.

Đối phó dịch cúm mùa tựu trường

.

Ngày 24-8, toàn bộ học sinh của TP. Đà Nẵng sẽ bắt đầu bước vào ngày học đầu tiên của năm học mới 2009-2010. Tâm trạng của học sinh, phụ huynh và giáo viên đều khá lo lắng, trước tình hình dịch cúm A/H1N1 ngày càng diễn biến phức tạp…

Lo nhất là cúm

Phun thuốc phòng dịch cúm A/H1N1 của ngành Y tế Đà Nẵng. (Ảnh V.T)

Chị Huỳnh Thị Hoa (Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) những ngày này tất bật chuẩn bị cho 2 đứa con bước vào năm học mới. “Trước, mỗi khi đến năm học mới là lo tiền học cho con, lo sức khỏe con cái không đủ gánh vác lịch học dày đặc, lo con học yếu… Giờ thì lo nhất lại là dịch cúm!”, chị Hoa tâm sự.

Vì vậy, cứ thời gian rảnh rỗi là chị lại lên mạng, tìm kiếm những thông tin về cách phòng ngừa dịch cúm, để trực tiếp hướng dẫn cho con. Trường hợp của chị Hoa không phải là cá biệt, mà hầu hết phụ huynh đều mang tâm lý đó trước ngày tựu trường của con cái mình.

Ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã có rất nhiều động thái tích cực để chuẩn bị đối phó với dịch cúm A/H1N1. Ngày 23-8, toàn bộ các trường học trên địa bàn TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức họp phụ huynh, mà trọng tâm của buổi họp chính là việc tuyên truyền, phổ biến về tình hình dịch cúm A/H1N1. Thông qua đó, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn cho phụ huynh thường xuyên theo dõi, quan sát con em mình, ngay khi phát hiện có dấu hiệu dịch bệnh, nên tiến hành các biện pháp cách ly, chăm sóc sức khỏe và đưa đến các cơ sở y tế kiểm tra, xét nghiệm. Bằng phương pháp đó, hy vọng hạn chế được sự lây lan trong cộng đồng và các trường học.
 
Đồng thời, ngay từ đầu năm học, sẽ phát động phong trào “Mỗi học sinh tự kiểm tra, tự bảo vệ mình” để phòng dịch. Tổ chức cho học sinh đọc tài liệu, hướng dẫn học sinh tự kiểm tra để chắc chắn là mình không có triệu chứng nhiễm cúm.

Theo ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng, thì công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 là nội dung quan trọng và cấp bách trong các cơ sở giáo dục. Sở GD-ĐT thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm, với những số điện thoại đường dây nóng của ban chỉ đạo là (0511) 3821066. Mỗi trường học từ mầm non đến THPT đều thành lập một ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1. Ngay trên website của ngành GD-ĐT cũng thường xuyên cập nhật những thông tin về tình hình dịch cúm A/H1N1 để giáo viên, học sinh có thể chủ động tìm hiểu về tiến triển của dịch, có cách phòng ngừa hợp lý.

“Chủ động phòng ngừa”

Học sinh Trường mầm non 20-10 được hướng dẫn cách rửa tay bằng xà phòng hết sức kỹ lưỡng.  

 

Đó chính là tiêu chí mà lãnh đạo ngành GD-ĐT Đà Nẵng đặt ra đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để đối phó với dịch cúm A/H1N1. Ngành còn chọn khẩu hiệu trước khai giảng năm học 2009-2010 là “Thầy và trò nhà trường sẵn sàng ngăn ngừa và khắc phục hậu quả dịch cúm A/H1N1”. Các trường học có điều kiện, có thể tổ chức cho học sinh đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh - GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, hiện nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa theo yêu cầu của ngành y tế.
 
Hầu hết các trường đều phải chuẩn bị một cơ số khẩu trang lớn để đề phòng khi có dịch xảy ra trong nhà trường, lập tức có để trang bị phòng ngừa cho những học sinh khác. Cụ thể nhất là các trường mầm non và tiểu học có bán trú, các em nhỏ đều được thầy, cô giáo ở đây hướng dẫn thực hiện một cách nghiêm túc quy định về vệ sinh môi trường. Đến các trường mầm non và tiểu học có bán trú những ngày này, đều dễ dàng nhận thấy các em đã được hướng dẫn rửa tay thường xuyên bằng xà phòng một cách hiệu quả và thành thục. Đó là một trong những biện pháp phòng bệnh hết sức hữu hiệu.

Các đơn vị trường học đã được Sở GD-ĐT chỉ đạo phải bảo đảm số thuốc men tối thiểu theo quy định; lập danh sách học sinh từng lớp với đầy đủ thông tin để có thể cung cấp kịp thời cho các đơn vị y tế phối hợp theo dõi khi có dịch; các trường, trung tâm giáo dục có thể sử dụng học phí hoặc vận dụng các nguồn kinh phí khác để phun thuốc phòng dịch, làm sạch môi trường trước khi khai giảng năm học mới.

Cũng trong những ngày này, ngành Y tế thành phố thường xuyên có những đoàn công tác xuống làm việc tại các đơn vị trường học trên địa bàn để kiểm tra những hoạt động phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời, tuyên truyền cho các trường học những việc làm cụ thể hơn trong tình hình dịch cúm đang diễn tiến phức tạp như hiện nay.

Tính đến ngày 18-8, Đà Nẵng đã có tổng cộng 15 trường hợp bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, trong số đó có một học sinh của TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, có một trường hợp nhiễm bệnh, được phát hiện ngẫu nhiên trong cộng đồng, đó là trường hợp của ông T.H.P (42 tuổi, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Ông P. được phát hiện bị bệnh khá hy hữu, khi ông tham gia khám bệnh theo dự án giám sát cúm mùa, thì mẫu bệnh phẩm của ông qua xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Và trong suốt thời gian chờ kết quả xét nghiệm, ông P. đã tiếp xúc với nhiều người vì không biết mình nhiễm bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là không thể lường được.

VIẾT THANH

;
.
.
.
.
.