì đều được khẳng định là hàng Đà Lạt. Do tâm lý chuộng hàng rau, củ Đà Lạt của người tiêu dùng và họ tạm thời yên tâm với chất lượng mặt hàng, tin tưởng hóa chất bảo quản hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau không có hoặc rất hạn chế. Trong khi Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung nhập không chỉ hàng rau của Đà Lạt, mà còn ở vùng An Khê (Gia Lai) hay sản vật của địa phương.

Đừng để “chờ được vạ thì má đã sưng”

Việc dán nhãn hàng hóa  là điều nên tính đến trong khi các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.

 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng cho rằng việc lấy mẫu hàng hóa ở chợ Đầu mối, các siêu thị để kiểm định chất lượng đều chọn có tính ngẫu nhiên, nhiều mẫu xét nghiệm thấy còn bào nang E.coli trên lá rau. Nhưng tất cả các loại rau, củ, quả không phải được trồng đại trà, chuyên canh, một số do người dân tự canh tác nên các ngành không thể kiểm soát được hết chất lượng. Việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau quả là trách nhiệm của Sở Nông nghiệp-PTNT.
 
Ngành nông nghiệp phải quản lý toàn khâu sản xuất, từ chọn giống, quy trình chăm bón (nguồn đất sạch, nông dân không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục), đến khâu thu hoạch và tiêu thụ. Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý về hóa chất. Nhưng hiện nay Nhà nước chưa có quy định cơ sở kinh doanh hóa chất phải kinh doanh riêng hóa chất dùng trong thực phẩm hay trong công nghiệp.

Đôi khi một cửa hàng kinh doanh cả hai loại và người Việt Nam bán cũng như mua hàng chưa quan tâm đến hóa đơn bán hàng, mục đích mua hàng nên không thể kiểm soát được mục đích của người mua hóa chất. Điều này dẫn đến việc người nông dân có tự ý mua hóa chất bảo quản ngoài danh mục cho phép về sử dụng hoặc sử dụng sai quy định hay không, cơ quan chức năng không kiểm soát hết được.

Nếu muốn kiểm tra thực phẩm, hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, Chi cục ATVSTP cần phải phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng khu vực 2. Nhưng phương tiện máy móc cũng như trình độ kiểm tra của phòng xét nghiệm địa phương chưa đáp ứng hết yêu cầu công việc.
 
Hiện Trung tâm Y tế dự phòng đang thực hiện kế hoạch xây dựng Labo đạt chuẩn ISO 17025. Sắp tới đây, Bộ Y tế có chủ trương mở một trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm-mỹ phẩm khu vực miền Trung đặt tại Đà Nẵng. Nhiều người cho rằng có cơ sở vật chất hiện đại mới mong phát hiện ra độc chất hay hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhưng thực ra việc kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay từ trước khi đưa ra thị trường mới quan trọng. Vì nếu người dân sử dụng, bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng, các cơ quan chức năng mới vội vàng tìm mẫu kiểm tra, thì đúng là “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi là một số trung tâm kiểm định an toàn thực phẩm xét nghiệm thấy có hóa chất tồn dư trên mẫu thử là rau quả, nhưng không thể phân tích đó là chất gì, ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định rằng quy trình xét nghiệm cần đến hóa chất thử mới biết là chất gì; nếu nhà sản xuất gian dối, sử dụng hóa chất bảo quản không có trong danh mục hoặc các loại hóa chất mới để đánh lừa cơ quan quản lý, thì không có loại máy móc nào theo kịp.

Ông ví von rằng đây là cuộc đấu tranh cam go, lâu dài giữa hai bên: bên lạm dụng hóa chất và bên kiểm tra Nhà nước. Sắp tới, khi Luật ATVSTP được xây dựng và thông qua, có một hành lang tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm mới mong quản lý được nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm...

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.