.

Điểm sáng trên hành trình du lịch đường bộ

.

Nhằm tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ du lịch (DL) Việt Nam vượt qua những khó khăn thử thách do khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh; đẩy mạnh DL nội địa, tuần qua, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng cục DL Việt Nam đã chủ trì Hội thảo quốc tế phát triển DL đường bộ Việt Nam. Sự có mặt của các Đoàn quan chức DL Thái Lan, Lào, Campuchia, và doanh nghiệp DL 20 tỉnh, thành Việt Nam, đã nói lên vai trò quan trọng, hấp dẫn của DL đường bộ Việt Nam, trong đó DL đường bộ trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) được xem như là một sự khởi đầu sôi động trong thời gian qua.

Trên đường lữ hành.

DL đường bộ Việt Nam vẫn hình thành 3 cụm, hoặc 3 trung tâm phát luồng, hình thành tự nhiên ở 3 vùng của đất nước. Luồng thứ nhất, trung tâm xuất phát từ Hà Nội và vùng Hà Nội, có thể rẽ nhánh đi lên Tây Bắc rồi qua Bắc Lào, nhưng hướng chính vẫn là phía Bắc và Đông Bắc và qua các tỉnh Trung Quốc. Luồng thứ 2, trung tâm xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, đi qua các cửa khẩu đường bộ ở Mộc Bài, Tây Ninh, Xà Xía, Kiên Giang… để sang Campuchia.
 
Trong đó thuận lợi và đang phát huy tốt là đi ngả Xa Mát, Mộc Bài, tuyến này tương đối ngắn, khoảng 350km và đi bằng xe buýt đến thẳng Phnôm Pênh và Siêm Riệp trong ngày, gắn với di sản thế giới nổi tiếng Ăngco Vát, Ăngco Thom. Tuyến này không chỉ thuận lợi cho việc phát triển DL inbout mà cả thu hút khách từ nước thứ 3 vào Việt Nam, sau khi thăm thú đất nước Chùa Tháp. Đa dạng và đáng chú ý hơn cả là luồng thứ 3 của DL đường bộ Việt Nam, nối với bên ngoài ở khu vực miền Trung –Tây Nguyên.

TP. Đà Nẵng là địa phương có những yêu tố nổi trội trong khu vực, cơ sở hạ tầng hiện đại, tốc độ phát triển nhanh, môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, có cảng biển và sân bay quốc tế, là điểm giữa của các di sản thế giới, và là điểm cuối ra biển Đông của Hành lang kinh tế Đông Tây… Trong khi đó, Huế và Quảng Nam, mỗi địa phương có đến 2 di sản thế giới, có nền văn hóa lâu đời, nhiều di tích, danh thắng… Các địa phương khác, có nơi vừa có cửa khẩu quốc tế vừa có di sản nổi tiếng, có địa phương đang nỗ lực vươn lên giữ vai trò quan trọng trong khu vực.

Sự trỗi dậy giành vai trò trung tâm DL ở các tỉnh miền Trung đều đáng khích lệ. Vấn đề ở đây là phải tìm ra một cơ chế để vận hành phù hợp, liên kết tạo nên sự hợp lực để phát triển, chứ không phải sự phân lực, cạnh tranh, chia cắt, đứt đoạn, nhất là trong lĩnh vực hoạt động DL vốn đa biên và mang tính cộng đồng, xã hội hóa cao.

Sự phát triển của DL đã giúp cho các tỉnh ở miền Trung xích lại gần nhau hơn, qua sự kết nối của các cung đường DL, Con đường Di sản miền Trung, Con đường Xanh Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh huyền thoại..., và nay mai sẽ có Con đường Ven biển miền Trung và Con đường Hữu Nghị, nối các dân tộc anh em trên Hành lang Kinh tế Đông Tây. Các tỉnh miền Trung đã chủ động gắn kết với nhau để tạo ra những sản phẩm DL độc đáo như Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam, 3 địa phương một điểm đến, các tỉnh Nam Trung bộ chuẩn bị cho ra đời sự kiện Phú Yên-400 năm gắn với duyên hải miền Trung...

Từ khi có chính sách cởi mở về DL, các cửa khẩu ở miền Trung đã đón tiếp gần 200 đoàn khách caravan, 3.500 xe ô-tô tự lái qua các ngả Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y, mỗi năm đã góp thêm cả trăm ngàn du khách quốc tế vào miền Trung bằng đường bộ.

Theo lịch trình, cuối năm 2009, cầu Hữu Nghị 3 vượt sông Mê Công, nối Nakhôn Phanôm (Thái Lan) và Thà Khẹt (Lào) sẽ giúp cho đường 22, qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình trở thành con đường ngắn nhất từ đất Thái vào di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, rồi con đường nối Quảng Nam với Sê Công (Lào) qua cửa khẩu Đăk Ốc đang được Đà Nẵng thúc giục đầu tư...

Tất cả đã làm cho DL đường bộ miền Trung trở nên sôi động, làm thay đổi nhận thức của những nhà quản lý xưa nay, chỉ kỳ vọng ở DL hạng sang, vào bằng tàu bay, tàu thủy. Qua thử thách mới thấy DL đường bộ, DL nội khối, nội địa cũng không hề kém cạnh gì, nhưng lại mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng hơn và đang giúp ngành DL vượt qua khủng hoảng một cách ngọan mục. Không cần “Tây” mà các khách sạn ven biển miền Trung cũng chẳng còn phòng suốt những tháng hè qua.

Lang thang trên những con đường đẹp ven miền Trung... và tôi chợt nghĩ về tương lai của mảnh đất này đang đến hồi "tận khổ, cam lai", đổi thay số phận bằng những cung đường DL đường bộ đang nhanh chóng mở ra?

DƯƠNG ĐĂNG CAO

;
.
.
.
.
.