.

Chân lý mãi sáng tỏ

.

Đã 64 năm từ ngày diễn ra sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (CMT8), một bước ngoặt lịch sử đối với đất nước ta, một sự kiện lớn gây chấn động và thay đổi bản đồ chính trị khu vực Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám là trang vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đưa dân tộc ta từ trong bóng tối nô lệ, đói nghèo ra ánh sáng của độc lập, tự do, hạnh phúc.

 

Nước ta liệu có độc lập hay không nếu như không có cuộc cách mạng dẫn tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945? Câu trả lời của chúng ta là nếu không có CMT8, không có việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào năm 1945, nước ta sẽ vẫn chìm trong đêm dài nô lệ nhiều năm nữa và vẫn phải đổ xương máu mới có thể có độc lập và chế độ chính trị ưu việt như ngày nay. Nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, CMT8 đã thành công. Đó là hạnh phúc lớn, may mắn lớn cho dân tộc, có được độc lập bằng con đường ít tổn thất nhất, nhanh chóng nhất và sớm nhất.

Vào thời điểm CMT8 bùng phát ở nước ta, trong khu vực và nhiều nơi khác trên thế giới cũng nổ ra các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nhưng đã bị đàn áp khốc liệt và đều thất bại. Rõ ràng là vào thời điểm lịch sử cuối những năm 40 của thế kỷ trước, không có con đường nào khác để có độc lập nếu không tranh thủ thời cơ, phát động nhân dân khởi nghĩa, dùng áp lực chính trị và vũ trang lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến như cuộc CMT8.

Cũng không có con đường nào khác để ít tổn thất nhất, ít đổ máu nhất, nhưng đạt được mục tiêu cao nhất là giành độc lập cho toàn dân tộc, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á như CMT8 đã đạt được. Ngày nay, vẫn còn những người cố tình hạ thấp ý nghĩa về CMT8, cố tình để các thế hệ không trải qua cách mạng, không trải qua chiến tranh hiểu sai lệch lịch sử, hiểu sai về Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó xa rời lý tưởng, xa rời truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Một vấn đề khác đó là Việt Nam liệu có bớt nghèo hơn, có phát triển hơn nếu chọn một cách đi khác? Đúng là đất nước ta phải trải qua hơn 30 năm hao người tốn của để bảo vệ nền độc lập non trẻ. Những cuộc chiến tranh ấy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ. Nhưng cần hiểu rằng, chúng ta đã cố gắng hết sức để mong không có các cuộc chiến tranh đó nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng.

Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lần tới”. Phải chấp nhận các cuộc chiến tranh là nằm ngoài ý muốn của chúng ta. Nhưng tuy trải qua vô vàn hy sinh gian khổ, chiến thắng trong các cuộc chiến tranh đó lại là tiền đề cho công cuộc thoát đói nghèo, đổi mới, phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn. Những tiền đề thuận lợi đó, nhiều nước khác đã không có. Tuy họ đi trước ta về trình độ phát triển nhưng họ không thể giải quyết được nhiều mâu thuẫn từ bản chất của chế độ chính trị.

Chưa phải là tất cả, nhưng chỉ sau 20 năm, nhiều điều cách đây ít năm còn là ước mơ, nay đã thành hiện thực. Từ một nước thiếu gạo nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo, đồng thời đứng trong tốp đầu những nước xuất khẩu cà-phê, hạt tiêu, hạt điều, mủ cao su, cá và tôm nước ngọt… của thế giới. Từ một quốc gia phải nhập khẩu 100% dầu mỏ, nay ta đã có dầu thô xuất khẩu và xăng sản xuất trong nước. Từ một quốc gia hầu như trắng về điện nay đã có mặt trong những nước có sản lượng điện lớn.

Việt Nam cũng đang trên đường để tự túc được xi-măng, phân bón, thép, vải, quần áo may sẵn và nhiều hàng hóa khác. Đời sống của người dân tuy còn khó khăn nhưng đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam được Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, bình đẳng xã hội.

Mỗi năm, kỷ niệm CMT8 và Quốc khánh 2-9 là dịp để mỗi người nhìn lại chặng đường đã qua, vững tin đi tới. Sự vững tin đó không chỉ căn cứ vào những thành tựu nhờ CMT8 mang lại mà còn từ những chân lý lịch sử không một thế lực xấu nào có thể xuyên tạc, làm lu mờ.

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.