.

Rong ruổi qua những miền văn hóa

.

Mở đầu “Rong ruổi thực lục”, Trần Đức Anh Sơn viết: “Ngày 1-6-1997, tôi đặt chân xuống sân bay Osaka (Nhật Bản), tay xách chiếc vali đựng dăm bộ áo quần, vài cuốn từ điển và một lọ nước mắm cô đặc, bắt đầu chuyến du học đầu tiên trong đời… Để tránh những phút giây cô quạnh, tôi đã làm bạn, trước tiên là với ngòi bút, sau là bàn phím máy tính, ghi lại những kỷ niệm vui buồn của tôi trong những tháng ngày “rong ruổi’ nơi đất khách quê người và những cái hay, cái lạ của xứ người mà tôi có dịp chứng kiến, học hỏi.

 

Lâu dần thành quen, trong mỗi chuyến đi, tôi đều viết bài “kể chuyện xứ người”. Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có lịch sử, phong tục, tập quán riêng, khiến người xứ khác phải thán phục, ngạc nhiên, thậm chí bị “sốc” khi tiếp cận. Tôi may mắn có dịp “tay sờ, mắt thấy, tai nghe”, xin được chép lại và phản ánh với những ai muốn quan tâm và tìm hiểu…”.

Và trên những chặng đường đã qua ấy, trong 10 năm, thực sự là một cuộc rong ruổi của một phần đời người, một người Việt đã đi qua 10 nước từ Á sang Âu, đã “thay 3 chiếc vali, học thêm được 3 thứ tiếng, xài hơn 10 lọ nước mắm cô đặc”, đã chứng kiến rất nhiều chuyện mới lạ, để qua sự cảm nhận của mình, viết về những chuyến đi, mà, đôi khi tự xem là “rong ruổi”.

Cuốn sách tập hợp 44 bài viết “kể chuyện xứ người”, mà mỗi con người, mỗi vùng đất là những kỷ niệm không thể nào quên. Ở các nước mà Anh Sơn qua có rất nhiều bảo tàng, nơi là một phần thu nhỏ lịch sử của một vùng đất, có thể là kinh nghiệm quý cho những ai muốn khám phá đất nước đó; là những cảnh vật và con người ở Trung Hoa, Đức, Bỉ, Pháp, mỗi nơi đều có những đặc trưng riêng đậm nét lịch sử và văn hóa.

Và qua mỗi vùng đất, tác giả bắt gặp những người Việt xa xứ với những thân phận, địa vị khác nhau. Các món ăn Việt Nam ở xứ người hình như cũng có vị khác, có thể là vị nhớ quê hương. Nhưng, đôi khi người viết, người đọc ngậm ngùi bởi người Nhật hiểu biết về Cảnh Thái lam của Trung Hoa, shipouyaki của Nhật Bản, nhưng chưa biết nhiều đến pháp lam Huế của Việt Nam.

Trần Đức Anh Sơn là một người con của mảnh đất Cố đô. Hiện nay anh đang là giảng viên của khoa Việt Nam học, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Quảng Nam. Là một Tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Khảo cổ học, nhưng Trần Đức Anh Sơn có một niềm đam mê mãnh liệt với hoạt động nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là nghiên cứu về văn hóa Huế.
 
Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách viết về văn hóa Huế như “Phong vị xứ Huế” , “Cố đô Huế đẹp và thơ”, “Đồ sứ men lam Huế-những trao đổi học thuật”, “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn”, “Huế-Triều Nguyễn. Một cái nhìn”, “Rong ruổi thực lục” và “Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế”.

HOÀNG NHUNG

Đọc “Rong ruổi thực lục”-Trần Đức Anh Sơn, NXB Lao động và Nhà sách Cảo Thơm liên kết ấn hành.

;
.
.
.
.
.