.

Đồng tiền không thể…

.

“Đồng tiền không thể mua được mọi thứ”, lời nhắc nhở này vừa xuất hiện trên một biểu ngữ cầm tay của cổ động viên Chelsea ở sân Stamford Bridge cuối tuần qua, trong trận mở màn mùa bóng mới giải ngoại hạng Anh. Trong màu xanh trùng điệp truyền thống của câu lạc bộ giàu có nhất thủ đô London, biểu ngữ giương cao, sắc gọn và đanh thép.

V-League và giải hạng nhất ngày càng đặt lên bàn các nhà làm bóng đá bao thứ ngổn ngang, thách thức. Ảnh tư liệu

Cổ động viên của câu lạc bộ từng xúc tiến các vụ chuyển nhượng đình đám một thời này hướng về ai khi đưa ra lời nhắc nhở? Về các ông chủ mới của Manchester City kèm theo ngụ ý đừng có mà tiếp tục theo đuổi giấc mơ lôi kéo phủ dụ người hùng Terry của họ? Về chính ông chủ Abramovich giàu có đam mê bóng đá là thế nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài biểu hiện chơi ngông qua việc mua về chuyên gia này, bán đi cầu thủ nọ?

Một mũi tên có thể nhắm tới hai ba đích, biểu ngữ đầu mùa trên sân Stamford Bridge gợi lên nhiều thao thức với các nhà làm bóng đá ở chính xứ sở của môn thể thao vua, trong đó có một thông điệp nhạy cảm: Đừng vì quyền lợi vật chất trước mắt mà xao nhãng sứ mạng bảo tồn, phát huy các giá trị sân cỏ truyền thống vốn làm nên sắc áo màu cờ.

Không có biểu ngữ nào như thế trên các sân bóng V-League, hạng nhất trong những vòng đấu cuối hàm chứa nhiều nụ cười, nước mắt, nhưng có vẻ không gian quyết liệt và tính chất căng thẳng ở chặng đua này cũng cần được dóng lên lời cảnh báo chớ dùng đồng tiền để thay đổi cục diện một giải đấu. Đang rầm rộ, nóng bỏng các cuộc chạy đua bên ngoài sân cỏ nhằm tìm cho mình kết cuộc thuận lợi ở vòng đấu diễn ra cuối tuần này.
 
Như một thói quen lưu cữu, những nghi ngờ về chuyện bán mua, ân nghĩa lại rộ lên. Những khán giả hiền lành, ít ngờ vực nhất cũng có thể liệt kê vanh vách những cái tên có thể đi đêm và hình dung rõ mồn một vô số kịch bản đổi chác, bán mua có nguy cơ xảy ra trước khi trái bóng V-League và giải hạng nhất ngừng lăn. Như một căn bệnh trầm kha, cơ thể làng bóng nước nhà vào dịp này lại nóng lạnh vô lường, báo hại các nhà quản lý, điều hành đôn đáo tìm thuốc chữa bằng cách luôn miệng vừa dỗ dành vừa đe nẹt.

Một số hình phạt trong quá khứ cũng được các nhà điều hành cố ý nhắc lại để răn đe các đội chớ dại dột thi đấu thiếu trung thực khi buông cho đối thủ này mà máu lửa với đối thủ kia. Trưởng ban Kỷ luật của liên đoàn thì luôn miệng dọa trừng phạt cả chuyện dùng tiền để kích thích, động viên “chiến hữu” thi đấu hết mình với đối thủ trực tiếp nhằm giúp mình trụ hạng…

Đồng tiền lại một lần nữa được nhắc đến vào thời khắc dầu sôi lửa bỏng chuẩn bị khép lại một mùa giải, không phải để mua sắm trang bị thực lực mà chỉ để treo thưởng, nhờ cậy người ta chiến đấu hết mình với đối thủ trực tiếp tranh giành chiếc vé trụ hạng, lên hạng. Nghe có vẻ đúng lý (khuyến khích, hô hào thi đấu hết mình để phục vụ công chúng thì sao lại trái luật?) nhưng cũng chính vì vậy mà tức thời xuất hiện tiếng than vãn và lời kêu cứu từ phía các đội nghèo tự nhận mình cô thế.
 
Nhiều người lo lắng chỉ ra tính chất khác thường, thiếu lành mạnh trong cách khen thưởng mang hơi hướng mạnh vì gạo, bạo vì tiền… Mùa giải chưa kết thúc mà đó đây đã xuất hiện những lời dọa dẫm kiện cáo, tẩy chay. V-League và giải hạng nhất ngày càng đặt lên bàn các nhà làm bóng đá bao thứ ngổn ngang, thách thức.

Nguyễn Đình Xê

 

;
.
.
.
.
.