Tuần qua, người Hà Nội đặc biệt chú ý tới chủ trương của HĐND thành phố thảo luận và quyết định tiếp tục triển khai dự án Thành phố bên sông Hồng đã tổ chức triển lãm xin ý kiến của nhân dân từ năm 2008. Theo dự án này, trục chính của TP. Hà Nội trong tương lai sẽ là 40km sông Hồng như trước khi mở rộng thành phố, với nhiều cụm kiến trúc, khu cây xanh, nghỉ ngơi, giải trí… tạo một bộ mặt mới cho Thủ đô của một nước có dân số 100 triệu dân trở lên. Theo dự toán ban đầu, dự án sẽ tiêu tốn 7 tỷ USD (khoảng 130.000 tỷ VNĐ), di dời ít nhất 39.100 hộ với 170.000 nhân khẩu, nạo vét, đào đắp hàng trăm triệu mét khối đất đá…
Trong khi dự án trên đang trong quá trình hoàn thiện, xin ý kiến, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, nhiều ý kiến đã được nêu ra (37,8% đồng ý; 30,5% đồng ý về cơ bản; 4,8% không đồng ý dự án) đều tập trung vào các vấn đề kỹ thuật như vấn đề chống lũ, vấn đề quỹ đất… nhưng một vấn đề quan trọng hàng đầu, đó là sự hợp tác của người dân hầu như chưa nhiều ý kiến đề cập, trong khi sự hợp tác, ủng hộ của người dân có thể là yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định thành bại của dự án này.
Nhìn lại quá trình xây dựng, chỉnh trang Thủ đô, dễ dàng nhận thấy khó khăn nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Con phố Xã Đàn từ nút Kim Liên đến Ô Chợ Dừa trên 1km được gọi là “con đường đắt nhất hành tinh” vừa trở thành một câu chuyện cửa miệng chưa lâu thì có thể sắp tới phải nhường kỷ lục đó cho đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu, với chiều dài chỉ trên dưới 500 mét vì tính sơ sơ, giá thành một mét đường đã tới 1 tỷ, chủ yếu là tiền đền bù đất mặt bằng. Nhưng rồi đoạn phố ấy cũng sẽ phải nhường vị trí “đắt nhất hành tinh” cho đoạn tiếp theo, từ Hoàng Cầu tới Voi Phục nếu đoạn này được mở mang nhằm hoàn thành vành đai 1.
Không chỉ đường, việc sửa chữa, nâng cấp và xây dựng nhà ở dân cư cũng chật vật không kém về giải phóng mặt bằng. Cùng với việc mở rộng Thủ đô, Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng trong việc nâng cấp các chung cư (khu nhà tập thể cũ) đã trở nên quá lạc hậu, xuống cấp. Đối với nhà ở cho sinh viên và người nghèo, nếu kể cả dự án 1.500 căn hộ ở Hà Đông vừa được phê duyệt, con số sẽ tới gần 3.000. Tuy nhiên, hầu hết các dự án trên đều dở dang hoặc chậm tiến độ, chủ yếu là vướng mắc ở giá đền bù dẫn đến chậm di dời, có trường hợp còn xảy ra rắc rối.
Không ai không vui mừng nếu mình được mua nhà với giá ưu đãi hoặc trả dần hợp lý. Không ai không yên tâm hơn nếu đang ở trong khu nhà đã nứt, lún, sập sệ có người đến sửa chữa, nâng cấp. Nhưng vì sao người dân lại không phấn khởi khi có nhà, được sửa nhà? Ngược lại, không có nhà đầu tư nào lại muốn công việc làm ăn bị trở ngại, chậm trễ nhưng vì sao vẫn cứ chậm, vẫn mất lòng người? Không có cấp chính quyền sở tại nào lại không muốn lòng dân yên bình, phố xóm êm thấm, đời sống trên địa bàn phồn thịnh nhưng vì sao ở không ít nơi, đó mới là ước mơ? Có những nguyên nhân của tình trạng người dân không đồng thuận với những chủ trương và việc làm nào đó, mà khi lòng dân đã không thuận thì việc khó mà thành.
Trở lại với dự án Thành phố bên sông Hồng, ai cũng nhận thấy đây là một dự án lớn, có tầm cách mạng với Thủ đô, kể từ nghìn năm nay, rất cần được triển khai nhưng niềm tin vào thành công của dự án thì chưa nhiều. Đến nay, ngoài thông tin báo chí và một vài cuộc triển lãm, công tác vận động, giải thích cho dân biết, dân bàn, dân làm chủ chưa được bao nhiêu, trong khi đó thì không chờ đến khi dự án được phê duyệt, đất đai hai bên bờ sông đang lên giá, các cuộc chạy chọt “dự án con” đang diễn ra rất khẩn trương, đời sống người dân phía trong vạch bút chì của dự án đang hằng ngày, hàng giờ bị xáo trộn. Nếu cứ đà này, không chỉ có những con phố mà hàng nghìn héc ta đất của Thành phố bên sông Hồng tương lai cũng sẽ tham gia vào câu lạc bộ “đắt nhất hành tinh”.
Một vấn đề đặt ra với Thủ đô nhưng cũng là đặt ra với các đô thị lớn của cả nước. Bài học khá hay từ việc đền bù, giải tỏa của Đà Nẵng vẫn thời sự. Mấu chốt là tạo ra sự đồng thuận của nhân dân.
Vũ Duy Thông