LTS: Trong những ngày dẫn con lên thành phố thi đại học, một người mẹ đã viết những dòng tâm sự đầy cảm động dành cho con mình. ĐNCT xin trích đăng trang nhật ký này, như một lời nhắn nhủ gửi đến tất cả các bạn trẻ, những người sẽ bước qua cánh cổng của giảng đường đại học, hay còn đứng lại bên ngoài và tiếp tục đi trên những con đường khác của cuộc đời mình.
Đà Nẵng, 11 giờ đêm, 3-7-09
Ảnh minh họa |
Hôm qua, trên suốt chặng đường vào đây, con cũng vừa học, vừa ngủ trên vai mẹ. Nhìn con, lòng mẹ quặn thắt. 18 tuổi, con trai mẹ vẫn gầy còm, đen nhẻm, mái tóc lòa xòa không tỉa tót, chiếc áo sơ mi mẹ dặn để dành mặc đến trường thi, vậy mà đã vội vàng thử vào.
Mẹ thấy lo con à, không biết mẹ dẫn con đi thế này, bố ở nhà một mình có tự xoay xở được không? Lúc nãy bố có gọi vào, nghe giọng, mẹ biết bố lại trở mệt, nhưng không dám nói với con, sợ con lại nghĩ ngợi, ngày mai làm sao tập trung được với những con số, phép tính?
Trời vừa ngớt mưa mà sao vẫn nóng quá, cả căn phòng trọ cứ hầm hập, hay là tại mẹ nóng ruột? Mẹ chợt nghĩ nếu con đậu rồi, sẽ xa nhà mình, lên thành phố, cũng trọ học trong những căn phòng như thế này, cũng ngủ gục trên chiếc bàn gỗ cứng quèo lúc đêm khuya, dẫu mẹ có muốn nấu cho con tô mì, đắp cho con tấm mền hay kéo con ngã lên vai mình, cũng chẳng thể làm được…
Đà Nẵng, 3 giờ sáng, 4-7-09
Giờ này ở nhà, mẹ đã trở dậy nấu sữa cho kịp buổi chợ. Hôm nay có lẽ là buổi sớm duy nhất sau mấy chục năm, mẹ được quyền ngủ nướng, vậy mà mắt lại mở thao láo. Mẹ nhìn con, rồi lại nhìn căn phòng, chiếc giường mình nằm đơn độc giữa bốn bức tường khô hanh, ô cửa mở toang ở cuối góc không đủ chỗ cho một cơn gió lùa.
Bên cạnh, con đang quấn chăn ngủ say sưa, tay vẫn còn nắm chặt cuốn vở nhàu. Lúc chiều, nhìn con ăn đĩa cơm bụi 15.000 đồng, với duy nhất 2 lát đậu phụ và một khúc cá ngừ kho cứng đen, mẹ tự hỏi, con sẽ có khi nào yếu lòng?
Món đậu phụ con ăn ngập những bữa trưa, bữa tối, những buổi ế chợ mẹ lầm lụi trở về, chẳng lẽ con phải tiếp tục ăn suốt những ngày tháng tiếp theo, mà cơm bụi đâu có được như gạo quê mẹ nấu, hạt cơm nhai hoài chỉ thấy mỗi vị đắng ngắt.
Đà Nẵng, 8 giờ sáng, 4-7-09
Chỉ vừa bước qua một cánh cổng, mẹ đã thấy xa con đến thế. Ngoài này, có rất nhiều những người giống mẹ, cũng khuôn mặt ấy, dáng hình ấy, lạ hoắc mà như rất thân quen.
Tiếng trống trường lôi tuột mẹ về với những ngày được đứng trên bục giảng, cầm phấn viết bảng đen, lật giở từng trang giáo án. Ngoài chợ, người ta chỉ gọi mẹ với mỗi cái tên dì Năm bán sữa, cái tên con gọi mòn mỏi những năm tháng tuổi thơ. Có lẽ chính mẹ cũng chẳng còn nhớ nổi hình ảnh mình của ngày xưa cũ.
Giờ này chắc con đang tập trung cho những con số, phép tính, mẹ mong sao đề thi của con sẽ không khó như bài thi của mẹ, những bài toán mưu sinh mẹ giải suốt mấy chục năm qua mà chưa thể tìm được một đáp án.
Con ơi, lần thứ bao nhiêu mẹ đặt câu hỏi này, “nếu con thi đậu?”, bài toán ấy của mẹ hẳn sẽ thêm rất nhiều ẩn số, đáp án sẽ còn mịt mùng gấp nghìn lần. Nhưng mẹ không sợ, bởi mẹ có con và bố.
Nhưng mẹ biết, con sợ. Thị thành này xa lạ và nhiều bon chen đến thế, con lại ngây thơ và chất đầy mộng tưởng. Đến một ngày khi con nhận ra, cuộc sống thành phố không chỉ có màu hồng, giảng đường đại học không chỉ có sách vở và những con số, trong đĩa cơm con ăn không chỉ có cơm, thức ăn, mà đâu đó lẫn vào những hạt sạn, làm tê buốt cả hàm răng…
Lúc ấy, hẳn con sẽ hụt hẫng, như ngày đầu tiên mẹ cởi bỏ chiếc áo dài, bưng thau sữa và đậu phụ ra ngồi giữa chợ đông. Mẹ so sánh khập khiễng quá phải không con? Bởi con đang đi đúng con đường mà mình đã chọn, đúng những ước mơ mà con đã ấp ủ bấy lâu nay. Vậy dẫu có hụt hẫng, mất mát, thì cũng đừng thở dài nghe con!
Đà Nẵng, 10 giờ sáng, 4-7-09
Tiếng thở dài đã theo mẹ suốt những đêm trằn trọc, thức cùng cơn đau của bố mỗi lúc trở trời, cùng những ngày mưa bão giá rét lỗi hẹn với buổi chợ, với đôi dép mới hứa sắm cho con…
Giờ mẹ lại nghe thanh âm ấy đâu đây chung quanh mình, của những người cũng chờ đợi con như mẹ, họ nghĩ suy điều gì con nhỉ?
Nhưng mẹ không thở dài nữa đâu. Chỉ còn 30 phút thời gian nữa, mẹ sẽ gặp lại con. Bước ra khỏi cánh cổng ấy, con sẽ cười hay cúi đầu? Sẽ chạy thật nhanh về phía mẹ, hay chậm rãi bước đi? Nhưng dù thế nào thì mẹ vẫn đứng đây, đón chờ con. Và mẹ hứa, sẽ khóc, cười cùng con, như hai người bạn con nhé!
P.T.H.Y
Ngô Đồng (trích đăng)