.

Afghanistan trước thềm bầu cử Tổng thống

.

Khoảng 2 tuần nữa, người dân Afghanistan sẽ đi bầu Tổng thống nhưng nhiều vấn đề, bao gồm an ninh và lo ngại về gian lận, đang làm gia tăng sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc bầu cử mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là một sự kiện quan trọng nhất ở quốc gia Nam Á này trong năm 2009. Đây cũng là lần thứ hai trong lịch sử, người dân Afghanistan đi bầu chọn người điều hành đất nước.

Áp-phích của các ứng viên Tổng thống và địa phương được dán khắp nơi ở Kabul. (Ảnh: NYT)

Với việc các phần tử nổi dậy Taliban có mặt ở nhiều nơi tại Afghanistan, nhiều người dân vẫn lo ngại về cuộc bầu cử ngày 20-8. Tuần vừa qua, Taliban đã phát thông điệp kêu gọi tẩy chay bầu cử và điều này có thể ngăn cản các cử tri ở miền nam - nơi hoạt động nổi dậy đang phát triển mạnh nhất.

Các quan chức bầu cử khẳng định, cuộc bầu cử sẽ vẫn diễn ra bình thường. Nhưng họ thừa nhận rằng an ninh không bảo đảm sẽ gây trở ngại cho khoảng 600 điểm bỏ phiếu (10% điểm bỏ phiếu trên cả nước). Các quan chức phương Tây cũng cảnh báo bầu cử sẽ không suôn sẻ, nhưng nhấn mạnh rằng họ đang hướng vào việc bảo đảm đủ các giám sát viên quốc tế và Afghanistan. Song, khả năng cho một cuộc bầu cử suôn sẻ là điều khó khăn trong bối cảnh những cuộc tấn công của các chiến binh Taliban lại vừa dấy lên trong những ngày qua.

Mặc dù uy tín ở chính trường trong nước và quốc tế giảm sút nhưng Tổng thống Hamid Karzai vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ so với 40 ứng viên khác. Trong khi đó, chỉ duy nhất cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah được cho là đối thủ mạnh nhất của ông Karzai. Nhiều người dân Afghanistan tin chắc rằng các cường quốc bên ngoài sẽ can dự lựa chọn người chiến thắng và ấn định kết quả. Các quan chức Afghanistan và phương Tây lo lắng rằng nhiều người dân có thể không chấp nhận việc bỏ phiếu và kết quả.

Theo những nhà phân tích, nếu họ không thể đi bầu cử vì an ninh bất ổn ở miền nam, thì Pashtun - nhóm tộc người lớn nhất ở quốc gia này và có liên hệ gần nhất với Taliban - có thể bị Chính phủ xa lánh. Giới phân tích cũng cảnh báo về sự bất ổn và các cuộc biểu tình mang phong cách Iran nếu cử tri phía bắc, vốn ủng hộ sự thay đổi của chính phủ, cảm nhận cuộc bầu cử bị thao túng.
 
“Chúng tôi lo lắng về sự gian lận trong việc đăng ký bầu cử và lo lắng về việc cử tri không thể đi bỏ phiếu vì an ninh không bảo đảm”, Richard C. Holbrooke, đặc sứ của Mỹ nói trong chuyến công du Afghanistan tuần trước. Ông Holbrooke còn bày tỏ sự quan ngại về tính chính xác của việc kiểm phiếu và khả năng phụ nữ tham gia bầu cử. Philippe Morillon, tướng Pháp về hưu dẫn đầu nhóm quan sát bầu cử của Liên minh châu Âu (EU) đến Afghanistan, trong một buổi họp báo ở thủ đô Kabul đã nói rằng, ưu tiên hàng đầu của ông là ngăn chặn gian lận.

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến độ và làm giảm khả năng gian lận trong bầu cử, các phiếu bầu sẽ được kiểm ngay tại các trạm bỏ phiếu. Các quan chức Afghanistan cho biết, sẽ có kết quả sơ bộ trong vòng 48 giờ, 2 tuần sau đó là khoảng thời gian dành cho khiếu kiện và tiến trình xác nhận kết quả. Song, theo các quan chức phương Tây, việc công bố người chiến thắng có thể mất nhiều thời gian hơn.

Ông Abdullah - đối thủ chính của Tổng thống Hamid Karzai - trong một chiến dịch tranh cử ở thung lũng Panjshir, phía bắc Kabul. (Ảnh: NYT)

 

Ông Abdu Hadi thuộc Ủy ban Bầu cử ở tỉnh miền nam Helmand cho hay, việc bầu cử tại nơi đây sẽ chỉ diễn ra ở các vùng an toàn ở những thị trấn chính. 1/3 khu vực được đặt dưới sự kiểm soát của Taliban nên sẽ không thể tham gia bỏ phiếu. Ở một số khu vực, như Kajaki, Taliban đã bao vây các trung tâm hành chính và không cho cử tri đi bỏ phiếu.

Ở tỉnh phía đông Paktika, giáp biên giới Pakistan, hơn 20% trung tâm bầu cử sẽ phải di chuyển hoặc phải hủy bỏ vì vấn đề an ninh. Các quan chức bầu cử ở thủ đô Kabul khẳng định rằng các cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Theo Azizullah Ludin thuộc Ủy ban bầu cử, khoảng 4,5 triệu cử tri đã đăng ký, vượt xa con số mong đợi. Song, vì lý do an ninh và văn hóa, phụ nữ đăng ký đi bầu vẫn thấp.

Hiện các lực lượng Afghanistan đang nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử, nhưng giới phân tích bày tỏ lo ngại khó có thể hoàn thành nhiệm vụ trên. Cuộc bầu cử lần này cũng được xem là phép thử quan trọng đối với những nỗ lực trong gần 8 năm qua của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm bình ổn quốc gia Nam Á này sau khi lực lượng Taliban bị lật đổ năm 2001.

PHÚC NGUYÊN

 

;
.
.
.
.
.