Nghèo khó, trong ánh mắt của nhiều người, là một cái gì đó thua thiệt, mặc cảm. Biết thân biết phận, người nghèo làm gì cũng liệu cơm gắp mắm, ngay trong cái sự cho con tới trường cũng là một tính toán lắm nỗi phân vân, dằn vặt. Nằm đêm, câu hỏi thường trực bật ra là: Làm thế nào để thoát khỏi cái nghèo dai dẳng?...
Nhóm “Năm người bạn” và con trai út anh Chiếu – người vào đại học từ nguồn vốn vay sinh viên nghèo. |
Nghèo, làm cái chi cũng phải tính
Các anh đưa chúng tôi chạy xe dọc theo con đường bê-tông loằng ngoằng gần bốn cây số từ đường 14B xuống tận sông Yên, đến nhà anh Huỳnh Tiến ở thôn Thạch Bồ. Nước sông đục ngầu sau trận mưa dông. Con đường này, lúc chưa bê-tông hóa chắc cực phải biết! Đang mở cửa, nghe tôi nói thế, anh Tiến nhìn ra phía mé sông:
Còn phải nói, mưa xuống một trận là đường trơn như mỡ, xe đạp thì ngoài đường quốc lộ nó chở mình, về đường nông thôn mình phải chở nó. Giữa nhà chất hơn chục bao lúa, anh dẹp gọn vài bao cho chúng tôi có lối đi vào. Anh lấy nông làm chính, lại kiêm luôn cả thợ nề, nên so với mọi người, gia đình anh không phải “đứt bữa” trong mùa giáp hạt. Cũng nhờ trời - anh bảo, chứ không thì lấy chi cho con ăn học.
Ông nội anh có 3 người con, nhưng nghèo quá, chỉ đủ sức cho chú út đi học. Chú anh chưa kịp góp tiếng thơm hay chữ cho cái làng quê heo hút bên sông Yên ngày ấy thì phút chốc đã trở thành liệt sĩ trước họng súng của quân Pháp. Mất đi đứa con biết chữ duy nhất, nội anh ngậm ngùi căn dặn cha và bác anh có cực chi cũng ráng cho con nó ăn học, chứ mang tiếng dốt thì nhục lắm.
Cha mẹ nghèo, anh ráng lắm cũng chỉ học đến hết tiểu học, nên quyết không để con mang tiếng dốt. Làm nông ngày trước cực đáo để, suốt ngày đầu tắt mặt tối, lo cho bốn đứa lần lượt lên trung học là cả một vấn đề. Lên cấp 3, đứa nào cũng học ở Trường Ông Ích Khiêm trong xã, nhưng học thêm toán, lý, hóa thì phải xuống tận nội thành Đà Nẵng. Mùa mưa, anh phải lội bộ từ dưới nhà lên tới UBND xã trên đường 14B để đón tụi nhỏ. Lũ lụt, trẻ con trong làng nhiều đứa nghỉ học, rồi bỏ học nửa chừng. Nhờ trời, cả bốn đứa con anh đều chăm học, mưa gió gì cũng nằng nặc đòi tới lớp.
Nghèo, làm cái chi cũng phải tính - anh bộc bạch. Như cái nhà, làm mái trước ngắn, mái sau dài để đỡ tốn phên. Nhưng nhà tranh vách đất thì qua một mùa lụt là năm sau phải làm lại. Cả xóm, anh nhà tre thì người ta nhà gỗ, anh lên nhà gỗ thì họ đã nhà xây. Riết một hồi, đến khi mấy đứa nhỏ nối nhau vô đại học thì anh hết tiền làm nhà. Thằng con đầu ở Sài Gòn, vợ chồng anh chưa chạy tiền gửi vô kịp, nó phải ăn chuối trừ bữa, nghĩ mà xót cả ruột. Ở quê, mượn 100 nghìn đâu phải dễ. Có điều, nhờ anh em, bạn bè giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất mà anh “qua quận” được.
Người-cầm-sổ-đỏ-nuôi-con-ăn-học
Hồng Thắm, con út anh Tiến, tạm thời coi hiệu sách giùm cho anh mình trong lúc chờ xin việc. |
|
Anh Tiến lúc đó cũng đang chạy từng bữa nuôi bốn đứa con, nhưng đến nhà bạn, thấy cái phên rách tươm, thương quá. Sẵn có nghề trong tay, anh bảo bạn: Con cái mi lớn rồi, ráng xây cái nhà cho tụi nó đỡ tủi thân, đừng ngại tiền bạc, để tao lo cho. Nói rồi, anh chạy mua chịu vật liệu về xây nhà và cho bạn “trả góp” tiền công trong 2 năm.
Lúc chúng tôi đến nhà, anh Chiếu vừa từ Đông Giang về lo chữa bệnh cho vợ. Ôn chuyện đời cơ cực, anh rưng rưng: Nói thiệt, không có thằng Tiến thì tui không có cái nhà cho tụi nhỏ yên tâm học hành như ri mô.
Trên bàn bày một cái vi tính xách tay với đống sách vở. Đứa đầu của anh tốt nghiệp đại học được nhận vô dạy ở Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, nó vay tiền mua cái laptop để lên lớp, còn thừa một ít gửi cho anh giải quyết chuyện cấp bách. Mấy đứa con anh nhận ra cái vất vả của cha mẹ nên rất ngoan, biết dìu nhau học. Hải, thằng con trai thứ ba của anh dặn em gái kế nó: Chừ thì để tao lo chuyện nấu cơm, rửa chén, mi chỉ lo học thôi, mà học răng thi cho đậu đó nghe. Vừa thương, vừa sợ ông anh, con bé gắng học và thi đỗ vô Đại học Kinh tế.
Trong năm anh em, anh Chiếu là người cực nhất. Có lần cha anh phải giấu mẹ anh, xúc ang lúa cho cả nhà anh ăn Tết. Nấu cơm, bao giờ vợ anh cũng úp riêng chén sắn lát lên trên cho vợ chồng anh, dành cơm cho tụi nhỏ. Có lần cần gấp tiền để đóng học phí cho con, anh mang “sổ đỏ” đi vay, nói là về chăn nuôi. Cán bộ ngân hàng đi khảo sát thực tế không cho, anh nói thẳng ra là vay để đóng học phí cho mấy đứa con đang học đại học, nhờ đó mà họ nể tình làm thủ tục. Cầm 10 triệu đồng trên tay, mắt anh đỏ hoe: Rứa là tụi nó không phải bỏ học nửa chừng…
Giàu kiến thức, trọng nghĩa nhân
Trong nhóm bạn năm người, anh Trần Thanh Bình, người một thời ngang dọc trên các chiến trường, nay về làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, là sui gia với anh Tiến. Anh Nguyễn Tịch, người từng giúp tôi gặp các nhân chứng để thực hiện loạt bài kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Phong, là anh con nhà bác của anh Chiếu. Từ trong vất vả, lam lũ, cả năm người đều giúp đỡ, động viên nhau để lo cho con cái tới nấc thang đại học.
Trong bốn đứa con tốt nghiệp đại học của anh Tiến duy có cô gái út chưa có việc làm. Anh Chiếu, thằng út đang học năm ba, bốn đứa ra trường thì thằng thứ ba Thanh Hải loay hoay hai năm rồi vẫn chưa có việc làm với tấm bằng điện kỹ thuật của Đại học Bách khoa. Cả hai đều đã “đổi đời” bằng sự giàu có từ kiến thức của con cái, tuy nhiên anh Chiếu vẫn còn lận đận khi vợ, do không tiền chạy chữa, đau gan và phù thận. Anh mong ước một sự diệu kỳ nữa đến với mình - vợ được lành bệnh và con tìm được việc làm, sau khi một điều kỳ diệu đã đến với anh: cả năm đứa con đều lên đại học.
Quay về, nghĩ đến cái nghĩa, cái nhân sau lũy tre làng mà chợt nao lòng khi cơn mưa mùa hạ xối xả trút xuống. Lũ lớn năm 2007, khi chưa có đoàn cứu tế nào về thì Thành con đầu anh Tiến, giám đốc một công ty trang trí nội thất trong Sài Gòn, đã gửi ngay một xe mì tôm ra tặng cho bà con trong làng.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ