.

Đậu trắng, đậu đen

.

Tôi còn nhớ câu này, trong bộ phim Ký ức Hồng Kông của Trung Quốc: “Trong cuộc đời mỗi người, niềm vui và nỗi buồn bằng nhau. Chỉ có điều, con người ta thường chú ý đến nỗi buồn nhiều hơn, nên mới thấy niềm vui của mình ít ỏi”. Tôi nghe câu ấy năm mười lăm tuổi, khi đang thất tình lần đầu tiên, lúc biết tin chàng trai cùng lớp tôi hay gặp trong giấc mơ đã tình thương mến thương một cô bạn khác lớp. Bây giờ tôi hai lăm, đã thêm mấy lần thất… đủ thứ, không riêng chi tình. Mà câu nói ấy, vẫn không biết đúng hay sai.

 

Bắt chước người xưa, tôi lấy hai chiếc hộp để bỏ vào đó những hạt đậu đen - nỗi buồn, và những hạt đậu trắng - niềm vui. Khi bắt tay vào mới thấy việc lựa đậu không dễ chút nào. Một việc xảy ra, cứ ngỡ là phải bỏ đậu đen, nghĩ đi nghĩ lại, mới biết là đậu trắng. Lần đó, tôi té xe trầy xước tùm lum. Mẹ lại đi mua gà về cúng trời phật ông bà: Té vậy mà không bị sao là có người đỡ đó con!

Lần nhìn bảng điểm tốt nghiệp, đỗ thủ khoa hẳn hoi mà không thể xem đó là niềm vui được khi nhỏ bạn thân khóc nức nở vì thiếu nửa điểm, không phải vì học tệ mà bởi nhỏ ốm suốt cả mùa thi. Lại tần ngần trước đậu đen, đậu trắng.

Rồi, lần nhận lá thư tỏ tình thơm lựng của chàng sinh viên cùng lớp (mà lòng tôi thương mến từ lâu) khi vừa nghe đứa bạn ngồi cùng bàn, thỉnh thoảng ghé nhà trọ chở tôi đi học thổ lộ là nó thầm thương trộm nhớ người ta. Lần đó cũng không biết bỏ vào hộp hạt đậu nào.

Rồi những nỗi buồn bâng quơ khi chiều xuống, đêm về. Nỗi buồn tự dưng cồn dậy giữa lòng chẳng vì sao. Nỗi buồn khi gặp người bán vé số cứ nài nỉ mua giùm một vé, khi trong túi mình chẳng còn xu nào. Nỗi buồn khi người bán hủ tiếu mới cười với mình hôm qua, chiều nay bị công an bắt quả tang khi đang giao hàng trắng. Nỗi buồn khi ngày sinh nhật mẹ, lại quên mất.
 
Đến lúc nhớ ra, đã là ngày khác. Nỗi buồn khi nhìn đứa bé nhà hàng xóm, bốn tháng tuổi đã phải ở với bà nội cho mẹ vào Sài Gòn làm công nhân. Và bao nhiêu điều nhỏ nhoi khác nữa, cứ như chẳng liên quan gì đến mình, mà vẫn cứ phải là một hạt đậu đen giữa lòng.

Và những niềm vui. Khi lần đầu tiên nhìn thấy hoa sắn. Khi vô tình nghe một lời khen của ai đó dành cho mình. Khi giữa một lớp học đông đúc hơn ba trăm sinh viên, thầy giáo lại nhớ tên mình. Khi xe bị thủng lốp, dắt bộ giữa trưa nắng, tự dưng có người đưa xe cho mình đi, còn người đó dắt hộ xe cho mình. Khi một sáng thức giấc, mở cửa sổ, bắt gặp một tháp hoa bằng lăng tím từ… khuya. Khi nửa đêm, nhận được tin nhắn hỏi thăm của người bạn từ thời thơ ấu, bao năm rồi không gặp. Làm sao đếm hết những thoáng qua ấy để bỏ vào hộp những hạt đậu trắng?

Em trai mất, năm ấy tôi mười chín. Cả nhà đau đớn, tan hoang. Mới chợt hiểu ra, không có hạt đậu đen nào giống hạt đậu đen nào. Nỗi đau ấy, bao nhiêu đậu đen cho đủ. Đành đem đổ hết, không đậu đen, đậu trắng gì nữa. Và bắt đầu học cách tự lành trước mỗi nỗi đau. Học cả cách tìm thấy niềm an ủi trong từng điều không may. Chỉ có như vậy, mới bình an được mà đi tiếp.

Từ lần đầu tiên nghĩ về câu nói ấy đến giờ, đã hơn mười năm. Một khoảng thời gian đủ để biến đứa con gái nhạy cảm trước niềm vui, nỗi buồn là tôi thành một tôi trưởng thành, khôn lớn. Để có thể đem những trải nghiệm của mình ra mà khuyên răn kẻ khác. Để đủ an nhiên bước đi sau mất mát, đắng cay.

Mà vẫn không biết bằng cách nào để đo xem trong quãng đời đã qua, niềm vui và nỗi buồn liệu có bằng nhau. Bởi tôi chưa đủ đĩnh ngộ để phân biệt được đậu đen, đậu trắng? Mà thực ra, có ranh giới nào không, hay tùy góc nhìn của mỗi người?

Và phải không, người hạnh phúc nhất là người nhìn thấy nhiều hơn đậu trắng?

NGÔ THỊ THỤC TRANG

;
.
.
.
.
.