.

"Đá thắng cho dân sướng, đá đẹp cho dân vui"

.

Sau 17 năm chờ đợi, trong cả thật nhiều hy vọng đến cùng thất vọng, người hâm mộ Đà Nẵng cũng tận hưởng tột cùng hạnh phúc. Ngày 2-8-2009, nhà cầm quân trẻ tuổi Lê Huỳnh Đức và các học trò đã mang về cho bóng đá Đà Nẵng ngôi vô địch như ước muốn bấy lâu.

Cách đây 17 năm, bóng đá Đà Nẵng từng một lần đăng quang bằng “thế hệ Vàng” với những Toàn, Hùng, Thìn, Lợi…

Có ai đó từng cho rằng, ở V-League 2009, SHB Đà Nẵng đã có may mắn khi hành trình của họ không có nhiều chông gai, thử thách. Quá nhiều ứng viên vô địch đã tự “bắn vào chân mình” ngay từ vòng khởi động hay cũng lắm “đại gia” không tạo được sự đột phá cần thiết bởi những hạn chế trong chính sách chi tiêu. Chẳng ai phủ nhận thực tế, nhưng đó cũng chính là nỗi đau quá khứ của bóng đá Đà Nẵng mà những nhà cầm quân như Lê Thụy Hải, Trần Vũ từng nếm trải.

Cách đây đúng 5 mùa giải, trên sân Chi Lăng, người hâm mộ Đà Nẵng giương cao những câu khẩu hiệu: “Đá đẹp cho dân sướng. Đá thắng cho dân vui”. Thế nhưng, trận thua 1-2 đầy nghi vấn trước Thép - Cảng không chỉ khiến các cổ động viên phẫn nộ mà còn đẩy Đà Nẵng ra khỏi cuộc đua vô địch cùng Gạch Đồng Tâm Long An. Một cú tự “bắn vào chân” khác lại đến với Đà Nẵng ngay mùa giải sau đó, khi thầy trò HLV Trần Vũ dẫn trước các đối thủ chủ yếu đến 11 điểm sau lượt đi. Để ở lượt về, cú “rơi tự do” kéo Đà Nẵng xuống hạng 7 chung cuộc đầy cay đắng.

Sau cuộc chuyển giao, đại biểu bóng đá Đà Nẵng đã có một mùa giải khá “tử tế” với vị trí thứ 4 chung cuộc tại V-League 2008 và niềm tin bắt đầu trở lại với người hâm mộ. Vì thế, khi V-League 2009 khởi tranh, giới cổ động viên Đà Nẵng không hề nghi ngại thầy trò Lê Huỳnh Đức.

Không có những vụ mua sắm cầu thủ ào ạt với những khoản “tiền tấn”, không có được một đội hình trong mơ như Bình Dương, SHB Đà Nẵng chỉ nhập cuộc với sự tự tin khi toàn bộ thành viên đều cùng hướng đến mục tiêu chung như đánh giá ban đầu của Lê Huỳnh Đức:

- Tất cả bắt nguồn từ việc từng bước hình thành ý thức chuyên nghiệp ở mỗi thành viên của đội bóng cùng với việc xây dựng và thực hiện quy chế khen thưởng - kỷ luật rõ ràng, minh bạch.

Việc quy tụ được cầu thủ, dĩ nhiên, là thành công lớn nhất của mọi nhà cầm quân. Khi từng khoác áo cầu thủ, Lê Huỳnh Đức nhận thức rất rõ, “trong bất kỳ đội bóng nào cũng có những vấn đề nội bộ và rất khó lường. Vì thế, chúng tôi càng hạn chế tối đa những sai số, sẽ càng tốt hơn”.

Chỉ cần như thế, một tập thể đã có được sức mạnh tinh thần ở mức tối đa. Và một khi biết huy động kịp thời và đúng lúc năng lực cầu thủ, SHB Đà Nẵng có thể tạo dựng cho mình một vị thế xứng đáng trên đấu trường V-League.

Sau những thành công ban đầu, đã có một số cầu thủ biểu hiện sự tự mãn, chủ quan. Và không ít những mắt xích khá yếu này đã làm hỏng toàn bộ hệ thống vận hành của SHB Đà Nẵng trong những trận đấu mà lẽ ra, họ thừa khả năng giành trọn vẹn 3 điểm. Luôn giữ vững quan điểm, Lê Huỳnh Đức bộc bạch: “Theo chúng tôi, SHB Đà Nẵng vẫn chưa phải là một đội bóng xuất sắc. Thực tế, chúng tôi đã có không ít trận thắng nhờ may mắn. Vì thế, bất kỳ một sự khinh suất nào, đội bóng sẽ phải trả giá ngay”.

Và bây giờ, Lê Huỳnh Đức đã trở thành “người hùng” của bóng đá Đà Nẵng tại V-League 2009.

 

Những điều chỉnh kịp thời đã giúp không ít cầu thủ Đà Nẵng “trở về mặt đất” sau những thời khắc “sống trên mây”. Để từ đó, tất cả bắt đầu giũ bỏ được sự hào nhoáng bề ngoài để nhận biết rằng, cần phải “Đá đẹp cho dân sướng. Đá thắng cho dân vui”. Bất chấp dị nghị trước đó, SHB Đà Nẵng không ngần ngại quật ngã “người anh em” T&T Hà Nội đang khốn cùng. Thậm chí, trước một Nam Định đang “khát điểm” và dù chỉ cần 1 điểm thôi, cũng đủ lên ngôi, thầy trò Lê Huỳnh Đức vẫn thể hiện một bộ mặt nghiêm túc để giữ lại cả 3 điểm trên sân nhà.

Sau những thất bại bị xem là “vết xước” trên chiếc Cúp Vô địch V-League 2009 của SHB Đà Nẵng, dường như giá trị của “tân Vương” bóng đá Việt Nam vẫn không thay đổi. Quá khó để một nhà vô địch “bất khả chiến bại” trong một cuộc đua đường trường. Điều quan trọng hơn khi SHB Đà Nẵng đã biết gạt bỏ quá khứ hết sức chóng vánh để khởi đầu cho một tiến trình chuyên-nghiệp-thực-sự. Hơn thế nữa, khi biết “Đá đẹp cho dân sướng. Đá thắng cho dân vui”, thầy trò Lê Huỳnh Đức đã được rất nhiều, cả quyền lợi vật chất, danh vọng và lớn nhất vẫn là sự mến mộ của những người yêu bóng đá chân chính.

Và từ hạnh phúc tột cùng của buổi chiều 2-8 vừa qua, Lê Huỳnh Đức và các học trò sẽ cảm nhận rõ nét hơn nữa những gì cần phải làm, để niềm vui hôm nay không chỉ là dĩ vãng.

NGUYÊN AN

 

;
.
.
.
.
.