.

Tương phản

Cách đây không lâu, tôi có dịp đến Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây. Đây là một tổ chức phi chính phủ, trực thuộc Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á. Tôi thực sự choáng ngợp khi nhìn vào những đầu sách đồ sộ với những đề tài có giá trị học thuật, truyền bá văn hóa nhân loại rộng lớn:

Tuyển tập tác phẩm Puskin (5 tập); Tuyển tập tác phẩm Dostoevski (6 tập); Faust; Trang Tử - Nam Hoa Kinh; Phan Bội Châu toàn tập (10 tập); Kho tàng ca dao người Việt... và nhiều bộ sách quý hiếm khác, những tác giả tên tuổi đã vang dội khắp thế giới tôi mới được nghe tên, ví như M. Kundera, một nhà văn Pháp gốc Czech và cuốn tiểu thuyết để đời của ông “Cuộc sống không ở đây”.

Tôi biết, những đầu sách của Trung tâm VHNN Đông - Tây không phải dễ bán. Dẫu vô cùng kính trọng nhà yêu nước, nhà thơ đầy tâm huyết Phan Bội Châu, nhưng dễ nhà nghiên cứu nào có đủ tiền mua tới 10 tập sách của Cụ. Nhưng để có bộ sách đồ sộ khó bán đó, trung tâm đã phải chi ra một số tiền chắc chắn là không nhỏ.

Ông Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của trung tâm cho rằng, chúng ta có một đội ngũ dịch thuật nhiều kinh nghiệm, phát triển mạnh vào những thập niên 60 - 90. Nhiều bộ sách kinh điển của Pháp, Anh và đặc biệt của nền văn học Nga, được dịch và truyền bá rộng rãi. Các nhà văn vĩ đại như Balzac, Hugo, Flobe, Charles Diskens, L.Tolstoi, Dostoevski, Solokhov, v.v... đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam. Nhưng mươi, mười lăm năm lại đây, các nhà xuất bản phải chịu nhiều áp lực về tài chính.
 
Hơn nữa, khi tham gia luật bản quyền sẽ chịu nhiều rào cản. Nếu không được sự tiếp sức xứng đáng của Nhà nước cho dịch thuật thì đó là sự thiệt thòi lớn đối với người đọc. Họ không có nhiều lựa chọn để tiếp cận những đại diện của nền văn hóa, văn học hiện đại thế giới, đặc biệt trong thời đại hội nhập. Hằng năm, chúng ta đã không dành cho văn học dịch một khoản kinh phí đáng kể để tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài, làm phong phú văn học nước mình.

Lại sực nghĩ tới chuyện tượng đài. Chỉ trong một thập niên lại đây, không biết bao nhiêu tượng đài mọc lên ở khắp tỉnh, thành. Tuy nhiên, tượng đài ở Việt Nam chưa thể nói là quá nhiều. Nhìn ra một số nước, nhất là mấy quốc gia châu Âu phát triển thì mới thấy, tượng đài của Việt Nam chưa là gì. Tượng đài là một kênh hiệu quả để truyền giữ lịch sử, nhắc nhở mọi thế hệ hướng đến các bậc danh nhân có công vì nước, kiêu hãnh về lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông. Hãy hình dung đất nước mình thiếu vắng một Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc, một Quang Trung ở gò Đống Đa, một Nguyễn Du ở Tiên Điền hay Lý Thái Tổ trên đất Thăng Long - Hà Nội chẳng hạn... thì khó mà chấp nhận được.

Điều đáng quan tâm là chất lượng của tượng đài. Không nói tới những tượng đài tồn tại hàng trăm năm, hàng vài ba thập niên. Chỉ một vài năm, thậm chí một vài tháng, ví như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ mới vừa dựng lên đã phải chít, trát, gia cố. Tượng vua Lý Thái Tổ mới vừa khánh thành nay đã rêu xanh đổi màu.

Có người lý sự: Đồng, sắt phơi ngoài mưa nắng thì rỉ rỗ là... đương nhiên. Nhưng cũng là đồng mà sao Tượng vua Lê dựng đầu thế kỷ trước, đến nay vẫn đẹp. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cách nay đã 400 năm mà vẫn sáng bóng. Còn một điều nữa, thật sự bức xúc khiến nhiều người phải lên tiếng: ấy là những bức tượng vô hồn. Đã có người nghĩ, làm tượng đài là dịp đánh quả “siêu lợi nhuận”.

Có người còn quả quyết, thất thoát ít nhất cũng tới 20-30%. Cũng có thể là cực đoan quá chăng, nhưng nhìn vào ngân sách chi phí cho tượng đài, cũng dễ... rùng mình và xót. Tiền hàng tỷ ném vào tượng đài để rồi những khối sắt đồng, bê-tông vô hồn như trong một khuôn đúc lù lù chắn ngang một quảng trường nào đó thì phải gọi là tai vạ, đúng như họa sĩ Nguyễn Quân đã có lần nói, tượng đài làm không tốt sẽ phản tác dụng.

Ông Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Trung tâm VHNN Đông-Tây tỏ ra tiếc nuối, vì ít tiền nên nhiều dự định, nhiều công trình đã đưa vào kế hoạch, nhưng không biết có thực hiện nổi không.

Vâng, nếu có được một sự tiếp sức xứng đáng, ví như bớt đi một vài tượng đài kém chất lượng chẳng hạn, thì chắc chắn nhiều công trình sẽ được trung tâm thực hiện: Những nhà văn Việt Nam thế kỷ XX; Một thế kỷ Nobel văn chương; Tuyển tập tác phẩm Kafka, Kho tàng tục ngữ người Việt, v.v... và người đọc sẽ có may mắn tiếp nhận thêm tinh hoa văn hóa dân tộc và của Đông Tây giá trị.
 
Kính Hiền

;
.
.
.
.
.