Đọc xong tập sách do họa sĩ Phan Ngọc Minh đưa cho vào đầu tháng 6-2009 (*), chợt nghĩ: Hẳn, đã và sẽ còn có nhiều bài viết về tác phẩm này. Tập chuyên luận về Thơ dày gần 500 trang (gồm 26 bài chọn lọc, viết trong khoảng 1963 - 2008), là kết tinh của tâm huyết và tài năng của một người Việt yêu tiếng Việt, am tường văn học Việt, đã giúp người đọc hiểu được những điều cơ bản về một nội dung phức tạp; và những tác gia Việt Nam, từ Nguyễn Trãi qua Tản Đà, đến những thi sĩ thời Thơ mới và những nhà thơ đương đại như Bùi Giáng, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật. Trong bài giới thiệu sách này, chỉ xin được nhìn công trình này từ một góc nhỏ: Chất thơ và Ý đạo.
|
*
Tỷ như, viết về bà Huyện Thanh Quan, chưa ai nhìn thấy “sự e dè nôn nả trong người phụ nữ muôn nơi và muôn đời” (tr.132) ở giọng thơ vốn được đóng khung trong cái nhìn quen: cổ kính, trang nhã. Ấy là, khi kết thúc bài viết về nhà nhân chủng học Claude Le’vi Strauss, “chợt nhớ” đến nhà ngữ học Việt Nam Nguyễn Tài Cẩn: “Cái gì thân thì cũng xa, có khi xót xa” (tr.39). Cách nói đầy chất thơ như thế có trong suốt tập sách.
Từ nhận thức rằng, “thơ ca là một thành tố tất yếu và năng động của nhân loại” (tr.67), tác giả đã đi đến một định nghĩa thấu đáo về thơ: “Câu thơ hay là một thoáng trần gian” (tr.62).
Đến đây, thì không còn là chuyện văn chương nữa, mà đã chuyển sang lĩnh vực triết học: Thơ như một nỗ lực vươn tới mối tương quan giữa người với người, giữa người và thế giới. Bởi vì, không nên tìm kiếm ở thơ những cái đã có sẵn của ngoại giới. Bởi vì, thơ là một thế giới riêng, mà để đến được với nó, người đọc phải tìm đến những trạng thái tâm hồn của tác giả, trong khi sáng tạo bài thơ.
Đây là một khát vọng mang tính lý tưởng, đồng thời, lại là một ước muốn có màu sắc... bi kịch. Ví như, kết thúc bài viết về Nguyễn Trãi, nhà phê bình đã chạm tới sự Hiểu - Ngộ này: “Tôi chỉ ân hận là chưa có điều kiện viết sâu hơn. Nhưng nghĩ cho cùng, những mối tình lớn trong đời mình, sống, sống còn chưa trọn. Nói, nói làm sao nói hết” (tr.116).
Hay như, khi viết về Levi Strauss, Đặng Tiến nói: “Levi Strauss là một kẻ hòai nghi” (tr.37). E rằng, đó chỉ là cách nói quen, bởi, tiếp liền, là trích dẫn Strauss: “...muốn sống, phải làm như là sự vật có ý nghĩa; đó là triết lý tạm bợ của cuộc đời, nhưng là triết lý cấp 2...”. Vậy, triết lý... cấp 1 là gì? L. Strauss không hoài nghi. Nói hoài nghi, thì chỉ là sự hoài - nghi - cần - thiết, để dẫn đến nhận thức: Không có một giá trị nào mãi mãi không thay đổi.
Nói rõ hơn, là sự hoài nghi này: “Phải chăng, cả vũ trụ được tổ chức theo biền lệ” (tr.70): từ một loại thể thơ cổ, trực cảm được quy luật của vũ trụ. Cái Ý Đạo nói ở đoạn trên, không phải là niềm tin hay nhận thức tôn giáo mà là sự “chạm tới” nhịp điệu của Dòng Sống: những Khả Hữu và Bất Khả. Và, nghệ thuật là nỗ lực của con người nhằm biến cái bi kịch thành cái Đẹp. Phê bình thơ, như thế, đã “vượt biên” chức năng chuyên môn. Để giúp con người đến với nhau nhiều hơn...
*
Một “lục lọi” đáng chú ý: định giá lại Đinh Hùng, thi sĩ bị bỏ quên lâu nay: qua đời đã 43 năm, ngày nay, đọc lại, thơ ông vẫn còn những ngõ ngách chưa khám phá hết. Và một “nêu ra” khác: Nụ cười trong và đôi mắt sáng của Hoàng Trúc Ly. Dù có hơi “nghiêng” nặng tình cảm về thi sĩ này: Trong một số câu thơ của Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ không có được độ bền cao...
*
Bài giới thiệu sách này chỉ là những lời ngắn và nhỏ, trước một công trình rộng. Vậy nên, mượn ý đã viết hơn 20 năm trước: nói về thơ bao nhiêu cho đủ / hãy cho thơ tự nói lời thơ để... chấm hết: “Thơ – thi pháp và chân dung” là tiếng nói ấm chân tình, đa thanh. Và, độc lập.
Và, dẫu cho “lời nói rồi cũng phôi pha” (tr.146), nhưng, tin vui: nghe đâu, sách sắp được tái bản?
Nguyễn Đông Nhật
(*): Thơ – chân dung và thi pháp - Đặng Tiến - NXB Phụ Nữ - quý 1-2009.