.

Đời than

.

Chủ nhật, xưởng than vẫn đang lịch kịch làm việc. Nhà xưởng lợp tôn cả tường lẫn mái, chung quanh được bao bọc bởi những cây trứng cá màu xanh để che bớt nắng trời, còn lại không gian xám xịt màu đen. Một đống than nhồi sẵn nằm trước những cỗ máy. Người xúc, người khiêng lầm lũi trong tiếng máy than nhảy cọc cạch.

Lấm lem đời than

Nữ công nhân tại một xưởng than.

Phàn A Khé, 37 tuổi, người dân tộc Dao, quê ở Sìn Hồ - Lai Châu. Người thợ này đứng máy sản xuất than tổ ong ở một phân xưởng nằm cuối đường Mẹ Nhu. Giới thiệu lai lịch như thế xem ra ít có người tin bởi Sìn Hồ là thị trấn nằm ở một tỉnh cực bắc sát biên giới Việt – Trung sao có người xuất hiện làm công nhân than ở Đà Nẵng?

Anh bạn đời lính đã có 10 năm chở than đi bỏ mối là Nguyễn Minh ở phường An Khê, quận Thanh Khê giới thiệu cho tôi tìm gặp anh Khuê tại phân xưởng than này. Trong không gian đen như nhúng chàm, chợt lóe lên một sắc màu áo đỏ.

- Đừng chụp em! Em không làm than.

- Không làm than vô đây làm chi?

- Em theo chồng, đấy cái anh đứng máy ở kia.

Theo tay cô áo đỏ chỉ là người đàn ông miệng không đeo khẩu trang, tay không đeo găng, gương mặt dường như vô cảm, chỉ có đôi tay thoăn thoắt chuyển than vào ki khiêng là nhịp nhàng như múa. Cô áo đỏ là Phan Thị Kim Dung, cha cô người Quảng Nam tập kết ra Bắc, mẹ cô người Hà Tây, cô sinh ra và lớn lên ở Việt Trì, trước làm ở nhà máy giấy. Chồng cô không ai khác, là anh Phàn A Khé, mà mọi người vẫn gọi là Khuê. Thời thanh niên, anh từng làm việc ở nhà máy gạch tuy nen, chỉ cách Nhà máy giấy Việt Trì chừng 4 cây số, Khuê và Dung gặp nhau, bén duyên nên vợ nên chồng.

Năm 2004, anh theo gia đình vợ về Đà Nẵng. Kim Dung phụ việc cho bếp ăn của sinh viên Trường đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, anh bắt đầu dan díu với nghề than. Hai đứa con của anh chị không quen với nếp sinh hoạt ở thành phố nên trở lại sống cùng ông bà nội ở Lai Châu. Không có cảnh vợ chồng Ngâu, nhưng gia cảnh thì vẫn hai đầu xa cách.

Tôi đến, gặp lúc ông Phàn Chang Páo, cha của anh Khuê vào thăm con đã mấy ngày nay. Ông cũng muốn ở chơi với các con cho lâu, nhưng ở đây nóng quá không quen khí hậu, lại nhớ các cháu nên cứ nằng nặc đòi về.

Anh Khuê vừa nghỉ đứng máy, lại chuyển qua bốc than lên xe và nhận tiền từ khách hàng đến mua ngoài giờ làm việc. Bớt việc một chút, anh mới tiếp chuyện cùng tôi: Đời làm than đen lắm, vất vả lắm nhưng quen rồi thì không bỏ được. Chưa có nhà riêng, nên cả hai vợ chồng ở luôn tại xưởng, vừa bán than ngoài giờ, vừa làm bảo vệ nên mỗi tháng được trả thêm ngoài lương 5 trăm ngàn đồng, có thêm thu nhập lại đỡ mất tiền thuê nhà trọ. 2 suất lương mỗi tháng được hơn 4 triệu, chia đôi một nửa gửi về quê cho ông bà nội nuôi con, còn lại 2 vợ chồng tằn tiện chi tiêu.

Chuyển than tại cơ sở ở đường Mẹ Nhu.

 

Khách hàng đến mua than buổi xế chiều khá đông. Câu chuyện của anh Khuê cứ thế từng hồi đứt đoạn, anh trở ra tiếp khách, vừa bốc than vừa tính tiền, vừa nói: “Không được để khách hàng quay xe trở về không”. Vừa chụp cái mũ bảo hiểm lên đầu, chợt nghe một giọng nữ vang lên:

- Tránh ra cho khách hàng vào.

Người đàn bà gõ cây vào đầu, nhắc nhở tôi nhường lối cho chiếc xe tải rê vào xưởng nhận hàng. Cánh cửa ca-bin vừa mở, lại một gương mặt phụ nữ ló ra. Tôi giơ máy ảnh lên:

- Oách ghê, xin chị tấm hình làm kỷ niệm.

- Than đen, có chi đẹp mà chụp?

Nói thế nhưng chị vẫn giữ tay ở cửa xe nói:

- Chụp xong chưa? Nhanh lên để còn nhận than.

Tên chị là Phan Thị Phai, tuổi xấp xỉ 50, người thấp đậm, đã nhiều năm chở than bỏ mối. Nhà chị ở đường Nguyễn Văn Linh, ngày chạy chừng mươi chuyến, thu nhập trên vài trăm/ngày. Tên là Phai nhưng nét duyên thì chẳng phai, mới gặp nhưng chị trò chuyện vui vẻ, thoải mái như bạn thân đã lâu. Chỉ vào một người phụ nữ lái xe tải chở than nữa, chị ghé tai tôi nói:

- Đi lên nhờ than đó, hồi trước chở than bằng xe đạp, rồi chuyển qua xe máy và bây giờ thì lên đời chở than bằng ô-tô.

Chẳng cần đợi hỏi chuyện, chị Lê Thị Đa, chủ chiếc xe tải con màu trắng, mang biển số 43H-1691, chở trên nghìn viên than tổ ong vui vẻ thổ lộ: Nhà chị trước ở đường Hoàng Diệu, nay chuyển về khu dân cư số 3 phường Khuê Trung. Chồng chị cũng lái xe chở than, 3 đứa con của anh chị đứa gái đầu Cử nhân Kinh tế đã đi làm, con thứ đang học lớp 11, con trai út 15 tuổi học lớp 9. Chị kể với niềm tự hào của người đàn bà một đời chở than nhưng chưa bao giờ than.

Vẫn chung tình với than tổ ong

Anh Phàn A Khé theo vợ, rời quê hương vào Đà Nẵng lập nghiệp bằng nghề than.

Đại lý than tổ ong của Nguyễn Minh nằm trên đường Trường Chinh. Gọi là đại lý nhưng chẳng có than trong nhà, ngoài cái biển hiệu treo trước cửa. Minh giải thích: Ai đời đi rước mấy cục than đen vô nhà. Đại lý bây giờ là: “Alô! Cần bao nhiêu?”, tôi vèo một cái đến tận xưởng, chất than lên, chở thẳng đến nơi tiêu thụ. “Mua tận gốc, bán tận ngọn”, ngày chở dăm chuyến, kiếm trăm ngàn, bẩn người dễ tắm, bẩn nhà khó chùi...

Nguyễn Sáu có đại lý than tổ ong ở tổ 34, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ thì năng động hơn: Ở xa lấy tận xưởng, chở tận nơi, còn gần nhà lấy chừng 50 viên để bán dần cho hàng xóm, mấy bà bán bún, bán mỳ ngày nào chẳng rước vài ba viên. Họ cũng lấy đâu dùng đó chứ mang về nhà vừa bẩn vừa không có chỗ chứa. Các ông cứ xem mấy cái xưởng than là biết, quận Ngũ Hành Sơn có xưởng lớn ở Hòa Hải; Liên Chiểu có xưởng ở Hòa Khánh; Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hòa Vang ở đâu cũng có một vài điểm nhỏ, còn ở quận Hải Châu đố ai dám sản xuất than đen.

Anh Nguyễn Văn Thu, phụ trách trạm than Hòa Phát cho biết, trạm này là cơ sở của Xí nghiệp than Hòa Hải. Ở đâu có đất rộng thì tận dụng mở xưởng, than tiêu thụ ở đây cũng không nhiều, lại phải cạnh tranh với các xưởng than tư nhân, quân đội nên cũng khó bình quân định mức tiêu thụ sản phẩm. Trạm than Hòa Phát có diện tích khá rộng, nhà xưởng cao ráo, chủ yếu để tập kết bột than, còn bộ phận trực tiếp sản xuất cũng chỉ có 3 cỗ máy với 4 công nhân đang làm việc. Ngôi nhà 2 tầng làm văn phòng hành chính cũng đen nhẻm từ chân cầu thang lên gác.

Chị Phan Thị Phai chuyên lấy than ở xưởng anh Phàn A Khuê đứng máy cho rằng: Sở dĩ chị vận chuyển được nhiều than trong ngày là do chị quen biết nhiều khách hàng, nhiều cơ sở luộc đậu, nấu cao, làm bún... cần than tổ ong với số lượng lớn. Anh Khuê thì ước lượng xưởng anh làm một ngày phải được trên 10 ngàn viên than, làm đến đâu khách hàng lấy hết đến đó, vì vậy phải dự trữ để phòng khi mất điện, hư máy... vẫn có than cung cấp cho khách.

Chị Lê Thị Đa theo nghề vận chuyển than từ xe máy chuyển qua xe tải.

 

Không kể những gia đình ở trong thành phố dùng than tổ ong để nấu hàng ăn, nhiều hộ gia đình khác cũng sử dụng than tổ ong để đun nấu trong nhà. Theo họ, nấu than dù không được sạch sẽ lại có hại cho sức khỏe nhưng vì giá gas leo thang nên buộc họ phải quay về với than tổ ong. Vợ tôi thường nấu cơm, nấu nước trong những cái nồi to cho số lượng đông người, vừa lom khom quạt than tổ ong trong lò, vừa giải thích: “Than lấy tận lò giá 1.300 đồng/viên, chở bỏ đại lý giá 1.600 đồng, mình mua dùng với giá 2.000 đồng, dẫu sao vẫn rẻ hơn nấu bếp gas và bếp điện”.

***

Cụ Phàn Chang Páo trước khi lên xe để về quê, cứ nhắc mãi anh Khuê nhớ đeo khẩu trang khi đứng máy để chống bụi than vào phổi và dặn chị Dung ăn cơm thật muộn để tránh bụi than. Câu thơ tương truyền của Trần Khánh Dư trong bài "Bán than" có câu: "Chán nghề nhem nhuốc toan nghề khác/ Nhưng sợ trời đông lắm kẻ hàn" . Xem ra, những người một đời làm than, chở than chắc sẽ đi đến cùng mà không muốn đổi sang nghề khác.

Phóng sự của Lê Gia Thụy

 

;
.
.
.
.
.