.

Thuốc trừ sâu, dùng lâu sẽ ngộ độc

.

Kết quả điều tra của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy cả nước hiện có khoảng 15 - 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và 70% trong số đó có triệu chứng ngộ độc. Qua theo dõi, Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ ra, ngộ độc thuốc BVTV là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông.

“4 đúng” và “3 đường”

Các ca ngộ độc thuốc BVTV đã giảm dần ở Đà Nẵng.

70% người dân Việt Nam sống bằng nghề nông và không ai trong số đó lại không biết đến các loại thuốc trừ sâu hay thuốc rầy – cách nói gọn của thuốc BVTV. Ở Đà Nẵng, đã có một số trường hợp, chủ yếu là người ở những vùng nông thôn hoặc người làm việc liên quan đến nông nghiệp, phải đưa đi cấp cứu do vô tình uống nhầm hoặc bị tai nạn nghề nghiệp khi sử dụng thuốc BVTV. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Lư, Trưởng khoa Hồi sức – Cấp cứu (Bệnh viện Đà Nẵng), phần lớn các trường hợp ngộ độc đáng tiếc này xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn đã để thuốc BVTV trong tầm tay trẻ con.

Một số vụ ngộ độc thuốc BVTV khác là do nông dân (ND) “xem thường” tính mạng mình, không theo khuyến cáo của các chuyên gia. Kỹ sư Đặng Công Đào, chuyên viên tổ Kỹ thuật (Phòng NN-PTNN huyện Hòa Vang) cho biết: “Theo quy định, khi phun thuốc BVTV phải mặc trang phục bảo hộ lao động, đeo găng tay, khẩu trang, đứng trên hướng gió… Nhưng ít ai thực hiện, cứ làm theo “kiểu ND”, có gì làm nấy. Có người vừa phun thuốc trừ sâu, vừa thản nhiên hút thuốc lá. Có người phun thuốc xong, chỉ mới rửa tay qua loa đã bưng chén cơm ăn ngon lành... Như thế, không ngộ độc mới lạ!”.

Là huyện thuần nông duy nhất của thành phố Đà Nẵng, theo Kỹ sư Đào, Hòa Vang mở nhiều đợt tuyên truyền trong ND bằng nhiều hình thức về an toàn khi sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng loại, đúng lượng, đúng lúc, đúng cách. Đến nay, ND đã nắm rõ 3 đường thâm nhập của thuốc BVTV vào cơ thể con người: mũi (hô hấp), miệng (ăn uống), da (tiếp xúc). Kiến thức cơ bản này đã góp phần giảm thiểu các ca cấp cứu ngộ độc cấp tính thuốc BVTV, theo thống kê của Bệnh viện Đà Nẵng. Về phần mình, theo bác sĩ Lư, bệnh viện đã có phương pháp điều trị và phương tiện hồi sức tốt hơn nên đã rút ngắn thời gian điều trị của các ca đặc biệt này.

Thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học vẫn hơn

Thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học vẫn còn ít thấy bày bán trên thị trường Đà Nẵng.

 

Trong 5 năm qua, Đà Nẵng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào có nguyên nhân từ thuốc BVTV – Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng khẳng định. Kết quả này có sự đóng góp đáng kể của các cơ quan chức năng qua các hình thức tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là giới ND. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đà Nẵng cho biết, gần như ngày nào cũng có cán bộ Chi cục, cán bộ Khuyến nông “cắm” ở các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn như Túy Loan Tây, Khuê Mỹ, Cẩm Nê..., vừa giúp đỡ bà con về chuyên môn, vừa ngầm kiểm tra, nhắc nhở bà con thực hiện đúng quy trình phun thuốc và thu hoạch.

Hiện thuốc BVTV có hai nguồn gốc: hóa học và sinh học. Ông Tân giải thích: Thuốc sinh học được chiết xuất từ thảo mộc, ngấm vô cơ thể sâu hại chậm nên diệt trừ chúng chậm hơn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thuốc hóa học diệt sâu rầy rất nhanh bằng hóa chất và gây độc hại cho con người. Theo quy định, sử dụng thuốc BVTV phải có thời gian cách ly, tính từ khi phun thuốc (hoặc bón phân) lần cuối cùng đến khi thu hoạch, đưa sản phẩm cho người và gia súc sử dụng: với thuốc sinh học là 1-3 ngày, thuốc hóa học là 10-15 ngày.

Kỹ sư Đào lưu ý rằng, có khi ngộ độc thực phẩm còn do dư lượng đạm của phân bón tồn đọng trong sản phẩm nông nghiệp. Phân bón vô cơ cũng có thời gian cách ly, vì chúng tác dụng rất nhanh. 10 ngày sau khi bón NPK, u-rê, kali, lân vi sinh… mới thu hoạch. Tuy nhiên, lý thuyết là vậy, thực tế ND có tuân thủ hay không là thuộc phạm trù đạo đức. Có nơi phun thuốc chưa hết thời gian cách ly, thấy sản phẩm có giá đã vội thu hoạch đưa ra chợ. Và nguy cơ nhiễm độc từ từ, ngày một ít vào cơ thể người tiêu dùng là không tránh khỏi.

Ngoài các trường hợp dùng các sản phẩm nông nghiệp có dư lượng thuốc BVTV, những người tiếp xúc với thuốc này qua da (phun, sản xuất, đóng gói thuốc) cũng có nguy cơ ngộ độc mà theo Bác sĩ Lư, gọi là ngộ độc mạn (mãn) tính. “Hiện vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu về ngộ độc thuốc BVTV mạn, nó dài hơi, không có tiêu chí cụ thể nào, ngay cả bệnh nhân cũng không cảm nhận rõ ràng. Nghiên cứu trên một số người phun thuốc, sản xuất phân bón, thuốc BVTV làm việc lâu năm cho thấy họ có một số men bị giảm, do phôt-pho hữu cơ trong thuốc BVTV ức chế, bị nhiễm độc ngày một ít nhưng họ không biết và hoàn toàn không có biểu hiện lâm sàng” - Bác sĩ Lư nói.

Tốt nhất, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, theo khuyến nghị của các cơ quan chức năng, nên dùng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Có điều, thuốc sinh học giá cao hơn thuốc hóa học. Thêm vào đó, thuốc sinh học khó bảo quản, không để lâu như thuốc hóa học được. Theo ông Tân, tỷ lệ thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học so với hóa học được dùng trên thị trường Đà Nẵng hiện nay là 70-30. Đối với nỗ lực xây dựng Đà Nẵng “Thành phố môi trường” thì đây là một con số quá khiêm tốn!

Các ca ngộ độc thuốc BVTV điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng đã giảm dần trong 3 năm qua. Năm 2007: 7 người (45 ngày điều trị); năm 2008: 6 người (26 ngày điều trị); 6 tháng đầu năm 2009: 2 người (3 ngày điều trị).

Nguồn: Khoa Hồi sức – Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.