.

Hãy là Hoài phố

Không biết từ bao giờ, tôi tự hào về quê hương mình đến thế. Tôi yêu những con đường dẫn vào phố Hội, yêu mái ngói rêu phong, yêu con sông Hoài cuộn mình bên những dãy nhà cổ âm ẩm sắc trầm, nào Hội quán, nào Chùa Cầu, nào Bảo tàng dân tộc, những món ăn đặc trưng cho văn hóa ẩm thực, yêu con người Hội An chân chất, thật thà, yêu cả những gánh hàng rong mỗi khi có dịp về thăm lại nơi này.

Mỗi khi có bạn bè vào thăm, tôi lại khoe hồn nhiên “Về Hội An đi, ngắm sông Hoài đêm trăng, ngắm nhà cổ rêu phong, ngắm Lai Viễn Kiều âm trầm giữa lòng phố Hội”. Tôi tung hứng cảm xúc để những mạch máu trong người nóng lên một tình yêu nồng nàn dành cho phố Hội.

Chiều cuối tuần, tôi dẫn về Hội An một người con Thành Cổ. Trên đoạn đường dài từ Đà Nẵng vào Hội An, tôi huyên thuyên đủ chuyện khiến nhỏ bạn phải bật cười thành tiếng. Phố Hội đã thực sự là phố ngày 29 tháng 1 năm 2008 khi được Nhà nước công nhận là thành phố loại 3. Thấy nhỏ bạn ngó nghiêng ra chiều thích thú, tôi được đà “Vào phố cổ, không được lông nhông bằng xe máy đâu, đi bộ mới tuyệt”. Thấy nhỏ bạn trầm trồ, tôi sướng ra mặt.

Phố vào chiều, đẹp liêu xiêu theo mỗi bước chân tung tẩy. Tôi được chèo kéo bằng một tràng tiếng Anh khi vừa bước vào một gian nhà cổ trưng bày đủ loại trang sức. Tôi bất ngờ nhưng cũng cố gắng gom hết vốn tiếng Anh ít ỏi của mình để “đối phó” với sự nhiệt tình của các nhân viên. Sau một hồi cà kê cho nhỏ bạn chọn hàng, tôi kéo nó đến đứng bên một gian hàng để chụp một pô ảnh. Khi về, chúng tôi được chị nhân viên tiễn ra tận cửa trong nụ cười xởi lởi “Goodbye, see you again”. Bạn nhìn tôi cười “Trông mi giống Tây quá mà, chẳng trách”. Tôi cười cười, nhưng trong lòng vương bao nghĩ suy?

Chộp được một pô ảnh ưng ý, bác phó nháy là tôi phải chiều đứa bạn lần đầu về thăm phố. Nó lôi tôi đến trước một gian hàng đẹp “Ghi lại khoảnh khắc này cho bạn đi you”. Tôi cười, đưa máy ảnh lên thì bất ngờ bị một chị nhân viên chặn lại “Chị ơi, ở đây không cho khách du lịch chụp hình”. Tôi thắc mắc “Sao vậy ạ, em vẫn thấy du khách chụp đó thôi”, vừa nói tôi vừa chỉ tay sang quầy hàng bên cạnh. Chị ta phân trần “Khách Tây ấy mà, mình phải tế nhị với người ta”. Trong đầu tôi cứ ong ong một suy nghĩ, tại sao lại có sự phân biệt này? Sự phân biệt giữa khách Việt và khách Tây?

Lang thang mãi cũng chán, tôi dẫn nhỏ bạn đến đường Trần Phú để vào Chùa Phước Kiến. Nhìn từ ngoài vào, Chùa thật nguy nga tráng lệ, vừa tinh xảo, vừa sâu lắng như nét trầm tư của chiều hôm vọng về. Chân chưa chạm đến cổng Chùa thì có tiếng gọi “Hai em lại mua vé rồi hãy vào”. Tôi hỏi “Vé bao nhiêu anh?”; “15.000 đồng”. Đến nước này thì cũng phải mua thôi, chỉ có nhỏ bạn thắc mắc “Vào Chùa mà cũng phải mua vé hả mày?”. Tôi nói lãng “Uh, chắc họ thu tiền để trùng tu mỗi năm…”. Tôi cười, nụ cười hụt hẫng trong sắc ong vàng chiều xuống.

Tôi nhớ có lần về phố viết bài những gánh hàng rong, một nét đẹp giữa phố Hoài. Lần ấy, tôi chạy theo một cụ bà gánh gánh chè xanh đang rao bán, một vẻ đẹp khá cổ trong cuộc sống hiện nay. Khi vừa đứng lại xin cụ bà cho chụp một pô ảnh, cụ liền giơ tay ra… xin tiền. Tôi thấy thương bà già yếu nên không ngần ngại rút hầu bao. Nhưng chợt nghĩ, nếu một người khách khó tính, họ sẽ nghĩ về người phố Hội như thế nào?. Tôi đêm chuyện bức xúc này nói với dì, dì bảo: “Giờ là thế đó con. Hôm dì sang phố, ra biển hỏi mua trái thơm, họ nói là không bán, để dành bán cho Tây”…

Tôi như lạc lõng giữa lòng Phố, thấy bâng khuâng giữa “đất của mình”. Thỉnh thoảng về thăm Hội An, tôi mừng vì phố phát triển từng ngày mà vẫn giữ được nét duyên dáng phố xưa. Nhưng, người Hội An ơi, đừng đánh mất hồn phố ngày xưa. Xin hãy là người Hội An ấm áp, thân mật và gần gũi. Đừng để những biểu hiện xấu trong thương mại làm biến dạng, mai một, trái với phong cách và phẩm hạnh ứng xử của người Hội An trong chuyện bán mua. Hãy là “Hoài phố” để hồn phố vẫn hoài như câu ca dao xưa, âm trầm sâu lắng và vẫn nồng nàn níu giữ bước chân người:

“Ai qua phố Hội, chùa Cầu

Để thương để nhớ, để sầu cho ai

Để sầu cho khách vãng lai

Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu”

Lần đầu tiên tôi thấy buồn cho Phố, lần đầu tiên tôi cúi đầu trước người bạn tôi dẫn về phố chiều nay.

Việt Phi

;
.
.
.
.
.