Chiếc ca nô cao tốc lướt băng băng trên biển xanh màu ngọc bích để đến với Cù lao Chàm, địa danh vừa được UNESCO sát hạch công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là kỳ dã ngoại cực kỳ đặc biệt, mỗi người tham gia đều phải tuân thủ mục tiêu “một ngày sống tốt với thiên nhiên”.
Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm trước làn sóng du lịch. |
Ở đấy suốt 2 năm qua, người Đan Mạch chăm sóc những thảm san hô với hy vọng hồi phục lại môi trường sống dưới đáy biển cho các loài thủy sinh vật hiếm có của cù lao Chàm. Để vào đó, chúng tôi phải bỏ thuyền máy, đi những chiếc thuyền thúng, mái chèo nhẹ nhàng lay động màn nước. Thảm san hô nơi này đã rất đẹp. Cách mặt nước chừng 1,5 mét, san hô màu đỏ rực uốn lượn theo sóng ngầm. Các chuyên gia Đan Mạch hụp lặn xuống tận nơi để kiểm tra độ dài của cây san hô mới trồng từ mùa xuân vừa rồi.
Trên các vách đá, có một bầy khỉ đông đúc đang ngồi hóng ra đại dương, chẳng hề quan tâm đến những chiếc thuyền đang qua lại ngay phía dưới. Khu rừng trên núi đã xanh trở lại so với thập niên 80. Cả một thế giới thanh bình như bao bọc lấy hòn đảo. Thiên nhiên đã tác động đến mọi người. Có một anh bạn trong đoàn nói rằng, đến đây hút một điếu thuốc cũng thấy ngại ngùng.
Thế nhưng, để đạt mục đích chuyến đi không dễ chút nào. Chúng tôi đến đây để thử độ nhạy của bản thân trước hành vi của con người và môi trường sống, chứ không chỉ tận hưởng môi trường trong lành của một hòn đảo giữa biển khơi. 600 hộ dân ở đây đã không sử dụng bao ni lông trong thời gian 1 tháng rồi.
Và bây giờ những du khách được đưa đến để “thử phản xạ” thân thiện với thiên nhiên tại khu bảo tồn biển. Những bao trái cây bọc ni lông của chúng tôi được các bạn trẻ trên đảo thay thế bằng bao tự hủy. Loại bao này nhìn giống bao ni lông có màu trong suốt, khi đưa ra khỏi vỏ bọc chỉ tồn tại trong thiên nhiên 3 tháng rồi tự tan. Tuy nhiên, nhiều khách còn băn khoăn vì chưa được giải thích rõ ràng, bao ni lông tự hủy kia có thật sự phân hủy hoàn toàn các chất độc hại của nó trong thiên nhiên không. Đến lúc chúng tôi vào chợ chơi, mấy bà, chị bán hàng cũng rất hăng hái khuyến khích không dùng bao ni lông nữa.
Chủ, khách còn đang hỉ hả chia sẻ với nhau tương lai một thế giới không bao ni lông, thì một bạn đồng hành trong đoàn rối rít từ chối một miếng mít vàng óng bọc trên tờ giấy báo. Chúng tôi hiểu ngay chuyện. Người khách sợ gói thức ăn bằng giấy báo cũ sẽ bị nhiễm độc chì trong mực in gây ung thư. Đúng là khắp chợ đang gói thịt, cá tươi, bánh và nhiều thức ăn khác bằng những tờ báo cũ. Thực tế, các bà, các chị ở mảnh đất dân dã ngoài cù lao chưa bao giờ hình dung những tờ báo kia chứa đựng nguồn chì hết sức nguy hiểm, và họ hồn nhiên học bài học bỏ bao ni lông để sử dụng những tờ báo cũ. Cuối cùng để chiều khách, bà bán mít thay tờ báo bằng một miếng lá chuối.
Chúng tôi thấy dịu lại vì hình ảnh quen thuộc hiền lành của miếng lá xanh tươi, dẫu không tin lắm vào độ sạch sẽ của miếng lá. Dù sao, con đường đi đến đích an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường chúng ta còn đi tập tễnh và khó khăn lắm. Người Việt chưa được làm quen với chuyện gói thực phẩm bằng giấy tiêu chuẩn. Chỉ ở những nhà hàng hạng sang, miếng bánh mì và những thức ăn nhanh kiểu Mỹ, Thái Lan và Singapore mới được gói bằng giấy đạt chuẩn vệ sinh.
Hóa ra mọi chuyện còn khó khăn hơn rất nhiều. Chúng tôi vấp váp liên tiếp trong bài thực hành bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống, bảo vệ chính mình. Bữa cơm trưa ở một hòn cù lao giữa biển thật tuyệt với, vô số món ngon từ những tôm, cá tươi. Thế nhưng, tiếng tranh cãi bắt đầu rộ lên khi có thực khách từ chối món chả. Món chả được giới thiệu rất hiếm có, chế biến từ trứng của con mực. Một nửa thực khách tuyên bố không ăn.
Họ sẽ không ăn những con vật đang kỳ sinh sản để bảo vệ môi trường. Không khí bàn ăn lặng đi và tất cả đều cảm thấy khó xử. Như hầu hết những người bình thường, trong ứng xử với thiên nhiên, chưa ai tập thái độ cực đoan, quyết liệt. Chúng tôi đang ngồi giữa một khu bảo tồn biển nhưng vẫn thích ăn đặc sản. Cua đá với chùm gạch vàng tươi, béo ngậy. Nào tôm hùm kéo nhau đi kiếm ăn từng bầy rất dễ bắt nên giá rẻ hơn trong đất liền.
Tuy nhiên, giờ đây miếng đặc sản trở nên nhạt nhẽo vô duyên trong miệng. Đến buổi chiều, khi tôi gặp những người dân từ trên núi đi xuống với cái giỏ không, thì chúng tôi hiểu rằng, nguồn cua đá (một đặc sản hiếm có của riêng hòn đảo này) đã thực sự cạn kiệt giữa mùa sinh sản do lượng du khách đổ đến đây ngày càng đông.
Người dân Cù lao Chàm đưa bao ni-lông tự hủy cho khách sử dụng. |
|
Sống giữa thiên nhiên thật chẳng dễ chút nào với người thành thị! Dẫu sao, chúng tôi mong muốn người dân đảo xem ti vi, mở máy lạnh bằng các năng lượng thân thiện như sức gió hoặc năng lượng mặt trời, giống như người Hà Lan hay người Mỹ. Nếu cù lao có một nhà máy điện, các dự án du lịch sẽ theo nhau đến và khó có ai từ chối được tương lai sung túc. Như thế sự sống quanh hòn đảo lại trở nên mong manh.
Đến lúc lên lại chiếc ca nô cao tốc về đất liền, chúng tôi nhận ra một điều kỳ lạ. Những chiếc ba lô của chúng tôi nhẹ tênh, không có những cây san hô trắng muốt, không ai mua cua đá về làm quà biếu. Tất cả đã thắng được sự cám dỗ, mặc dù phiên chợ sớm ở bến tàu du lịch chẳng thiếu món đặc sản biển nào. Chúng tôi nghĩ đến một ngày người dân đảo hiểu ra và không đi bắt cua nữa. Giống cua này sẽ có một thời gian đủ dài để sinh sôi.
Một ngày tập sống thân thiện với thiên nhiên là một bài học hay mỗi người nên thử một lần để có thái độ ứng xử chuẩn với môi trường sống của mình. Tuy nhiên với một hòn đảo, dù nó được bảo vệ bởi hàng loạt các dự án có tư vấn của nước ngoài, cây cối đã xanh lên, thủy sản dưới biển đã dồi dào, nhưng chúng tôi vẫn vấn vương bởi những gói thực phẩm được bao bằng giấy báo cũ. Hành trình đến thế giới xanh-sạch-đẹp có lẽ còn rất dài!
ĐOÀN LÊ