.

Cô gái mặc váy ngắn bước lên tàu điện

.

Mưa xuân rơi xuống trên thảm cỏ.

Đoàn tàu sắp tới. Duy nhất trong thành phố mới có một đường line tàu điện ngầm này.

Mới năm ngoái, cả thành phố chịu hít bụi khi đi qua đoạn đường phố ngổn ngang sắt thép công trường. Mới năm ngoái mưa ngập khắp thành phố. Cả công trình ngập lút có nguy cơ lún sập. Vậy nhưng năm nay, tàu điện ngầm đã chạy thử. Đoàn tàu mới choang có bảy khoang nối nhau chạy lắc lư trên đường ray được đặt ngầm dưới lòng đất thành cổ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chưa có mấy ai dám đi tàu điện ngầm dưới lòng đất cứ có nguy cơ dọa sụt lở, dọa đổ xuống đầu khách ngồi tàu hàng tấn đất đá bê-tông. Họa may chỉ có những người trẻ tuổi - những người trẻ tuổi thường chưa sợ chết - là dám mua vé tàu, chui qua chỗ chắn ghi, quệt thử cái vé tháng bằng bìa cát-tông vào lỗ kiểm soát rồi đứng chờ con tàu đến.

Cô gái mặc váy xanh dương ngắn đến đầu gối. Gương mặt hơi tai tái ngước nhìn về phía mà lát nữa đoàn tàu sẽ chạy tới. Cô ngáp liền mấy cái. Chiếc túi bằng sợi đay dệt to bằng nửa cái bảng đeo bên vai cứ kéo sệ một nửa người cô xuống. Cô rút trong cái túi sợi đay ra một chiếc điện thoại màu trắng và a-lô:

“Em đang rất mệt anh ạ. Em mệt lắm. Bao nhiêu việc quanh cái bàn chất đầy tài liệu đây này”.

Phía bên kia, dường như đang rảnh:

“… tặc tà… tắc… tắc…”.

Giọng cô gái lả ra vì có vẻ là cô mệt thật:

“Thôi để mai anh nhé. Em phải làm xong mấy cái văn bản cho sếp. Mà làm xong thì cũng hết buổi chiều đấy. Buổi tối thì em phải đi dạy rồi. Anh không nhớ hôm nay em có hai giờ gia sư cho con bé người Đài gốc Việt à?”.

Bên kia lại “tắc tắc tắc” một tràng nữa. Cô kiên nhẫn nghe. Mắt vẫn liếc về phía sẽ có đoàn tàu điện ngầm duy nhất chạy tới.

“Thôi anh ạ. Em đi dạy kiếm tiền ít nhưng cũng thấy vui. Phụ thuộc vào anh, nhỡ đâu có ngày…”.

Cô khẽ nhếch mép. Rồi nũng nịu:

“Đấy là anh cứ tự rót vào tài khoản cho em đấy nhé. Nhưng mà dù sao tối nay em vẫn phải đi dạy. Mai em sẽ liên lạc lại với anh mà”.

Bên kia tiếng tắc tắc ọ ẹ lồng lên cao.

Chiếc váy cũng lồng lên:

“Bảo cái chỗ nhà nghỉ mình vẫn tới ấy á? Thế mà cũng hét rõ to. Đang trong văn phòng yên tĩnh mà phải hét to thế. Nhỡ sếp vào thì chết. Sếp á? Lão ấy chạy đi đâu rồi. Không khéo lại con nào kéo. Biết rồi. Mai khắc tới. Tai em điếc đặc rồi đây này”.

Cô đứng dưới mưa bụi, cùi tay quơ cao quệt mấy sợi tóc mai.

Lại tiếng gì kêu lục bục trong cái túi sợi đay. Cô gái rút trong đó ra chiếc điện thoại khác màu ghi sáng. Cô cười với chiếc máy. Gương mặt cô thoáng chút ửng hồng.

“Dạ, em đây ạ. Em đang chờ tàu về quê. Mẹ em hình như đang ốm nặng lắm, nhưng bà giấu không cho em biết. Chỉ nhắn người bảo em về mấy hôm thôi”.

Bên kia nói nói cái gì dường như tha thiết lắm. Cô gái làm nũng với cái máy:

“Thôi, em ngại lắm. Những ngần ấy tiền mà anh không sợ bà chị nhà anh phát hiện ra à? Em cũng có ít tiền trong túi đây rồi. Ở quê thì cũng không cần tiêu nhiều tiền đâu anh ạ. Quanh quẩn mấy cái lá xông là sẽ khỏi thôi mà”.

Bên kia lại nói nói cái gì như là một cái lệnh, giống như con trỏ chuột đã bấm vào nút save.

Thế nên cô đành bảo:

“Thôi cũng được ạ. Em cám ơn anh nhiều lắm. Số tiền anh cho hôm trước, ở quê em đong được hàng tấn gạo ngon. Nhưng ở cái đất thị thành này, anh biết rồi, em chỉ sống được vài ngày là hết. Sao? Anh bảo sao? Em cũng không biết vì sao lại phải tiêu ngần ấy tiền mà chưa để ra được đồng nào. Em còn phải tiết kiệm tới nỗi đoạn nào cần đi bộ là sẽ đi bộ, đoạn nào lên tàu điện ngầm để đến được công ty là em đi tàu điện ngầm”.

Bên kia lại bấm nhách một cái vào lệnh save.

Cô gái chau mày:

“Dĩ nhiên, mọi người còn sợ đi cái loại tàu điện ngầm ấy. Mới thử nghiệm ở cái đất này nên dĩ nhiên là nguy hiểm phải không anh? Em thì phải đi hằng ngày. Trên tàu chỉ thấy toàn bọn công tử choai choai tò mò, bọn vô công rỗi nghề, bọn móc túi sa cơ lỡ vận. Chẳng thấy có ai ra mặt đại gia đi cái loại di chuyển kiểu này đâu anh ạ. Giá vé rẻ ghê người. Thử nghiệm mà. Quệt cái các qua cửa ghi-sê còn lâu hơn luồn người chui qua. Cái bọn kia chúng có mua vé tàu tháng hay ngày gì đâu. Cứ chui qua, bảo vệ không kịp giữ đã nhảy mất lên tàu rồi. Việt Nam mình độc thế mà”.

Bên kia im lặng. Cái im lặng cảm thán này mang sắc thái bụng phệ, dư thừa mỡ.

Cô gái lại nói như độc thoại:

“Dù sao thì cái chết cũng đâu có đáng sợ như mọi người nghĩ. Có thể ầm một cái, đất sụt xuống và tất cả vĩnh viễn bị chôn vùi. Không biết gì. Không cảm thấy gì. Không còn cuộc đời. Không còn những cuộc hẹn…”.

Cô nhổ một cái xuống cỏ.

Bên kia có tiếng gì rít lên như cuộc di chuyển vị trí máy.

Cô di di đôi giày đen có cái nơ rất xinh xuống cỏ.

“Anh bảo chưa gặp ai hấp dẫn như em sao? Em không tin đâu. Chẳng lẽ một người lịch lãm, thành đạt như anh lại chưa hề gặp một bóng giai nhân? Em chỉ là một sinh viên mới ra trường, công ăn việc làm chưa ổn định. Mọi sự đến với em nhỏ bé và nhạt nhẽo… Duy chỉ có anh… Nhưng anh lại đã có vợ…”.

Hai bên cùng im lặng. Giống như vở kịch đang hồi rất buồn thảm.

Bỗng lại có tiếng gì đó réo rắt trong túi. Cô gái vội vàng một tay lục tìm, một tay ấp cái di động màu ghi sát vành tai:

“Thôi anh nhé. Hình như tàu đang đến. Anh có nghe thấy không? Tàu đang đến. Tiếng nhạc điện thoại à? Em không biết. A, là tiếng nhạc di động của người khách chờ tàu ấy mà”.

Cô vung tay ném tọt cái máy màu ghi vào túi.

Lần này, cô gái lại lôi ra một chiếc di động khá xinh xắn, mốt mới bên Hàn, máy không gập, hình vuông, màu đỏ chót. Máy vang lên chuỗi nhạc chuông, bản nhạc đang được thịnh hành trong thành phố. Cô gái không vội vã, cô cầm cái máy ngắm nhìn nó reo. Gương mặt cô bất động, thoáng run rẩy trên vành mi. Phía đằng xa, dường như tàu đang đến.

Cô bấm nút OK. Tiếng ai đó mằn mặn, ấm ấm, nhưng thật xa xôi. Mưa phùn rơi nhẹ trên lối vào cửa ga tàu, phả lên mùi cỏ. Bàn tay cầm chiếc di động thon thả và dịu hiền.

“Anh đấy à”.

“Em đang chờ tàu. Em đi tàu điện ngầm anh ạ”.

“Việt Nam mình bây giờ có tàu điện ngầm rồi. Mới có một đường tàu thôi”.

“Khi nào anh về nước, em sẽ đưa anh đi ngắm những nơi mà con tàu sẽ đi qua. Rất đẹp. Em thường đi như thế hàng giờ liền. Con tàu chui dưới lòng phố cổ. Đi qua những công viên xanh. Thi thoảng nó trườn lên cao và từ trong khoang tàu, có thể ngắm được tháp Hồ Gươm, ngắm những tòa nhà mới tinh lấp lánh…”.

“Em làm gia sư mỗi tuần ba buổi. Còn lại thì ngồi nhà đọc tài liệu, tìm kiếm những cơ hội có thể…”.

“Vâng, là em nói cơ hội mở một cửa hàng nhỏ, hay đại loại như thế anh ạ”.

“Em có thể trở thành nhà báo. Em đã viết được một vài bài xung quanh chuyện đi tàu điện ngầm ở ta, đã được đăng ở tờ Hôm nay rồi đấy. Bên đó anh có thể mở mạng ra xem mà. Nhưng em sẽ mở một cửa hàng bán đồ hóa mỹ phẩm.
 
Em thích kinh doanh những thứ mà hằng ngày người ta vẫn phải mua về dùng. Em thích làm chủ, không thấy chuyện xin vào làm ở một công ty nào đó là phù hợp với mình. Hôm kia em đến công ty MC để họ phỏng vấn. Họ hỏi em có muốn gắn bó lâu dài với công ty không? Em bảo có. Họ lại hỏi, em có thể làm tốt nhất việc gì? Em bảo là em có thể làm chủ được bản thân mình tốt nhất. Họ nghĩ em kiêu ngạo.

Có thể em kiêu ngạo thật. Mà, em cũng làm thơ nữa. Em làm để tặng cho một người... Chắc anh đoán ra thôi. Em không biết làm nhà thơ thì như thế nào, nhưng cũng thích thử xem. Em đã viết được hàng chục bài thơ. Cũng hơi dê dễ anh ạ. Em… em cũng rất… nhớ anh… Em sẽ chờ anh về…”.

Lúc đó mưa dày hạt hơn. Gió thổi thốc từng cơn xuống cái ga ngầm dưới đất, thổi tung tà váy màu xanh. Tà váy lụa lóng lánh những hạt nước mưa đầu năm.

Con tàu đang trườn tới. Phía trên đầu đám hành khách là đường phố đang tấp nập người và xe các loại. Tiếng động khủng khiếp của đường phố như có nguy cơ chụp xuống đầu những chàng trai cô gái đang chờ tàu điện ngầm.

Con tàu đã đến.

Nhốn nháo khách lên xuống và rồi nó lại lắc mạnh để đi tiếp. Cô gái mặc váy màu xanh ngắn đến đùi nhảy lên con tàu thành thạo và đầy quyến rũ.

Cô không đẹp. Nhưng đàn ông ai cũng ngoái nhìn theo cô.

Cô lắc lắc cái túi sợi đay của mình. Mấy cái di động bị lắc qua lắc lại, rồi nằm trật tự trong lòng túi.

Cô cố hình dung gương mặt người con trai vừa nói chuyện với mình. Cô khép đùi và ngồi xuống một cái ghế bên cạnh cửa sổ tàu.

18-2-2009

Truyện ngắn của VÕ THỊ XUÂN HÀ

;
.
.
.
.
.