Bà Đào Kim Hoa có lỗi hay không có lỗi thì chưa biết, thế nhưng xem ra, bà là người có công thì đã khá rõ. Thơ ca Việt Nam hay hay dở so với thế giới lâu nay là chuyện không thể biết. Hiếm hoi lắm mới có một người như Jonh Balaban yêu mến Hồ Xuân Hương và bỏ công dịch sang tiếng Anh rồi giới thiệu thơ “Bà Chúa thơ Nôm” này ra thế giới. Đã có nhà thơ hiện đại nào của Việt Nam được đông đảo người dân ở một nước nào đó yêu mến khá là “cuồng nhiệt” như đã xảy ra với 4 bài thơ mà Đào Kim Hoa giới thiệu?
Điểm độc đáo của 4 bài thơ mà Đào Kim Hoa chọn chính là hình tượng thơ chứ không phải ngôn ngữ thơ. Chính vì vậy khi chuyển thành bất cứ ngôn ngữ nào nó cũng gây nên những xúc cảm thơ ca giống nhau.
Thơ ca Việt Nam được viết và được in nhiều đến độ đầy các kệ sách, thế nhưng bảo chọn những bài thơ hay nhất để dịch sang tiếng nước ngoài bao giờ cũng là điều khó với bất cứ chuyên gia văn học nào. Các cuộc tranh luận về văn học hậu hiện đại đã cho thấy “trường phái” đi tìm vẻ đẹp trong ngôn từ thơ ca là được khá đông các nhà thơ ủng hộ. Mà vẻ đẹp của ngôn ngữ thì chỉ có người Việt ta hiểu với nhau, dịch ra một ngôn ngữ khác là chuyện vô cùng khó. (Phải chăng chính điều này mà những truyện của Nguyễn Ngọc Tư đậm đặc chất phương ngữ Nam Bộ đến nay vẫn chưa được dịch ra tiếng nước ngoài nào?).
Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
(Thơ viết ở biển - Hữu Thỉnh)
Những câu thơ thật dễ dịch, và cho dù dịch có dở thế nào chăng nữa thì hình tượng thơ ca của nó vẫn cứ nguyên vẹn trong bất cứ lớp vỏ ngôn ngữ nào.
Tìm cho ra bốn trong số hàng triệu bài thơ có hình tượng thơ ca vượt lên trên mọi diễn đạt ngôn ngữ như Đào Kim Hoa làm là một chuyện khó. Đó không phải là 4 bài thơ hay nhất nhưng chắc chắn đó là 4 trong những bài thơ có hình tượng thơ ca hay nhất của nền thơ ca Việt Nam.
Sòng phẳng điều này không phải là để bênh vực Đào Kim Hoa, mà để ghi công Đào Kim Hoa, để thấy rằng các cuộc tranh luận về thơ ca văn học hậu hiện đại thật không đáng có. Lao vào tìm kiếm câu chữ, sắp xếp bố cục câu chữ với những liên tưởng bất chợt, những bản năng, vô thức bộc phát bất chợt, những âm điệu chỉ tiếng Việt mới có... không bao giờ có thể thay thế được các cảm xúc thơ ca, hình tượng thơ ca muôn thuở của tâm hồn con người.
Và thứ nữa, qua sự kiện này, chợt thấy thương các nhà thơ Việt Nam quá! Thơ họ hay nhưng không có đường ra với bạn đọc nước ngoài, cuộc sống thơ ca trong nước mặc cho mọi cố gắng đã dần rơi vào thoi thóp, xa dần với cuộc sống thực hằng ngày. Cần nhớ rằng trang blog tiếng Hoa được yêu thích nhất toàn cầu là trang blog của Hồng Đức Thanh với hơn một triệu lượt người đọc những câu thơ của “nhà thơ” Đào Kim Hoa chứ không phải là những trang blog nói về sex, hoặc thứ gì khác.
Nó cho thấy thơ ca vẫn còn chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của người dân Đài Loan, của những người dùng tiếng Hoa. Tại sao không có trang blog tiếng Việt nào đủ sức lôi cuốn người đọc nếu chỉ dựa vào thơ ca! Lỗi này thuộc về ai? Của nền giáo dục chăng ?
HỒ TRUNG TÚ
* Bà Đào Kim Hoa hiện làm ở Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2001, bà tham gia Festival thơ Quốc tế Đài Bắc 2001 với 4 bài thơ Thư mùa đông, Thơ viết ở biển, Người đẹp, Đứng trước em của hai tác giả Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn và không giải thích với Ban Tổ chức tác giả 4 bài thơ.