.

EWEC & bài toán phát triển du lịch nội khối

Tại phiên họp lần thứ 12 vào đầu năm nay, Bộ trưởng Du lịch (DL) các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí năm 2009 sẽ tập trung hợp tác, khai thác thị trường DL nội khối ASEAN. Với địa thế đặc biệt như một dải ruy-băng vắt dọc bờ biển Đông, đính trên ấy 4 di sản văn hóa thế giới cùng một tuyến đường cao tốc xuyên Á nối liền hai bờ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, miền Trung từ lâu đã xem DL nội khối như là câu chuyện đặc biệt cần khai thác.

Phát triển DL theo EWEC*

Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng có diện tích 2,3 triệu km2, dân số 320 triệu người, là một khu vực đa sắc tộc với các nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều danh thắng đã được thế giới công nhận, cùng sự đa dạng sinh thái, với nhiều làng nghề thủ công đặc trưng… là cơ sở “tự nhiên” để phát triển DL. Sự ra đời của EWEC với tuyến đường cao tốc xuyên Á đã thực sự tạo nên “phần cứng” cho bài toán DL.

Người Thái đã ứng xử với chuyện này ra sao? Ông Pichai Raktashinha-Giám đốc Phát triển DL Đông Dương (Tổng cục DL Thái Lan) không giấu giếm: “Chọn Việt Nam (VN) làm đối tác quan trọng trong việc hợp tác phát triển DL trên tuyến EWEC là kế hoạch đang được đẩy mạnh hiện nay của chúng tôi. Đặc biệt là khai thác nguồn khách DL từ VN và du khách quốc tế đến VN”. Bởi vậy, tại Mukdahan, một trung tâm thương mại lớn của thành phố đã được đặt tên Đà Nẵng cách đây trên 10 năm.
 
Và xa hơn tại miền Nam, “thủ phủ” DL Phu Khet cũng đã có những quán ăn, cửa hàng mang tên Đà Nẵng, cùng các địa danh khác của VN. Từ khi tuyến EWEC chưa hoàn thành, Thị trưởng Mukdahan ra lệnh cho nhân viên dưới quyền học tiếng Việt, còn Đại sứ quán Thái Lan gửi giáo viên đến Đà Nẵng để dạy tiếng Thái cho các doanh nhân miền Trung. Từ năm 2004, đích thân Đại sứ Thái Lan tại VN, ông Krit Kraichitti đã hiện thực hóa khả năng hợp tác DL giữa 4 nước bằng việc lôi kéo rất nhiều hãng lữ hành vào cuộc để nhanh chóng rút ra những kiến nghị hợp thời nhằm trình Chính phủ như bỏ thị thực nhập cảnh giữa Lào và VN, giữa Lào và Thái Lan.

Các hãng lữ hành Thái đã phác thảo viễn cảnh cho khách hàng của mình: Sáng uống cà phê Mukdahan (Thái), trưa ăn cơm Savannakhet (Lào) và chiều tối tắm biển Non Nước (Đà Nẵng). Cả Trung Quốc (TQ) và Nhật Bản cũng đã bắt đầu khai thác EWEC. Từ năm 2005, Vân Nam và Quảng Tây (TQ) đã chính thức có mặt trên EWEC với việc triển khai các dự án giao thông kết nối với các điểm đến trên EWEC, mở rộng vành đai DL vùng tây nam TQ với các điểm đến trong Tiểu vùng Mekong. Nhật Bản đã ưu tiên cung cấp vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo của các nước thành viên GMS có địa phương thuộc EWEC. Trên con đường EWEC, giờ đây người Myanmar, Thái, Lào đã dấy lên cơn sốt xây dựng các khu kinh tế, mở thêm trường dạy “VN học”, chuẩn bị các hãng lữ hành.

Du lịch EWEC chủ yếu là cho VN?

Theo ông Krit Kraichitti, VN có nhiều lợi thế hơn cả trong DL EWEC này. Ông nói rõ: Miền Trung VN với 4 di sản văn hóa thế giới và lợi thế là cực Đông của hành lang EWEC như là một ban công hướng ra biển Thái Bình Dương chắc chắn là nơi hưởng lợi nhiều nhất. Với người dân vùng Đông Bắc Thái Lan và Lào, DL biển với các sản phẩm từ biển là một sự hấp dẫn tuyệt vời.

Mặt khác, khi Thái Lan đã là điểm đến của hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm thì hành trình qua đường xuyên Á dễ dàng và hấp dẫn chắc chắn sẽ tiếp tục là tuyến nối dài hành trình DL cho họ. VN sẽ có thêm một nguồn du khách rất lớn nếu biết khai thác từ đây. Còn du khách Thái, Lào rất thích phong cảnh và biển ở miền Trung VN. Giá cả tương đối thấp so với mức thu nhập của họ. Họ lại không đòi hỏi cao về các dịch vụ DL, phù hợp với năng lực của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, thương mại ở miền Trung.

Thế nhưng, trong vòng vài năm, đã có gần 50 nghìn khách quốc tế đến từ các cửa khẩu phía Tây vào miền Trung. Trong khi đó, lượng khách từ VN mua tour đi Lào và Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chỉ dừng ở con số trên vài nghìn lượt người. Chính phủ và các địa phương miền Trung đã cố gắng nghiên cứu nhiều chương trình DL, tìm kiếm cách thức khai thác và quảng bá cho DL trên hành lang EWEC.

Con đường di sản miền Trung là tên một chương trình DL do Tổng cục DL VN phát động, có mục tiêu kết nối các di sản thế giới tại Trung Bộ cùng với 3 di sản thế giới khác là cố đô Luang Prabang, ngôi đền núi kỳ vĩ Wat Phou (Lào) và quần thể Angkor Wat (Campuchia). Chương trình này kết hợp thành một chương trình hợp tác DL lớn hơn là “Lào, Campuchia, VN: 3 quốc gia, một điểm đến”. 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế đã từng phối hợp tổ chức thành công chương trình Roadshow về DL miền Trung.

Đón đầu bước chuyển mình của DL trên hành lang EWEC, các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An từ lâu đã gửi con em mình sang Thái học nghề dịch vụ và tiếng Thái. ĐH Đà Nẵng đã cho hơn 150 sinh viên theo học các ngành quản lý khách sạn, nhà hàng tại Trường ĐH Udon Thani, và một số trường khác ở Đông Bắc Thái. Gần đây nhất, Văn phòng đại diện Bộ VH-TT-DL khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã phối hợp với Viettravel tổ chức thử nghiệm DL cho sinh viên, và sắp tới sẽ phối hợp làm tour DL cho nông dân VN có thể vào Thái học nghề từ Chương trình OTOP (One Tamboon One Product - Mỗi làng mỗi nghề).

DL EWEC vẫn còn quá nhiều việc để làm. EWEC vẫn được coi là một vùng liên nghèo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, phát triển không đồng đều. Myanmar vẫn còn loay hoay kêu gọi các nhà tài trợ, các định chế tài chính quốc tế hỗ trợ hoàn thiện hơn 200km đường bộ nối với điểm cuối ra Ấn Độ Dương.
 
Để đạt được doanh số trên tuyến EWEC này, các công ty DL cho rằng cần thúc đẩy các dịch vụ hậu cần, nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm… trên các tuyến, tour DL với một hoạch định tổng thể mang tầm khu vực để sản phẩm DL mang đậm bản sắc và giá trị từng vùng miền, từng quốc gia được thể hiện không trùng lặp trên các điểm du khách đi qua. Cùng theo đó, các quy định liên quan thủ tục hải quan, quy tắc giao thông, trao đổi tiền tệ, dịch vụ y tế… Đặc biệt, các nước cần kết hợp chặt chẽ để nâng cao tiêu chuẩn giao thông xuyên quốc gia; tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, và thông qua các chiến lược chung về DL…

Câu chuyện những người đứng đầu quốc gia cứ bày tỏ mong muốn sớm biến ý tưởng “bốn quốc gia, một hành trình” trở thành hiện thực vẫn là chuyện thường xuyên diễn ra trên các phương tiện truyền thông. Trong khi đáng lý ra, đến lúc này, các nước nên thống kê số khách DL qua lại các cửa khẩu và xắn tay để khai thác.

LÊ QUANG ĐỨC

* EWEC là tên viết tắt của Hành lang kinh tế Đông - Tây (East-West Economic Corridor) được thông tuyến vào ngày 20-12-2006 nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.


;
.
.
.
.
.