.
KỶ NIỆM 220 NĂM CÁCH MẠNG TƯ SẢN PHÁP (14-7-1789 – 14-7-2009)

Cách mạng 1789 với Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp

.

Với khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái", Cách mạng Pháp 1789 lật đổ chế độ phong kiến là ước mơ của quần chúng nhân dân lao động và toàn thể nhân loại. Nhưng nước Pháp sau cách mạng thành công là một chuỗi sự kiện kéo dài liên tục gồm nhiều biến động phức tạp, với những giá trị tư tưởng đảo lộn hoặc bị chối bỏ.

Tranh: Chiếc bè Méduse (1919) -  Théodore Géricault

Vượt qua giai đoạn đại tư bản liên kết với quý tộc nhằm duy trì nền quân chủ lập hiến (1789-1892), giai đoạn Quốc ước hội nghị với nền Đệ nhất Cộng hoà được thành lập (1792-1795) là đỉnh cao của cách mạng. Đặc biệt, nền Cộng hoà dưới sự điều hành của phái chuyên chính dân chủ cách mạng Jacobin đã tiến hành xoá bỏ mọi trật tự phong kiến cũng như sự bất bình quyền về đẳng cấp; đem đến cho nhân dân niềm tin vào sự thắng lợi của tự do, dân chủ, công bằng.

Nhưng những thành quả tốt đẹp của nền Cộng hoà đã nhanh chóng bị tước bỏ khi nước Pháp chuyển sang Chế độ Đốc chính (1795-1799), rồi Chế độ Tổng tài (1799-1804).

Năm 1804, từ tư cách Tổng tài thứ nhất với quyền làm “thủ lĩnh 10 năm” rồi “thủ lĩnh trọn đời”, Napoléon Bonaparte tiến tới thành lập Đế chế thứ nhất và lên ngôi hoàng đế, lấy danh hiệu là Napoléon I. Với hiện tượng Napoléon I, đại tư bản Pháp đã tìm được người thực hiện những tư tưởng chống đối cách mạng của mình: Napoléon I trở thành kẻ phản bội lại quyền của quần chúng bình dân theo cách mạng, phủ nhận những tư tưởng tự do, dân chủ, bình quyền.

Đế chế độc tài với những cuộc chiến tranh phi nghĩa của Napoléon I bị sụp đổ sau 10 năm thống trị, nhưng nền tự do dân chủ cách mạng vẫn không được thừa nhận khi nước Pháp có sự tái lập triều đại nhà Bourbons từ năm 1815 đến 1830, rồi tiếp nối bởi chế độ quân chủ của Louis Philippe từ năm 1830 đến 1848, trước khi nền Đệ nhị Cộng hoà xuất hiện.

Tính đến giữa thế kỷ XIX, tinh thần của Cách mạng Pháp luôn bị bao phủ bởi những bóng mờ. Trong thời kỳ “Hậu Cách mạng”, các thể chế chính trị ở Pháp đã không đi theo đúng con đường "Tự do, Bình đẳng, Bác ái", dẫn đến hiện tượng phủ nhận thực tại của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau; mà nguyên nhân sâu xa là do cơ chế xã hội đã không đáp ứng được khát vọng tự do, dân chủ và bình quyền của nhân dân. Đây là tiền đề lịch sử dẫn đến sự ra đời của trào lưu Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp, đúng như Karl Marx từng nhận xét: "Chủ nghĩa Lãng mạn là phản ứng đầu tiên đối với Cách mạng Pháp và Tư tưởng Khai sáng gắn liền với cuộc cách mạng đó"; hay như Emile Faguet đã nói rằng: "Chủ nghĩa Lãng mạn là sự ghê tởm đối với thực tại và nguyện vọng muốn thoát ra khỏi thực tại đó".

Có thể xem Chủ nghĩa Lãng mạn là thái độ phản ứng của các tầng lớp xã hội chống lại chế độ đương thời. Tư tưởng lãng mạn cho phép con người tạm thoát ly thực tế để tìm đến một thế giới hư ảo, giúp con người tạm quên đi những điều không như ý, vẽ ra một cuộc sống làm thỏa mãn cái tôi của họ.

Trong thực tế, sự phản ứng của các tầng lớp xã hội ở nước Pháp không hề giống nhau. Tầng lớp xã hội cũ, như quý tộc, thì cảm thấy bất mãn với trật tự xã hội mới do bị mất các đặc quyền đặc lợi, luyến tiếc thời vàng son, lo sợ trước sức mạnh của quần chúng, hoang mang vì tương lai mờ mịt. Tầng lớp tiểu tư sản thì một số bị phá sản khi cách mạng nổ ra nên có tâm trạng bi đát, số khác thì thất vọng vì thành quả thực tế của cuộc cách mạng không như mong muốn... Phản ứng của các tầng lớp này là thường trốn chạy thực tế, tìm về quá khứ hay mộng ảo, hướng tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến trung cổ, hướng tới cuộc sống êm đềm cổ xưa, mơ ước khôi phục lại chế độ cũ và đức tin đối với nhà thờ Công giáo.

Ngược lại những phản ứng tiêu cực đó, tâm trạng của quần chúng cách mạng, dù bất mãn trước những diễn biến chính trị-xã hội không theo đúng tinh thần Cách mạng Pháp, vẫn là sự mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn thực tại, nơi con người được giải phóng khỏi mọi áp bức, bất công. Các tầng lớp quần chúng cách mạng không thỏa hiệp với thực tại, mà mong muốn thiết lập một xã hội mới tự do, ấm no, hạnh phúc cho con người, ước mơ một xã hội lý tưởng...

Rõ ràng, những ảnh hưởng tốt đẹp, những tư tưởng cao cả của Cách mạng Pháp không hề bị dập tắt; trái lại, vẫn toả sức sống mạnh mẽ trong lòng xã hội, nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng cho nhân loại. Chính trong hoàn cảnh chính trị-xã hội đặc biệt đó, Chủ nghĩa Lãng mạn đã sinh sôi nảy nở ở nước Pháp vào nửa đầu thế kỷ XIX.

Chủ nghĩa Lãng mạn đề cao thế giới nội tâm của con người, thể hiện những tư tưởng ca ngợi tự do- đặc biệt là tự do cá nhân- gieo hạt giống niềm tin vào tương lai, mong cái ác bị trừng phạt, miêu tả những yếu tố khác thường của thế giới tình cảm với chủ đề về tình yêu, phong cảnh thiên nhiên, nỗi cô đơn, nỗi buồn, những lý tưởng bất thành.

Trong Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp, tình yêu của con người được khai thác ở mọi góc độ, còn thiên nhiên thì được phản ánh một cách sinh động, trở thành nơi chứa đựng nội tâm và nuôi dưỡng tình cảm của con người, hướng đến cuộc sống tự do, không ràng buộc.

Tranh: Thần Tự do dẫn dắt nhân dân (1830) - Eugène Delacroix

 

Nếu ở thế kỷ XVIII Chủ nghĩa Tân cổ điển thiên về lý trí, đề cao hình thức mẫu mực của Hy Lạp cổ đại mà ít chú ý đến tình cảm, nội tâm; thì Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp đầu thế kỷ XIX đã phá bỏ những nguyên tắc cũ và lấy nguồn cảm hứng từ phản ứng của các tầng lớp xã hội đương thời, những trường đoạn mang nhiều kịch tính, những kỳ ảo của thiên nhiên làm đề tài sáng tác; với những bố cục bị phá thế, lý trí linh hoạt hơn, tình cảm tươi sáng hơn, động thái cuồng nhiệt hơn và đầy chất lãng mạn.

Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp đã làm phong phú cho đời sống bằng những hình tượng, những chủ đề mới, thể hiện nhân vật mới không phải là cá nhân hoà lẫn với tập thể như con người trong Thời đại Ánh sáng thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp không chỉ biết nằm mơ và đề cập ước mơ; bởi thực tại xã hội bất hợp lý là nguồn chất liệu thúc đẩy sự dấn thân, thể hiện tình yêu thương đồng loại tha thiết và những phản ứng chống bất công, đòi tự do, bình đẳng cho quần chúng lao khổ. Các chủ đề thường liên quan đến sự độc tài của đế chế, nỗi thống khổ của con người, sự bất bình đẳng xã hội, cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng; đồng thời không quên vẽ ra một xã hội thanh bình thịnh vượng của tương lai cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Chính vì thế, có thể khẳng định Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp là trào lưu tư tưởng tích cực, là tiếng nói của các tầng lớp xã hội yêu tự do-dân chủ-bình đẳng, là dấu ấn đậm nét của tinh thần Cách mạng Pháp năm 1789.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.