.

Thừa bán và thiếu mua

.

Trong khi không khí ở các gian hàng khác như thịt, cá, giày dép, mỹ phẩm… người mua kẻ bán tấp nập thì tại một số dãy hàng trái cây, không khí này trái ngược hẳn. Nguyên nhân là do người tiêu dùng (NTD) tỏ ra dè dặt khi lựa chọn mua trái cây nếu chưa rõ nguồn gốc.

Người mua dè dặt

Để giảm độc hại, các chuyên gia khuyên không  nên  phun thuốc  trừ sâu đục lá đối với các loại cây ăn quả, ăn củ.

Trước Tết năm 2009 chừng 3 tháng, gia đình anh Nguyễn Tuấn Ngọc, ở đường Trần Cao Vân chọn mua bốn quả táo (được người bán giới thiệu là táo Mỹ?) để về thờ Thần tài. Bốn quả táo có màu sắc bóng bẩy, đỏ au, tươi roi rói, lại được khéo léo bày biện nên trông càng hấp dẫn. Thế nhưng có một điều lạ, 5 ngày rồi một tuần, một tháng, đến bốn, năm tháng, đĩa trái cây này trông vẫn tươi ngon như vừa mới hái trên cây. Nói chuyện này với chúng tôi, anh cho biết: “Mấy tháng trời mà trông “nó” vẫn tươi, tui cấm mấy đứa con không được ăn vì nghĩ chắc chắn “nó” đã được tẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Sau chuyện trái cây tươi mãi không héo này, gia đình anh Tuấn chẳng bao giờ dám mua những loại hoa quả bắt mắt, trông tươi ngon ngoài chợ về ăn dù được người bán luôn miệng bảo đảm không phải hàng có tẩm hóa chất. Tâm lý này càng tăng khi một số loại sữa bột TQ có chứa melamine bị phát hiện, hay những vụ ngộ độc thực phẩm có xuất xứ TQ được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại một số quầy hàng trái cây ở chợ Đầu mối, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, phần lớn trái cây được giới thiệu có xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, Việt Nam… Hình như người bán cố tình tránh hai chữ “TQ” khi chào hàng. Khi chúng tôi tỏ ý e ngại nếu mua phải hàng TQ, chị Hạnh, một tiểu thương buôn bán tại chợ Hàn cho hay:

“Hàng hóa bây giờ thật giả lẫn lộn em à, đôi khi chính chị cũng không phân biệt đâu là “hàng xịn”, đâu là loại trái cây đã “bị” ngâm hóa chất. Về xuất xứ của nó thì… chịu, vì cơ bản hình dáng bên ngoài của các loại nho, táo, cam, quýt, măng cụt… đều giống nhau, khác là khác cái mác thôi. Nhiều tiểu thương cố tình “tung hỏa mù” để đánh lừa thị hiếu người tiêu dùng nhằm tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ loại nho TQ màu đỏ, to, trái căng mọng gần giống với nho Mỹ, Thái có giá 35.000-40.000 đồng/kg thì nhiều quầy hàng quảng cáo là nho Mỹ, bán với giá 55.000 đồng/kg trở lên”.

Gặp chị Ngô Thị Thảo, phường Thanh Bình đang đứng trước quầy hàng trái cây ở chợ Cồn, chị tâm sự: “Khó chọn quá em à, khi giá cả đắt đỏ, chi tiêu cần dè xẻn thì muốn mua được loại trái cây giá rẻ nhưng mua rẻ thì lại sợ chất lượng, mua đắt cũng sợ mình bị lừa. Trước chạy ngang qua chợ là mua được rồi, giờ phải gửi xe vào chợ vì chọn trái cây lâu quá, thật khó để phân biệt được mặt hàng nào của Việt Nam, của Thái hay của TQ?

Từ bán ế đến bán ẩu

Chủ một sạp hàng ở chợ Đống Đa đang ngồi “nghỉ ngơi” vì buôn bán ế ẩm.

 

Thông tin về trái cây TQ có ngâm nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, gây tổn hại đến sức khỏe của con người đã khiến người bán và người mua e dè lẫn nhau. Người bán sợ người mua nghi ngờ đó là hàng TQ. Ngược lại, người mua cũng lo ngại mình sẽ mua phải hàng TQ nên không tự tin khi chọn mua trái cây. Về điều này, chị Hoa, chủ sạp trái cây ở chợ Hòa Khánh khá bức xúc: “Đôi khi cũng bực mình lắm, buôn bán đã ế ẩm mà người mua lại cứ tỏ ra nghi ngờ khi mình giới thiệu nguồn gốc, có khi còn cự cãi. Khu này nhiều công nhân và sinh viên sinh sống, trước đây mỗi ngày bán gần cả trăm ký trái cây thì giờ chỉ hai, ba chục ký. Trái cây để lâu quá có khi bị hư hại, lời lãi không bao nhiêu. Công mình dọn ra, thu vào cũng hết hơi rồi”.

Ngồi cạnh chị Hoa, bà Nguyễn Thị Sáu có thâm niên hơn 10 năm buôn bán mặt hàng trái cây cho hay, trước đây hàng nội không được ưa chuộng vì hình thức không bắt mắt, ăn không ngon. Trái cây TQ thường rẻ hơn các loại quả có xuất xứ từ Thái Lan hay Mỹ, hình thức lại khá bắt mắt nên dù không ăn người ta vẫn mua để cúng hoặc làm quà biếu. Thế nhưng gần đây khách hàng mua các loại sản phẩm này cũng ít dần. Vì vậy, có nhiều loại, nếu nói là hàng TQ, khách hàng sẽ không mua”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay các loại trái cây đang chiếm lĩnh thị trường thành thị được giới thiệu có nguồn gốc từ nước ngoài như nho, chôm chôm, măng cụt, lòn bon có giá giao động từ 25.000 -50.000 đồng/kg. Ở nông thôn, hàng nội chiếm ưu thế hơn như chôm chôm, xoài, mãng cầu, bơ… với giá từ 5.000-20.000 đồng/kg.

Theo một số tiểu thương, tuy số lượng bán ra nhiều nhưng lợi nhuận thì không bảo đảm, thậm chí phải chấp nhận bán rẻ để huề vốn. Phần lớn các loại trái cây vận chuyển từ nơi khác đến, nhất là trái vải vận chuyển bằng xe lạnh trong khoảng thời gian dài, tỷ lệ hao hụt nhiều và thời gian tồn trữ có giới hạn. Do đó, vừa bán phải vừa để ý, nếu sức mua giảm hoặc trái cây ngả màu thì đành chấp nhận hạ giá vài ngàn đồng trên 1kg để giải phóng hàng và bảo tồn đồng vốn.

Để khắc phục tình trạng ế ẩm này, một số tiểu thương đã sử dụng chiêu bài thay đổi nguồn gốc của một số loại trái cây. Khảo sát thị trường trái cây trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, có đến trên 50% mặt hàng trái cây TQ, nhưng tất cả đều được thay tên đổi họ. Hôm nay nó có thể mang tên nho Mỹ, ngày mai có khi được gắn mác nho Thái vì NTD nếu không tinh mắt và mua thường xuyên sẽ không tài nào biết được loại trái mình mua được sản xuất ở đâu vì giá các loại trái cây nhập ngoại này không chênh lệch bao nhiêu, phần lớn người bán dựa vào thị hiếu tiêu dùng của mỗi người khách mà thay đổi để thuận mua vừa bán.

NTD bị tiểu thương tung hỏa mù chẳng biết đường nào mà lần, không biết đâu là thật, giả. Thực trạng trên tồn tại ở nhiều chợ, nhưng ít được cơ quan chức năng xử lý bởi lẽ muốn xử lý phải có nghiên cứu cụ thể, chứng minh được những yếu tố mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ những sản phẩm này. Sự khó phân biệt này còn ở chỗ, phần lớn mặt hàng trái cây đều dùng những thùng hàng lớn hoặc những tem dán có nhãn, có thể bóc ra bất cứ lúc nào.

Tâm lý chê hàng nội, ngại hàng ngoại đó khiến NTD thì than muốn mua trái cây ngon, bảo đảm không biết mua ở đâu. Còn người bán thì than ế ẩm, không bán được hàng. Cái sự thiếu và thừa này đang diễn ra ở hầu khắp các quầy hàng buôn bán trái cây ở các khu chợ. Đó là chưa kể đến NTD cũng rất dè dặt với những mặt hàng trái cây táo, nho, cam, lê… có gắn mác hàng ngoại đang được bày bán ở một số siêu thị lớn như BigC, Bài Thơ, Metro…

Trước tình trạng trái cây trên thị trường có quá nhiều nguồn gốc chưa được chứng minh như hiện nay, để trở thành NTD thông thái, chuyện này thật không dễ dàng.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.