.

Về cách phiên âm và phiên dịch các thuật ngữ - Kỳ 2: Dịch sai tên và nội hàm của khái niệm

.

“Chủ nghĩa hiện  sinh”  là gì? Thuật ngữ  này  rất  quen  thuộc  nhưng  ít  người hiểu đúng thực chất của nó, ngay cả những người nghiên cứu và giảng dạy triết học vì  thuật ngữ này  trong  tiếng Việt không đồng nhất với thuật ngữ gốc. “Hiện sinh” trong tiếng Việt có nghĩa là “đang sống”, nhưng  thuật ngữ gốc  của nó không  có nghĩa như vậy.

 

Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh” (existentialism (A), existentialisme (P) xuất phát từ gốc từ Latin “existentia”, nghĩa thông thường là “tồn tại”. Đây  trào lưu  triết học phi  lý  tính phát triển mạnh ở Đức và Pháp  trong và  sau Thế  chiến thứ hai. Thật ra  trong ngôn ngữ  thường ngày, being và existence (A) hay être và existence (P) đều có chung một nghĩa là “tồn tại”. Tuy nhiên, các nhà triết học hiện sinh lại phân biệt hai khái niệm này.

Theo họ, être (P); being (A); Sein (Đ) (dịch ra tiếng Việt là “tồn tại”) chỉ đơn giản là “có mặt ở đó”, nhưng không có ý  thức nên vô nghĩa, không đáng quan  tâm. Chỉ có existence  (A&P); Dasein (Đ) (được dịch ra tiếng Viêt là “hiện sinh” hay “hiện hữu”) là một thứ tồn tại đặc biệt - tồn tại có ý thức, mới là cái đáng quan tâm. Nhưng, ý thức mà họ nói ở đây không phải là lý trí hay ý thức khoa học, mà là một thứ xúc cảm chủ quan (sự lo âu, trăn trở, đau khổ, tự do, nổi loạn…) ở cá nhân riêng lẻ của con người “hiện sinh” và cảm nhận chủ quan mà con người hiện sinh gán cho đồ vật mà thôi.

Nhà hiện sinh Pháp Jean Paul Sartre (1905-1980) đưa ra  luận điểm nổi  tiếng “L’existence précède  l’essence”  (“hiện sinh có trước bản chất”, nhưng nhiều tài liệu nhầm là “tồn tại có trước bản chất”) nghĩa là con người sinh ra không có một bản chất vốn có nào cả; chỉ khi nào con người “hiện sinh” tức có ý thức về bản thân mình, tự do lựa chọn cho mình trở thành một cái gì thì anh ta mới có được một bản chất nào đó.

Đồ vật chỉ đơn giản là tồn tại, nó chỉ “hiện sinh” khi con người hiện sinh đem lại cho nó một ý nghĩa nào đó. Nhà nữ  hiện  sinh Pháp Simone  de Beauvoir (1908-1986) có câu nói nổi tiếng “On ne naît  pas  femme,  on  le  devient”  (Người ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ) cũng được hiểu theo cách tương tự như vậy. Như vậy, chủ nghĩa hiện sinh là trào lưu triết học chỉ quan tâm đến sự “hiện sinh”, một thứ tồn tại đặc biệt, chứ không phải là tồn tại nói chung.

Thuật  ngữ  “chủ  nghĩa  cộng  sản” được dịch  từ các  thứ  tiếng phương Tây (communism  (A),  communisme  (P), Kommunismus  (Đ),  коммунизм  (N). Các thuật ngữ này không hề có từ “sản” mà chỉ gần gũi với từ “chung” (common), “cộng đồng”  (community). Không phải ngẫu nhiên mà một tác giả đã giải thích: “communism = common + ism”. Việc dịch thuật ngữ này thành “chủ nghĩa cộng sản” là sai cả về ngữ nghĩa và thực chất của khái niệm. Communism nếu dịch chính xác phải  là “chủ nghĩa cộng đồng” chứ không thể  là “chủ nghĩa cộng sản” được.

Từ “chủ nghĩa cộng  sản”  tạo  ra một ấn tượng sai  lầm rằng xã hội  tương  lai mà chúng ta phấn đấu xây dựng phải là một xã hội mà mọi tài sản đều là của chung. Mặc  dù,  sau  này  người  ta  đã  cải  chính rằng không phải mọi tài sản mà chỉ có tư liệu  sản  xuất  là  của  chung, nhưng như vậy nó cũng không phản ánh được thực chất của chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm “communism” phản ánh mục đích phấn đấu là sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân trong cộng đồng xã hội. Nó đặt vấn đề ưu tiên của cộng đồng xã hội so với cá nhân, vì chỉ có trong một cộng đồng xã hội công bằng và phát triển lành mạnh thì mọi cá nhân mới có điều kiện phát triển tự do và toàn diện được; còn tư liệu sản xuất chung chỉ là con đường để thực hiện mục đích, chứ không phải là mục đích.

Các  thuật  ngữ  “conservatism”, “conservative  party”  được  dịch  sang tiếng Việt là “chủ nghĩa bảo thủ”, “đảng bảo thủ”. Các thuật ngữ này xuất phát từ động từ “conserve” (A) hay conserver (P) có nghĩa là giữ gìn, bảo tồn, bảo toàn. Cách dịch này sang tiếng Việt tuy không sai (“bảo thủ” có nghĩa là bảo vệ, giữ gìn”), nhưng vì trong tiếng Việt, từ “bảo thủ” thường được dùng với một nghĩa xấu, do đó người ta thường hiểu sai khuynh hướng chính trị này.

Thực ra, đây là một khuynh hướng triết học chính trị chủ trương giữ gìn, bảo tồn những giá trị, những thể chế (chính trị, văn hóa, đạo đức, tôn giáo, v.v...) đã qua thử thách trong lịch sử. Khi sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa bảo thủ”, vì không hiểu nguồn gốc của nó nên nhiều người thắc mắc tại sao trong nhiều nước tiên tiến, đảng “bảo thủ” lại có thể được quần chúng ủng hộ, như Đảng Bảo thủ Anh đã nhiều lần nắm được ghế thủ tướng; Đảng Bảo thủ Canađa hiện nay đang nắm chính quyền ở nước này từ năm 2006 đến nay.

Tiện đây cũng xin nói “Đảng Lao động” (Labour Party), một đảng trung tả theo đường lối “xã hội chủ nghĩa dân chủ” ở Vương quốc Anh không hiểu vì sao lại được dịch ra tiếng Việt là “Công Đảng”. Không chỉ các thuật ngữ được dịch từ các tiếng phương Tây, mà ngay cả một số thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc cũng không phải là đã được hiểu đúng.

Câu nói của Khổng Tử: “Tính tương cận,  tập  tương  viễn”  thường  được  giải thích  là: Tính người vốn  sinh  ra  là gần nhau nhưng do nhiễm những thói quen, tập quán xấu ngoài xã hội nên vì thế mà tính
người trở nên xa nhau. Ta thử đối chiếu với cách dịch câu nói này trong một giáo trình triết học ở Mỹ: “By nature, men are nearly alike; by practice,  they get  to be wide apart”. (Về bản tính, con người gần giống nhau; bằng sự rèn luyện mà họ trở nên xa nhau) (2).
 
Tính người (human nature phải được hiểu là bản tính tự nhiên của con người; chứ không phải là ý thức hay nhân cách, vì khi mới sinh ra, con người chưa có được những yếu tố này. “Nature” là tự nhiên khác với “culture”  (văn hóa, giáo dục). Bản tính tự nhiên của con người xuấ phát từ bản năng động vật, tức yếu tố “con” ở trong con người đòi hỏi phải được thỏa mãn cho cá nhân một cách tối đa, bất chấp lợi ích của người khác. Tuy nhiên, nhờ lớn lên và rèn luyện trong môi trường văn hóa mà con người kìm chế được những bản năng này và phát triển những phẩm chấ xã hội. Nhưng những phẩm chất xã hội ở mỗi người không giống nhau vì việc rèn luyện của mỗi người khác nhau.

Bài  thơ  “Dạ  bán”  (Nửa  đêm)  trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh có hai  câu: “Thiện,  ác  nguyên  lai  vô  định tính, Đa do giáo dục đích nguyên nhân”,   được Nam Trân giải thích: “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”. Cách giải thích này đúng, nhưng khi  dịch ra thơ, để bảo đảm vần điệu, Nam Trân dịch: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên” (3). Thật ra, thiện, ác dịch là hiền, dữ thì không chuẩn. Vì thiện, ác là thuộc về đạo đức; còn hiền, dữ là thuộc về cá tính; “hiền” chưa hẳn là “thiện”, “dữ” chưa hẳn là ác.

Qua một số ví dụ nêu trên, chúng tôi cho rằng để hiểu được thực chất và vận dụng đúng các thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, chúng ta không có cách nào khác là phải truy tìm về ngôn ngữ gốc của chúng. Mặt khác, chúng tôi đề nghị Nhà nước nên có những quy định thống nhất về cách phiên âm tên người, tên địa phương và cách dịch các thuật ngữ triết học, chính trị, xã hội tương đối thông dụng.

NGUYỄN TẤN HÙNG, Đại học Đà Nẵng

(1) (TQ): Trung Quốc; (H): tiếng Hy Lạp; (L): tiếng Latin; (A): tiếng Anh; (P): tiếng Pháp; (Đ): tiếng Đức; (N): tiếng Nga; (B): tiếng Bồ; (TBN): tiếng Tây Ban Nha.

(2) Douglas J. Soccio, Archetypes of Wisdom: An Introduction to Philosophy, Wadsworth Publishing,  Ohio, 2006. Giáo trình này cũng được Trường Đại học Towson sử dụng trong chương trình đào tạo quốc tế ở Việt Nam.

(3) Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.3, tr.283.

;
.
.
.
.
.