.

Tranh ghế tiền hiền

.

Tiền hiền là những người có công khai cơ, khai canh, lập làng, lập xóm. Ở các làng, xã xưa, tộc nào được công nhận là tộc tiền hiền thì lớp con cháu không những hưởng tiếng thơm mà ông tộc trưởng còn có nhiều quyền lợi. Do đó, hồi nửa đầu thế kỷ XIX, khi làng Ái Nghĩa hãy còn thuộc huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nơi đây đã xảy ra chuyện tranh giành tộc tiền hiền hy hữu.

Đình làng Ái Nghĩa, nơi diễn ra cuộc tranh chức tiền hiền hy hữu ngày xưa.  (Ảnh: Đ.Đ)

Làng Ái Nghĩa xưa, gồm năm ấp là Nghĩa Nam, Nghĩa Đông, Nghĩa Tây, Nghĩa Bắc, Nghĩa Trung, với bốn tộc tiền hiền là Trương, Phan, Nguyễn, Hứa và tộc hậu hiền là Huỳnh, Ngô, Đỗ. Các tộc tiền hiền, hậu hiền được thờ cùng với Thành hoàng trong đình làng. Theo truyền khẩu, đình làng Ái Nghĩa đầu tiên được xây dựng ở Nghĩa Nam, sau chuyển qua Nghĩa Bắc, đến nửa đầu thế kỷ XIX dời qua Gò Đình, cuối cùng dời qua cạnh bến xe Đại Lộc hiện nay.

Thường, mỗi lần dời đình, theo tập tục xưa, làng coi ngày giờ khởi công và hoàn thành một cách chu đáo. Lần dời đình từ Nghĩa Bắc về Gò Đình, làng tổ chức lễ khánh thành rất long trọng, mời khá đông quan khách, kể cả quan tri huyện Hòa Vang, đến tham dự cho thêm phần long trọng.

Bấy giờ, hai tộc Trương và Nguyễn không những đông dân mà còn có nhiều gia đình giàu có. Cho nên, lúc đình mới làm xong, hai tộc này ngầm bàn nhau làm hai bộ liễn treo ngay trước hai gian thờ chính. Các tộc hậu hiền Huỳnh, Ngô, Đỗ cũng làm liễn, nhưng treo ở hai bên. Khi hai tộc Trương, Nguyễn treo liễn lên, hai tộc Hứa và Phan tức lắm. Tiền hiền có bốn tộc, không lẽ họ âm mưu muốn gạt hai tộc Hứa và Phan ra? Thế là hai tộc này bàn nhau, khi làng cho người mời quan trên về dự lễ, hai tộc sẽ cử người xung phong đi mời. Tất nhiên, trong lúc hầu chuyện quan, họ sẽ tìm cách nhờ quan phân xử. Không có quan, chuyện này tất không xong. Sau khi được làng đồng ý, ngày nọ, tộc Hứa và Phan cử hai người có học thức, biết ăn nói, đi ra huyện đường Hòa Vang mời quan về dự lễ khánh thành.

Theo thông lệ, quan hỏi đủ mọi thứ chuyện về làng, chủ yếu về chuyện dời đình, rồi tình hình làm ăn sinh sống của dân làng. Không hiểu sao, quan lại hỏi thêm: “Chớ làng bọn bây có bao nhiêu tiền hiền?”. Đại diện hai tộc Hứa và Phan trả lời: “Bẩm quan, làng con có bốn tộc tiền hiền đến trước, có công khai canh khai cư là Nguyễn, Trương, Phan, Hứa. Chừ nhân chuyện dời đình, làm lại đình, hai tộc lớn là Nguyễn và Trương ý thể giàu có, dân đông, tiền của nhiều, mới làm hai bức liễn treo ngay trước. Họ coi họ là tiền hiền, chẳng thèm hỏi ý kiến bọn con. Quan thấy có oan uổng hay không?”.

Sau khi nghe hai tộc trình bày đầu đuôi, quan bèn đập bàn cái rầm, oang oang: “Tầm bậy! Bọn này làm tầm bậy thiệt! Thôi, bọn bây cứ yên tâm về đi, có chi còn có quan đây, đến ngày khánh thành, quan sẽ giải quyết cho. Nhưng trước khi quan giải quyết, bọn bây phải góp tiền lại, một tộc mua cặp lư thật to để trên bàn thờ, tộc kia mua hai bộ gươm, sắm hai cái lọng để hai bên”. Nghe quan phán, tộc Hứa và Phan mừng rỡ, dạ dạ vâng vâng. Rồi, trước khi ra về, họ “kỉnh” quan 50 quan tiền, gọi là tiền để quan trà nước, đi lại. Không có 50 quan, tất nhiên, chuyện chưa chắc đã suôn sẻ.

Đúng ngày khánh thành, quan tri huyện đến dự. Lý trưởng và các hương chức ra tận nơi trịnh trọng đón tiếp. Trong buổi lễ, quan hỏi: “Chớ làng ni ai đứng tiền hiền”. Mấy ông tộc Trương, Nguyễn liền đáp: “Dạ, bẩm quan, tộc Trương và Nguyễn của con là tiền hiền. Còn các tộc khác cũng đến một lần nhưng đứng sau nên không phải tiền hiền”. Nghe nói vậy, quan đập bàn, nạt: “Tiền hiền chi tộc bọn bây!”. Rồi quan chỉ hai ông tộc trưởng tộc Phan và Hứa: “Bọn nó sắm lư hương, bộ gươm giáo, lọng đứng hầu thần nên mới là tiền hiền. Còn bọn bây treo tấm liễn, treo ở trước, như lính giữ nhà, tiền hiền chi. Bọn bây không làm tiền hiền được mô!”.

Thấy thái độ giận dữ của quan, đại diện hai tộc Trương, Nguyễn nín khe, không ai dám cãi. Sau khi quan về, các tộc ngồi lại với nhau bàn luận. Đại ý, quan đã giải quyết như thế, các tộc phải nên như thế nào. Hai ông tộc trưởng tộc Phan và Hứa nói lẫy với hai ông tộc Trương, Nguyễn: “Mấy ông bảo tộc các ông là tiền hiền thì các ông cứ làm tiền hiền đi!”. Hai ông Trương, Nguyễn lắc đầu: “Quan đã nói rứa, tụi tui mà xưng tiền hiền thì chết. Ai dám cãi lời quan?”.

Bàn đi bàn lại, cuối cùng, cả bốn tộc xử... huề, nghĩa là cả bốn tộc, tộc nào cũng là tiền hiền cả!

ĐĂNG ĐẠT

(Theo lời kể của ông Hứa Ngại, sinh năm 1925, hiện trú tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

 

;
.
.
.
.
.